Doanh nghiệp Nhật bản đề xuất góp vốn xây dựng Bến xe miền Đông mới

Tập đoàn Tokyu (Nhật bản) đề xuất UBND TP.HCM phê duyệt chủ trương thành lập công ty liên doanh với Tổng công ty Cơ khí Giao thông vận tải Sài Gòn (SAMCO) với hình thức: SAMCO góp vốn bằng quyền sử dụng đất và Tokyu góp vốn bằng tiền xây dựng và vận hành.

Chiều 4/10, ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó chủ tịch UBND TP.HCM đã có buổi làm việc với Tập đoàn Tokyu (Nhật bản) về dự án Bến xe miền Đông mới.

Trong buổi làm việc, đại diện Tokyu đã trình bày mong muốn tham gia vào dự án Bến xe miền Đông mới. Cụ thể, đơn vị này đã trình bày nghiên cứu dự án xây dựng khối thương mại dịch vụ bao gồm nhiều tiện ích như khu trường học, làm việc, khu mua sắm... xung quanh khu vực Bến xe miền Đông mới, tại ga cuối Suối Tiên tuyến metro số 1.

Theo vị này, do số vốn ban đầu để đầu tư cho dự án rất lớn, khu vực này lại không có chức năng nhà ở thương mại để có thể thu hồi vốn nhanh nên để đảm bảo tính khả thi, dự án cần được cấp quyền sử dụng đất trong thời gian dài.

Qua đó, Tokyu đề xuất UBND TP.HCM phê duyệt chủ trương thành lập công ty liên doanh với Tổng công ty Cơ khí Giao thông vận tải Sài Gòn (SAMCO) với hình thức: SAMCO góp vốn bằng quyền sử dụng đất và Tokyu góp vốn bằng tiền xây dựng và vận hành.

Doanh nghiệp Nhật Bản đề xuất góp vốn xây dựng Bến xe miền Đông mới

Lãnh đạo SAMCO bày tỏ mong muốn thành phố chấp thuận phương án xã hội hóa để thu hút vốn đầu tư cho dự án và thông tin cuối năm nay sẽ hoàn tất giai đoạn 1 của dự án Bến xe miền Đông mới, đến Tết Nguyên đán sẽ di chuyển một số tuyến về đây để giảm bớt ùn tắc giao thông tại Bến xe miền Đông cũ.

Nêu ý kiến về đề xuất trên, ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá cao đề nghị hợp tác của phía doanh nghiệp Nhật Bản. Đồng thời, lãnh đạo TP.HCM giao Tổng công ty Cơ khí Giao thông vận tải Sài Gòn nghiên cứu, bàn bạc với Tập đoàn Tokyu về một số nội dung cụ thể liên quan đến những điều kiện để triển khai dự án, sau đó trình UBND TP. Sở Giao thông Vận tải, Sở Kế hoạch Đầu tư có trách nhiệm hỗ trợ SAMCO xác định khung pháp lý để hai bên thực hiện hợp tác theo đúng quy định của pháp luật.

"Nếu không có gì cản trở, trong tháng 10 tới, UBND TP sẽ có văn bản chính thức tới Tập đoàn Tokyu trả lời việc có chấp thuận chủ trương hợp tác theo đề xuất của doanh nghiệp hay không", Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho hay.

Được biết, dự án Bến xe Miền Đông có tổng vốn đầu tư khoảng 4.000 tỉ đồng. Bến xe này nằm ở phường Long Bình, Quận 9 (TPHCM) và phường Bình Thắng (Thị xã Dĩ An, Bình Dương).

Theo quy hoạch chi tiết, Bến xe Miền Đông mới gồm bốn khu A, B, C, D; trong đó, khu A là đất bến bãi, công trình công cộng và phụ trợ, với công trình cao nhất có 26 tầng, có diện tích 122.480m2 (chiếm 76,37%,); khu B là trạm xe buýt (cao 2 tầng); khu C là kho trung chuyển và giao dịch hàng hóa (cao 5 tầng); và khu D là khu thương mại dịch vụ (cao 15 tầng).

Theo quy hoạch Phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2025, khu vực Bến xe miền Đông mới và ga Suối Tiên sẽ là đầu mối giao thông lớn của TPHCM với các tỉnh Đông Nam bộ, miền Trung và miền Bắc. Tại đây, các dự án này sẽ kết nối trực tiếp với hai nhà ga metro lớn để di chuyển vào khu vực trung tâm TP.HCM.

HỒNG TRÂM

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/doanh-nghiep-nhat-ban-de-xuat-gop-von-xay-dung-ben-xe-mien-dong-moi-14239.html