Doanh nghiệp, nhà nông thiệt vì thuế phân bón: 'Mở' mà không mở

Chính sách “tưởng mở mà không mở” của Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi bổ sung quy định về thuế GTGT với mặt hàng phân bón đang có phản ứng ngược khi ngay cả DN trong nước lẫn người nông dân đều gặp bất lợi về giá thành sản phẩm so với phân bón nhập khẩu…

LTS: Theo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của các luật về thuế, mặt hàng phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT). Ngay từ khi ra đời và có hiệu lực, luật này đã vấp phải sự phản đối mạnh từ các doanh nghiệp (DN) ngành phân bón, các tổ chức xã hội liên quan vì sự bất cập mà nó mang lại. Gần 2 năm qua, sự bất cập này đang khiến nhiều DN sản xuất phân bón rơi vào tình trạng khó khăn, nông dân thì không được hưởng lợi...

Chính sách “tưởng mở mà không mở” của Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi bổ sung quy định về thuế GTGT với mặt hàng phân bón đang có phản ứng ngược khi ngay cả DN trong nước lẫn người nông dân đều gặp bất lợi về giá thành sản phẩm so với phân bón nhập khẩu… Ngay khi luật này có hiệu lực (từ 1.1.2015), ngoài các DN thì nhiều tổ chức như Hội Nông dân Việt Nam, Hiệp hội Phân bón Việt Nam… đã lên tiếng phản đối và kiến nghị sửa đổi vì nếu áp dụng sẽ “thiệt thòi” cho chính người nông dân.

Lợi bất cập hại?

Các DN phân bón trong nước đang gặp khó vì quy định về thuế GTGT. Ảnh: Văn Việt

Phân ngoại bỗng... hưởng lợi

Ông Trần Văn Chuyên - Phó trưởng Phòng Kế hoạch vật tư Công ty CP Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao cho biết, hàng năm công ty sản xuất 0,28 triệu tấn hóa chất và 1,6 triệu tấn phân bón. Trong quá trình sản xuất, vật tư nguyên liệu nhập vào là nguyên liệu thô, phải chịu thuế đầu vào từ 5-10% với tổng giá trị tiền thuế đầu vào mỗi năm khoảng 180 tỷ đồng. Do không được hoàn thuế nên toàn bộ tiền thuế đầu vào phải tính vào chí phí sản xuất đã làm tăng giá thành sản phẩm phân bón từ 3-4%. Và từ năm 2015, phân bón không thuộc đối tượng chịu thuế nên DN phải đóng tiền thuế cho ngân sách nhà nước là 120 - 130 tỷ đồng/ năm.

“Phân bón nhập khẩu được giảm thuế từ 11% xuống còn 6%. Như vậy mặt bằng giá phân bón nhập khẩu giảm 5% trong khi phân bón trong nước lại tăng 3-4%. Như thế, phân bón nhập khẩu lợi thế về giá hơn so với sản phẩm sản xuất trong nước” - ông Chuyên nói.

P.V (tổng hợp)

Thực tế, việc chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng chịu 5% thuế GTGT sang đối tượng không chịu thuế GTGT có thể dẫn đến 2 khả năng trái ngược nhau: Làm giảm giá bán hoặc ngược lại làm tăng giá bán. Điều này phụ thuộc vào tỷ trọng chi phí đầu vào chịu thuế GTGT 10% trong cơ cấu giá bán sản phẩm.

Cụ thể, nếu tỷ trọng này thấp, ví dụ 10%, còn 90% còn lại của giá bán được cấu thành từ các khoản không chịu thuế GTGT như nguyên liệu là phân bón nhập khẩu (ví dụ phân ure, kali, lân... dùng để sản xuất phân NPK), tiền lương, khấu hao máy móc, lợi nhuận DN…, thì việc không phải chịu thuế GTGT với mức 5% trên tổng giá thành sẽ làm giá bán giảm đi so với khi phải chịu 5% thuế GTGT đầu ra và được khấu trừ thuế GTGT đầu vào (vì thuế GTGT đầu vào không đáng kể).

Trong trường hợp này, đối tượng chính được hưởng lợi là phân bón nhập khẩu hoặc những đơn vị “cuốc xẻng” (sử dụng công nghệ thô sơ) - mua nguyên liệu là các loại phân đơn nhập khẩu (không chịu thuế GTGT) để phối trộn một cách đơn giản (bằng cuốc, xẻng, máy trộn bê tông...) và cho ra sản phẩm NPK có tỷ lệ... “hên xui”.

