Doanh nghiệp nỗ lực duy trì sản xuất kinh doanh

Dịch bệnh COVID-19 đã tác động mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều DN. Trong bối cảnh này, nhiều DN đã chọn giải pháp hỗ trợ tối đa điều kiện làm việc cho người lao động, áp dụng nhiều biện pháp phòng chống dịch COVID-19, đoàn kết vượt qua khó khăn.

Sản xuất dây cáp vải tại Công ty CP Liên hiệp Mê Kông.

Sản xuất dây cáp vải tại Công ty CP Liên hiệp Mê Kông.

NỖ LỰC MỖI NGÀY

Những ngày này, tại xưởng sản xuất của Công ty CP Liên hiệp Mê Kông (KCN Đông Xuyên, TP. Vũng Tàu), các công nhân đang khẩn trương làm việc, kịp hoàn thành đơn hàng là 10 dây cáp vải loại sức kéo 10 tấn và 20 tấn để giao cho khách hàng. Ông Đào Hoài Bắc, Giám đốc công ty cho biết, từ trước khi dịch bùng phát, công ty đã có một lượng đơn đặt hàng gia công, kiểm định thiết bị dầu khí, sản xuất cáp vải. Ngay từ khi dịch COVID-19 bắt đầu xuất hiện, nhận định nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu sẽ xảy ra, công ty đã chủ động dự trữ nguyên liệu. Hiện nay, số nguyên liệu trong kho đủ đáp ứng sản xuất, duy trì việc làm cho công nhân đến đầu tháng 5. “Dù không dồi dào hàng hóa như cùng kỳ những năm trước nhưng trong giai đoạn này, công ty vẫn tạo được việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động với mức bình quân 9 triệu đồng/người/tháng”, ông Bắc nói.

Ghi nhận từ các DN cho thấy, họ đang nỗ lực để duy trì sản xuất, vượt qua khó khăn chờ ngày dịch bệnh được kiểm soát. Trước đây, mỗi ngày Công ty TNHH Phương Khoa (40, Nguyễn An Ninh, TP. Vũng Tàu) sản xuất khoảng 200kg sản phẩm xúc xích, thịt xông khói, hoành thánh… thì nay chỉ còn khoảng 60-70kg/ngày do khách hàng là các khách sạn, nhà hàng đóng cửa nghỉ bán. Ông Nguyễn Thanh Phương, Giám đốc Công ty TNHH Phương Khoa cho biết: “Thay vì bán cho nhà hàng, quán ăn như trước đây thì nay chúng tôi quan tâm nhiều hơn nhóm khách hàng là gia đình, những điểm nấu ăn nhỏ lẻ phục vụ cho người lao động trong KCN”.

Trong khi đó, ông Bùi Văn Biên, Phó Giám đốc Công ty TNHH Honda Nghĩa thông tin, để duy trì hoạt động DN vẫn nhận các dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa qua online hoặc điện thoại. Sau khi nhận thông tin, công ty sẽ cho nhân viên đến tận nhà khách hàng nhận xe, đưa về cửa hàng để sửa chữa.

CHIA SẺ KHÓ KHĂN

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, bên cạnh khó khăn, vẫn còn những cơ hội dành riêng cho các DN. Đây là dịp các DN phải thể hiện tinh thần đoàn kết nhiều hơn, nhận diện và nắm bắt được những phương thức làm ăn mới, hoặc cải tiến các mô hình truyền thống dựa trên nguồn nhân lực, vật lực sẵn có. Những phương thức kinh doanh, phương pháp làm việc hiện hữu buộc phải thay đổi để thích ứng. Ông Lương Chí Vĩ, Giám đốc Công ty TNHH Lương Gia (điều hành chuỗi nhà hàng Maxim’s và Hữu Nghị) cho biết: “Hiện công ty không còn khách hàng nhưng chúng tôi xác định không để cho tất cả hoạt động bị đình trệ. Chúng tôi đã tập trung tổ chức đào tạo nhân viên, xây dựng các chiến lược mới. Những kế hoạch tạo sản phẩm, dịch vụ mới nhằm bảo đảm chất lượng dịch vụ để có thể đón khách ngay sau khi dịch kết thúc”.

Để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19, ngày 7/4, UBND tỉnh đã có Văn bản số 3354/UBND-VP yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, đánh giá toàn diện tác động của dịch COVID-19 đến tình hình sản xuất kinh doanh của DN. Từ đó, đề xuất các giải pháp hỗ trợ DN giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, duy trì hoạt động; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, trọng tâm là công tác triển khai, thi công, tăng nhanh khối lượng thực hiện để đủ điều kiện giải ngân các nguồn vốn nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, góp phần gỡ khó cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.

Các tổ chức, hiệp hội cũng không đứng ngoài cuộc. Ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Cộng đồng DN BNI miền Đông Nam bộ cho biết, hiện BR-VT có 33 DN hội viên BNI. Trong giai đoạn này, BNI vẫn duy trì đào tạo online như: Quản trị nhân sự, lãnh đạo thích ứng, động viên và giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn. Theo đó, các nhóm DN ít bị ảnh hưởng sẽ hỗ trợ và trao đi nhiều cơ hội kinh doanh hơn cho các nhóm DN khó khăn hơn. Ngoài ra, các DN BNI cũng tập trung 3 chiến lược: Sáng tạo để tiết giảm chi phí; tập trung đầu tư cho sản phẩm thế mạnh của DN và ứng dụng, đổi mới công nghệ thay vì đầu tư dàn trải như trước.

Trong khi đó, theo ông Lê Đình Thắng, Chủ tịch Hội DN trẻ tỉnh BR-VT cho biết, Hội DN trẻ thường xuyên thống kê, báo cáo mức độ thiết hại và đề xuất các giải pháp hỗ trợ cho DN trong thời kỳ này. “Hơn 300 DN hội viên ưu tiên sử dụng sản phẩm dịch vụ của nhau để chia sẻ khó khăn với các nhóm ngành bị ảnh hưởng nặng. Song song đó chúng tôi cũng kêu gọi các DN hội viên ít bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 ủng hộ kinh phí cho Quỹ phòng chống dịch COVID-19 của tỉnh với số tiền hỗ trợ hơn 100 triệu đồng; phát 1.000 phần quà cho người nghèo, lang thang, cơ nhỡ; phát hàng ngàn khẩu trang cho các bệnh viện”, ông Thắng thông tin thêm.

Bài, ảnh: VŨ VÂN LƯƠNG

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/kinh-te/202004/doanh-nghiep-no-luc-duy-tri-san-xuat-kinh-doanh-896594/