Doanh nghiệp Nhật vẫn đầu tư dài hạn ở Việt Nam dù bị lùi khỏi Top 3

Lùi khỏi top 3 đầu tư FDI ở VN quý I/2018, song Nhật Bản vẫn đứng đầu xuất xứ FDI 'con hổ châu Á' theo ngành và cụm, theo dữ liệu FDImarkets - Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT).

Công nghiệp, chế biến, chế tạo hút dự án lớn

Theo báo cáo quý I/2018 của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), ba quốc gia đứng đầu FDI là Hàn Quốc - nhà đầu tư số 1 của Việt Nam năm 2017, kế tiếp là Hồng Kông và Singapore. Các quốc gia châu Á liên tục nhiều năm đứng trong top 3 FDI ở Việt Nam, đều duy trì vị thế đầu hoặc vượt lên nhờ các dự án đầu tư công nghiệp, chế biến chế tạo quy mô lớn.

Đầu tư "xanh" là một trong những đóng góp lớn của doanh nhật Nhật tại thị trường Việt Nam. Ảnh: Dây chuyền sản xuất hạt nêm của nhà máy Ajinomoto Việt Nam tại Bình Dương (nguồn: Ajnomoto VN)

Điển hình, Hàn Quốc có dự án Nhà máy LG Innitek Hải Phòng điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 501 triệu USD, Kefico VN (liên doanh với Đức) điều chỉnh tổng vốn đầu tư thêm 120 triệu USD; Hồng Kong có dự án Công ty TNHH Regina Miracle International Việt Nam điều chỉnh tăng vốn thêm 260 triệu USD; Singapore có dự án Nhà máy điện gió Hanbaram vừa được cấp phép với tổng vốn đầu tư 150 triệu USD…

Nhật Bản, nhà đầu tư FDI đứng thứ 2 ở VN năm 2017, dù tạm thời lùi khỏi top 3, vẫn là quốc gia có tổng vốn đầu tư lũy kế lớn (chỉ sau Hàn Quốc) với tổng vốn đăng ký trên 50 tỷ USD và số lượng lũy kế khoảng 3.700 dự án đầu tư.

Dẫn đầu "xuất xứ FDI"

Đặc biệt, nhìn trong quá trình đầu tư FDI dài hạn, theo dự thảo Chiến lược thu hút FDI giai đoạn 2018-2030 mà Cục Đầu tư nước ngoài đang lấy ý kiến lần 2, các nhà soạn thảo thống kê tới cuối 2017, trong top 14 quốc gia dẫn đầu về xuất xứ FDI theo ngành và cụm chiến lược, Nhật Bản vẫn đứng đầu “con hổ châu Á” rót vốn vào VN, chiếm 22,4% xuất xứ, đứng trước cả Mỹ, Anh, Đức, Hàn Quốc và Singapore (nguồn: FDI Markets 2017-Dự thảo).

Cũng theo tính toán từ cơ sở dữ liệu FDI Markets đến cuối 2017, bức tranh xuất xứ FDI xác thực Việt Nam đang thu hút hiệu quả vốn đầu tư từ Nhật và Hàn Quốc. Đây là cơ sở cho định hướng chiến lược thu hút FDI thế hệ mới, với kế hoạch xúc tiến đầu tư có chủ động, thu hút các nhà đầu tư tiềm năng vào các lĩnh vực ưu tiên được xác định sẽ là trọng tâm. Tìm kiếm các nhà đầu tư mới, dĩ nhiên Việt Nam vẫn sẽ phải nỗ lực để thu hút, giữ chân và gắn kết với những nhà đầu tư chiến lược.

Về phía nhà đầu tư, cam kết tiếp tục đầu tư dài hạn và chú trọng các ngành, cụm chiến lược, lĩnh vực ưu tiên có ý nghĩa dài hạn và phát triển bền vững với kinh tế Việt Nam, ông Maeda Shigeki, Phó Chủ tịch Tổ chức thúc đẩy Ngoại thương VN (JETRO VN) trong một cuộc trao đổi gần nhất chia sẻ, Chính phủ Nhật Bản đã, đang tiếp tục thúc đẩy chính sách Abenomics, đầu tư ra các thị trường quốc tế trong đó có trọng điểm Việt Nam; song song hướng đến xây dựng một quốc gia có môi trường đầu tư thuận lợi nhất thế giới.

