'Doanh nghiệp nhỏ và vừa cần tập trung nâng cao đổi mới và hấp thụ công nghệ'

Đó là qua điểm của Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh VBS 2019, trong phiên thảo luận về Đổi mới Khoa học - Công nghệ và cơ hội đối với Việt Nam.

Sáng nay (16/10), trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam 2019 (VBS 2019) diễn ra tại Hà Nội, các chuyên gia đã có phiên thảo luận về đổi mới khoa học - công nghệ (KHCN) và cơ hội đối với Việt Nam.

Theo đó, Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh VBS 2019 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Liên đoàn Kinh tế Nhật Bản (Keidanren) sẽ tập trung thảo luận về những đổi mới khoa học công nghệ, sự chuyển dịch nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số và những cơ hội cho Việt Nam.

Ông Bùi Thế Duy – Thứ trưởng Bộ KH&CN

Ông Bùi Thế Duy – Thứ trưởng Bộ KH&CN

Theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, chìa khóa để Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình chính là đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo. Khi doanh nghiệp áp dụng công nghệ mới sẽ giúp cải thiện năng suất lao động, tăng thu nhập cho người lao động.

Xét trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam trong thời gian qua đã liên tục cải thiện thứ bậc trên bảng xếp hạng thế giới về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII).

Trong năm 2019, chỉ số GII cho thấy Việt Nam đứng thứ đứng 42 trên 129 nước, đứng thứ ba trong khu vực Đông Nam Á. Năng lực ĐMST đứng đầu trong các quốc gia có cùng mức thu nhập, đây là một tín hiệu đáng mừng” – Thứ trưởng cho hay.

Thứ trưởng khẳng định, đây là thời điểm Việt Nam cần có sự chuyển đổi về chiến lược để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Và để làm được điều đó, với cơ cấu doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đến trên 90% doanh nghiệp là doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), theo Thứ trưởng với kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới cho thấy, để nâng cao năng suất lao động, các doanh nghiệp SME cần tập trung nâng cao năng lực công nghệ bằng cách hấp thụ công nghệ và phát triển công nghệ riêng.

“Doanh nghiệp SME cần tập trung đổi mới, hấp thụ công nghệ trong đó đặc biệt các doanh nghiệp cần chú trọng vào đổi mới quy trình quản lý. Bởi với công nghệ mới cập nhật mà không đổi mới hệ thống quản lý, doanh nghiệp sẽ không thể tận dụng hiệu quả công nghệ mới để tạo ra sản phẩm mới , không nâng cao năng suất lao động doanh nghiệp” - Thử trưởng Bộ KH&CN lưu ý đến cộng động doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, theo nghiên cứu có 3 mức độ năng lực đổi mới, hấp thụ, phát triển cho doanh nghiệp đó là: đổi mới công nghệ, hấp thụ công nghệ, phát triển công nghệ.

Hiện phần lớn doanh nghiệp Việt Nam thuần túy vẫn ở mức đổi mới công nghệ, tức là doanh nghiệp mới chỉ dừng ở mức mua toàn bộ dây chuyền máy móc thiết bị mới. Và như thế, khi một công nghệ mới xuất hiện, doanh nghiệp sẽ lại phải mua toàn bộ dây chuyền khác thay thế.

Nếu không có năng lực hấp thụ công nghệ mới, cải tiến dây chuyền sẵn có thì không thể có mức độ tiếp theo là phát triển công nghệ. Vì vậy, đối với doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới cần tập trung vào hai bước đầu tiên đó là đổi mới và hấp thụ công nghệ. Đối với những doanh nghiệp còn đang ở mức độ 2.0 hay 3.0 cần làm thế nào tạo cho họ động lực đổi mới công nghệ” – Thứ trưởng cho biết.

Cùng với đó, để thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất, đáp ứng yêu cầu của cuộc CMCN lần thứ 4, Thứ trưởng Bùi Thế Duy đề xuất cần xây dựng một nền tảng kết nối thống nhất hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia để kết nối các tổ chức nghiên cứu trên khắp Việt Nam; Xác định và ưu tiên các ngành công nghiệp chuyên sâu của Việt Nam và sử dụng các công nghệ kĩ thuật số vào xây dựng các mô hình kinh doanh mới, các trung tâm nghiên cứu chuyên sâu và các nền tảng thử nghiệm công nghệ và thị trường; Cung cấp hỗ trợ để xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trên khắp Việt Nam; Phát triển các trung tâm công nghệ và khu công nghệ cao

Nguyễn Long - Ảnh: Quốc Tuấn

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/doanh-nghiep-nho-va-vua-can-tap-trung-nang-cao-doi-moi-va-hap-thu-cong-nghe-159601.html