Doanh nghiệp ngành hàng tiêu dùng nhanh: Cần chiến lược phát triển phù hợp

Mặc dù doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã có mức tăng trưởng tích cực và đóng góp đến 42% trong tổng số doanh thu của toàn ngành hàng tiêu dùng nhanh. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều việc phải làm để đứng vững trước sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường.

Ngành hàng tiêu dùng nhanh có mức tăng trưởng tích cực

Tăng trưởng tích cực

Theo nghiên cứu của Nielsen Việt Nam, DN Việt ngành hàng tiêu dùng nhanh tiếp tục tăng trưởng ấn tượng. Cụ thể, năm 2016, trong khi các DN đa quốc gia chỉ đạt được 2% tăng trưởng giá trị (so với 5% năm 2014), thì DN trong nước đã đạt được mức tăng rất tích cực là 7% về giá trị (so với tỷ lệ 5% hai năm trước) và đóng góp đến 42% trong tổng số doanh thu của toàn ngành hàng. Người tiêu dùng Việt Nam vẫn đặc biệt yêu thích sử dụng các sản phẩm từ sữa và bánh kẹo do DN trong nước sản xuất. Các ngành hàng khác cũng nhận được sự ủng hộ từ người tiêu dùng Việt, đó là: Trà/cà phê (41%); thịt/hải sản đông lạnh (37%); mì ăn liền (36%); khăn giấy, giấy vệ sinh (29%)...

Ông Nguyễn Anh Dũng - Giám đốc cấp cao Bộ phận Dịch vụ Đo lường bán lẻ (Nielsen Việt Nam) - nhận định: Các DN Việt đang cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm có chất lượng ngày càng được cải tiến với mức giá cạnh tranh trên thị trường. Nhờ hệ thống phân phối rộng khắp, được duy trì liên tục trong thời gian dài, sản phẩm của DN trong nước luôn sẵn sàng tiếp cận người tiêu dùng không chỉ ở thành phố lớn mà còn ở cả khu vực vùng sâu, vùng xa để thúc đẩy sự tăng trưởng.

Đón đầu xu hướng tiêu dùng

Mặc dù, có tăng trưởng khả quan nhưng DN Việt vẫn còn nhiều việc phải làm để có thể đứng vững trước sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt của thị trường. Ông Nguyễn Anh Dũng nhận định, bối cảnh toàn cầu hóa sẽ khiến hành vi và nhu cầu của người tiêu dùng liên tục thay đổi, đòi hỏi các nhà sản xuất phải có những chiến lược phù hợp để không chỉ bắt kịp mà còn đón đầu xu hướng tiêu dùng, tăng trưởng bền vững.

Theo nghiên cứu của Nielsen, người Việt đặc biệt quan tâm đến vấn đề sức khỏe và sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn để sở hữu những sản phẩm “tốt cho sức khỏe”. Đồng thời, người tiêu dùng cũng sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn cho những sản phẩm cao cấp, mang đến cho họ những trải nghiệm xứng đáng. Bên cạnh đó, thương mại truyền thống vẫn là kênh mua bán chủ lực tại thị trường Việt Nam với hơn 1,4 triệu cửa hàng trên toàn quốc, đóng góp hơn 83% doanh số ngành hàng tiêu dùng nhanh. Tuy nhiên, kênh thương mại hiện đại cũng đang có sự dịch chuyển tích cực, đặc biệt là các cửa hàng nhỏ trong hệ thống cửa hàng hiện đại (cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini...) đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ về số lượng trong vài năm qua. Cùng với đó, sự phát triển về cơ sở hạ tầng viễn thông và các thiết bị kỹ thuật số đã thúc đẩy xu hướng tiện lợi, kết nối ngày càng rõ rệt hơn, hình thành nên môi trường thuận lợi để thương mại điện tử phát triển. Do đó, việc cân bằng cán cân thương mại giữa kênh mua bán truyền thống, hiện đại và thương mại điện tử là điều cần thiết mà các DN Việt nên tập trung cân nhắc để xây dựng chiến lược phù hợp.

Ông Nguyễn Anh Dũng - Giám đốc cấp cao Bộ phận Dịch vụ Đo lường bán lẻ (Nielsen Việt Nam):

DN Việt nên cân nhắc và xác định những cửa hàng trọng điểm tại các khu vực địa lý trọng tâm để tạo lợi nhuận cao nhất.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/doanh-nghiep-nganh-hang-tieu-dung-nhanh-can-chien-luoc-phat-trien-phu-hop.html