Và cam kết dài hạn

Khảo sát của JETRO cũng cho biết có tới 70% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đang có phương châm “Mở rộng hoạt động”- một tỷ lệ cao so với các quốc gia khác. Các doanh nghiệp Nhật Bản cũng mong sẽ tiếp tục nhận được các hỗ trợ từ Chính phủ VN trong đó có những nỗ lực để cải thiện các rào cản, rủi ro mà doanh nghiệp FDI nói chung đang phải đối mặt như chi phí nhân công tăng, hệ thống pháp luật còn chưa hoàn thiện, vận dụng chưa rõ ràng, cơ chế thuế và thủ tục thuế hay thủ tục hành chính phức tạp,...

Cùng với các nhà đầu tư trực tiếp, dòng vốn đầu tư vào khu vực tài chính ngân hàng trong vị thế hợp tác chiến lược để cung cấp các dịch vụ tài chính "chuẩn Nhật" cũng được xem là một phần không thể thiếu của Abenomics với trục hướng Việt Nam.

Ông Masashi Mochizuki – Giám đốc cấp cao phụ trách KH Nhật Bản (Ngân hàng Eximbank - EIB, cổ đông đại diện Sumitomo Mitsui Banking Corporation - SMBC), cho biết thông qua hoạt động tài trợ, đầu tư, cho vay trước hết với chính các DN Nhật Bản đang đầu tư FDI trên thị trường, ông nhận thấy Việt Nam vẫn là thị trường “ưu tiên 1” của rất nhiều DN Nhật.

Bắt đầu từ những ngày đầu trong hợp tác chiến lược vào năm 2008, EIB và SMB đã khởi động việc hợp tác kinh doanh dành cho các nhà đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam. Phần lớn các khoản đầu tư từ Nhật Bản trong thời gian trước là các doanh nghiệp thành lập với 100% vốn đầu tư nước ngoài, vì vậy Eximbank tập trung vào việc hỗ trợ các doanh nghiệp này trong các sản phẩm quản lý dòng tiền nội địa - lĩnh vực kinh doanh mà ngân hàng nội địa có nhiều lợi thế hơn ngân hàng nước ngoài. Song song đó, chúng tôi cũng đã chuyển giao nhiều kỹ thuật và bí quyết của SMBC trong việc cải thiện chất lượng dịch vụ.”, ông Masashi Mochizuki nói.

Cũng theo đại diện SMBC tại Việt Nam, các hoạt động đầu tư từ Nhật đang được mở rộng sang các lĩnh vự kinh doanh khác và các phương thức đầu tư cũng được đa dạng hóa, cụ thể là các trường hợp đầu tư chứng khoán, tài trợ vốn và liên doanh đang gia tăng. Hiện Eximbank đã bắt đầu một cơ cấu dịch vụ mới hỗ trợ các nhà đầu tư Nhật Bản trong quá trình quản lý đầu tư chứng khoán hay tài trợ vốn cho các công ty Việt Nam. Ông Masashi Mochizuki cho biết: "Những hình thức đầu tư này vẫn còn tương đối mới tại thị trường Việt Nam, quá trình giao dịch cũng như các thủ tục hành chính vẫn chưa được triển khai tốt khiến các nhà đầu tư Nhật bối rối và do dự khi đầu tư”.

Một chuyên giá Kinh tế đánh giá: Trong chiến lược Abenomics của Nhật và thời kỳ đầu làn sóng đầu tư thứ 3 vào Việt Nam, người Nhật đã kịp “xếp chỗ” những dự án công nghiệp, chế tạo, sản xuất lớn. Và đây là thời kỳ mà các dịch vụ tài chính, doanh nghiệp hỗ trợ, vừa và nhỏ của Nhật sẽ theo sau, làm “vệ tinh” hỗ trợ cho mạng lưới sản xuất Nhật Bản. Theo đó, vị chuyên gia này cho rằng FDI Nhật Bản không hề “lùi lại”, mà thực tế đã chuyển hóa sang một thời kỳ mới, cắm rễ sâu và bền hơn ở thị trường.

Lê Mỹ

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/khong-o-trong-top-3-fdi-quy-i-doanh-nghiep-nhat-van-dau-tu-manh-va-dai-han-o-viet-nam-127738.html