Doanh nghiệp ngành hóa chất: Giữ nhịp sản xuất, duy trì đà tăng trưởng

Các doanh nghiệp ngành hóa chất đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp giữ nhịp sản xuất, duy trì đà tăng trưởng tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Chủ động thích ứng

Thời gian qua, giá phân bón trên thị trường giảm sâu, nguồn cung hóa chất nhập khẩu tăng mạnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động của các doanh nghiệp.

Nhìn nhận thị trường, ông Nguyễn Phú Cường - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cho biết, năm qua, ngành hóa chất đối diện với rất nhiều khó khăn khi cầu tiêu dùng sụt giảm, tốc độ tăng trưởng các nhóm ngành sản xuất của các đơn vị trong Tập đoàn có dấu hiệu chững lại và gặp khó khăn, ẩn chứa nhiều yếu tố bất lợi... Mặc dù vậy, với nỗ lực của người lao động trong toàn hệ thống, đơn vị đã vượt khó, hoàn thành các chỉ tiêu đề ra.

Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp toàn Tập đoàn đạt 50.362 tỷ đồng, doanh thu đạt 55.286 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 3.277 tỷ đồng; nộp ngân sách 1.922 tỷ đồng; bảo đảm việc làm cho khoảng 18.000 lao động với mức tiền lương bình quân hơn 13,52 triệu đồng/người/tháng.

Đáng chú ý, 3 đơn vị trong danh mục "12 dự án yếu kém ngành Công Thương" gồm: Dự án Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình; Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc; Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai đã có lãi hơn 1.046 tỷ đồng.

Trong năm, Vinachem đã sản xuất hơn 3 triệu tấn phân bón các loại; 3,4 triệu lốp ô tô các loại; 330.000 tấn chất giặt rửa và nhiều sản phẩm hóa chất phục vụ cho đời sống. Một số sản phẩm ghi nhận tăng so với cùng kỳ như: phân ure tăng 17%, phân DAP tăng 35%, supe lân tăng 15%, xút thương phẩm tăng 5%; chất giặt rửa tăng 18%; các nhóm sản phẩm chủ lực còn lại của tập đoàn đều cơ bản giữ vững so với năm 2022. Nhóm công ty liên doanh liên kết đều hoạt động có hiệu quả, hầu hết tăng lợi nhuận so 2022.

Công nhân Công ty CP Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao kiểm tra sản phẩm trước khi xuất bán ra thị trường. (Ảnh báo Phú Thọ)

Giá trị thực hiện công tác đầu tư xây dựng năm 2023 của toàn tập đoàn ước đạt 1.614 tỷ đồng, bằng khoảng 135% kế hoạch năm, trong đó đang tích cực triển khai 2 dự án quy mô nhóm B tại Công ty Cao su Đà Nẵng và Hóa chất Việt Trì sẽ hoàn thành toàn bộ trong năm 2024, góp phần thực hiện chủ trương huy động nguồn lực của các doanh nghiệp Nhà nước vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Đơn cử như Công ty cổ phần Phân đạm và hóa chất Hà Bắc, sản phẩm sản xuất quy đổi Urê đạt 452.000 tấn; sản phẩm tiêu thụ quy đổi Urê đạt 471.000 tấn, cao nhất từ trước đến nay, bằng 102% kế hoạch năm; doanh thu đạt hơn 4.400 tỷ đồng; nộp ngân sách hơn 53,3 tỷ đồng. Năm qua, đơn vị cũng tiết giảm chi phí được 100 tỷ đồng từ định mức tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu thực hiện giảm so với kế hoạch.

Đề cập tới hiệu quả doanh nghiệp, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phân bón Miền Nam Đặng Tấn Thành cho biết, năm 2023, đơn vị cũng đạt doanh thu hơn 1.560 tỷ đồng, bằng 104%; lợi nhuận trước thuế đạt 57 tỷ đồng, bằng 285%; nộp ngân sách đạt 23 tỷ đồng, bằng 84% kế hoạch năm. Năm 2024, đơn vị tiếp tục nắm bắt, dự báo tốt thị trường nhằm triển khai có hiệu quả các giải pháp để bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động.

Khơi thông thị trường

Theo ông Nguyễn Phú Cường, dự báo, năm 2024, ngành hóa chất tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. để giữ nhịp tăng trưởng và hoàn thành mục tiêu năm 2024, Tập đoàn sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh tại các đơn vị thành viên cũng như tăng cường sự phối hợp giữa các đơn vị cùng nhóm ngành sản xuất phân bón, cao-su, hóa chất; đồng thời, tăng cường năng lực vận hành, bảo trì hệ thống thiết bị công nghệ bảo đảm sản xuất ổn định, phát huy tối đa công suất, tập trung nghiên cứu và áp dụng các biện pháp ổn định chất lượng sản phẩm.

Bên cạnh đó, Tập đoàn tập trung mọi nguồn lực để phát triển thị trường, đẩy mạnh sản lượng tiêu thụ các sản phẩm có lợi thế như phân bón DAP, Urê, phân bón NPK, phân lân nung chảy, hóa chất cơ bản, lốp Radial, chất tẩy rửa, pin ắc-quy,...

Vinachem sẽ không ngừng hoàn thiện hệ thống sản xuất đối với các ngành hàng, bảo đảm hiệu quả sản xuất, đáp ứng nhu cầu về thị trường, chất lượng, phát triển các sản phẩm đặc chủng đối với từng nhóm khách hàng với giá cả phù hợp.

Bên cạnh đó, Tập đoàn sẽ tăng cường hoạt động giám sát đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các đơn vị, nhất là các đơn vị gặp khó khăn để kịp thời có giải pháp tháo gỡ; triển khai rà soát lại cơ cấu tổ chức tại các đơn vị thành viên theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối, khắc phục tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ nhằm nâng cao năng lực quản trị và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp; yêu cầu các đơn vị chủ động, tích cực thực hiện các giải pháp quản trị theo xu hướng chuyển đổi số, tăng cường liên kết trong hệ thống; nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển sản phẩm và sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau nhằm khai thác tối đa thế mạnh của mỗi đơn vị.

Trên cơ sở đó, bám sát thị trường truyền thống, đẩy mạnh tiêu thụ tại các thị trường mới, thị trường xuất khẩu,... qua đó, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Duy Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/doanh-nghiep-nganh-hoa-chat-giu-nhip-san-xuat-duy-tri-da-tang-truong-302939.html