Ngược lại, nếu tỷ trọng chi phí đầu vào cao (từ 50% giá bán trở lên) - đây lại là tình trạng phổ biến ở các DN sản xuất phân bón chân chính tại Việt Nam, thì phần thuế GTGT đầu vào lớn hơn khoản 5% thuế GTGT đầu ra. Do đó, việc miễn khoản 5% đầu ra nhưng không cho khấu trừ 10% đầu vào sẽ khiến giá thành tăng lên so với khi DN được hoàn thuế GTGT do thuế đầu ra nhỏ hơn thuế đầu vào. Như vậy, khi giá thành tăng mà giá bán giữ nguyên thì DN chịu thiệt, còn nếu muốn giữ nguyên lợi nhuận thì DN phải tăng giá bán.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Hạc Thúy - Phó Chủ tịch thường trực, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam nói: “Thực tế, khi áp dụng luật số 71, chi phí sản xuất kinh doanh của hầu hết các DN phân bón trong nước tăng lên do không được khấu trừ thuế đầu vào bình quân khoảng 5-7,6%; kéo theo đó là giá bán phân bón và chi phí đầu tư cho sản xuất nông nghiệp của nông dân cũng tăng lên đáng kể do phân bón là vật tư thiết yếu chiếm khoảng 40-50% tổng chi phí đầu tư trong sản xuất nông nghiệp.

Tạo cơ hội cho phân bón nhập khẩu

Thực tế hiện nay, nhu cầu tiêu thụ phân bón trong nước mỗi năm vào khoảng 11 triệu tấn các loại, trong khi năng lực sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng khoảng 80% nhu cầu. Vì vậy, việc nhập khẩu phân bón để đáp ứng nhu cầu trong nước là cần thiết, đặc biệt với các sản phẩm như kali, SA hiện nay chưa sản xuất được và phải nhập khẩu hoàn toàn.

Dù vậy, nhìn vào cơ cấu sản phẩm phân bón nhập khẩu vài năm gần đây cho thấy lượng phân bón nhập khẩu của Việt Nam lại tăng mạnh ở mặt hàng đạm (ure) dù sản xuất trong nước đã dư thừa, trong khi các mặt hàng phân bón khác có nhu cầu thì lại giảm. Cụ thể, thống kê của Bộ NNPTNT cho thấy, khối lượng nhập khẩu 9 tháng đầu năm 2016 của phân đạm (ure) ước đạt 443.000 tấn, tăng 58,8% về khối lượng so với cùng kỳ năm 2015. Tuy nhiên, một số mặt hàng như phân SA lại giảm 3,8% về khối lượng so với năm 2015; phân D.A.P giảm 27,2% so với cùng kỳ; phân NPK giảm 27,8% so với cùng kỳ năm 2015…

Ngoài cơ cấu phân bón, một điều khá bất hợp lý với ngành phân bón đã tồn tại từ lâu nay là khá nhiều mặt hàng phân bón nhập khẩu từ các nước khác dù phải chịu thuế nhập khẩu 6% nhưng giá thành vẫn rẻ hơn thị trường nội địa do không phải chịu thuế GTGT 5%.

Cụ thể, nếu tính theo giá thị trường, từ khi áp dụng luật 71, thì giá thành các loại phân bón do các DN trong nước sản xuất bình quân đều tăng, phân đạm (ure) tăng khoảng 7-7,6%; phân DAP tăng 7,3-7,8%; phân supe lân tăng 6,5-6,8%; phân NPK và hữu cơ tăng 5,2-6,1%... so với các sản phẩm nhập khẩu.

Chia sẻ về tình trạng này, ông Nguyễn Hoàng Anh - Phó Tổng Giám đốc Công ty Phân bón Việt Mỹ cho biết, hiện nay hầu như tất cả nguyên liệu đầu vào của phân bón đều phải chịu thuế 10%, nếu sản phẩm bán ra không phải chịu thuế VAT thì không được khấu trừ đầu vào, còn nếu sản phẩm bán ra chịu thuế 0% thì đầu vào được khấu trừ. Do đó, vô hình chung việc miễn thuế làm cho giá thành đội lên chứ không giảm như kỳ vọng của người dân… Chưa kể sẽ tạo điều kiện cho sản phẩm ngoại xâm nhập thị trường, cùng với tình trạng phân bón “cuốc xẻng”, phân bón kém chất lượng có thêm đất để phát triển.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nha-nong/doanh-nghiep-nha-nong-thiet-vi-thue-phan-bon-mo-ma-khong-mo-719299.html