Doanh nghiệp Nhật gặp khó vì tỷ lệ nội địa hóa tại Việt Nam thấp

TGVN. Tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu, vật tư, linh kiện của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam là 36,3%, thấp hơn so với tỷ lệ của Trung Quốc 66%, tỷ lệ của Thái Lan 57%.

Tỷ lệ nội địa hóa thấp là nguyên nhân dẫn đến gia tăng chi phí và rủi ro lớn cho doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực chế tạo tại Việt Nam. (Nguồn: Báo Công Thương)

Thông tin vừa được ông Hironobu Kitagawa - Trưởng đại diện Tổ chức thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản (JETRO) đưa ra tại buổi họp báo thông tin về Diễn đàn công nghiệp hỗ trợ Việt Nam năm 2019 ngày 30/5 tại Hà Nội.

Ông Hironobu Kitagawa cho biết, tỷ lệ nội địa hóa thấp là nguyên nhân dẫn đến gia tăng chi phí và rủi ro lớn cho doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực chế tạo tại Việt Nam, đồng thời cũng là nguyên nhân gây khó khăn trong việc duy trì hoạt động sản xuất trung và dài hạn tại Việt Nam.

Theo ông Hironobu Kitagawa, ngành sản xuất nguyên liệu, linh kiện, vật tư hay còn gọi là ngành công nghiệp hỗ trợ phần lớn do doanh nghiệp nhỏ và vừa đảm nhận. Tuy nhiên, những hạn chế về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa chính là một trong những vấn đề còn tồn đọng ở Việt Nam.

“Nhìn từ góc độ khác, nếu giải quyết được những vấn đề nêu trên thì sẽ có ngày càng nhiều doanh nghiệp Nhật Bản chú ý, quan tâm đến ngành sản xuất, chế tạo của Việt Nam. Và hơn nữa, có khả năng Việt Nam sẽ được thế giới công nhận là có kỹ thuật sản xuất, chế tạo cao”, ông Hironobu Kitagawa khẳng định.

Phát biểu tại sự kiện, ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công nghiệp hỗ trợ đóng vai trò rất quan trọng, tạo cơ sở để phát triển một nền công nghiệp có sức cạnh tranh cao và bền vững.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của ngành công nghiệp hỗ trợ, Chính phủ Việt Nam giao Bộ Công Thương tích cực triển khai Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025.

Qua đó, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam được tạo điều kiện áp dụng các tiêu chuẩn, hệ thống quản lý chất lượng hiện đại; nâng cao chất lượng sản phẩm, độ tin cậy và từng bước tham gia vào chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa trong các ngành sản xuất quan trọng như ô tô, dệt may, da giày, điện tử.

Ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Reed Tradex, Cục Xúc tiến thương mại và JETRO ngày 30/5 tại Hà Nội. (Ảnh: Ly Ly)

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa khu vực Đông Nam Á, Cơ quan Phát triển quốc tế của Hoa Kỳ (USAID) đã thực hiện Dự án Liên kết giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME) trong giai đoạn 2018 – 2023 với tổng ngân sách dự kiến là 22,1 triệu USD. Dự án có mục tiêu củng cố mối quan hệ nhà cung cấp - bên mua giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa và các công ty đa quốc gia tại Việt Nam nhằm giúp các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Nhân dịp này, Reed Tradex - nhà tổ chức triển lãm hàng đầu Đông Nam Á và Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cùng JETRO đã ký kết thỏa thuận hợp tác và công bố “Triển lãm Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản (SIE 2019)” và “Triển lãm quốc tế Công nghệ chế tạo phụ tùng công nghiệp tại Việt Nam (VME 2019)” với sự góp mặt của các đơn vị triển lãm đến từ 16 quốc gia cùng hơn 200 công nghệ, máy móc tiên tiến. Cả hai triển lãm sẽ diễn ra đồng thời từ ngày 14 – 16/8 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô (91 Trần Hưng Đạo, Hà Nội).

Cũng trong khuôn khổ sự kiện, “Diễn đàn Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam 2019” (VME Forum 2019) cũng được tổ chức với mục tiêu thắt chặt mối quan hệ giao thương giữa các doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam, đồng thời thúc đẩy ngành sản xuất linh kiện, chế tạo phụ tùng công nghiệp của Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/doanh-nghiep-nhat-gap-kho-vi-ty-le-noi-dia-hoa-tai-viet-nam-thap-95084.html