Doanh nghiệp ở Bình Dương muốn được gỡ khó để đầu tư

Vướng về thủ tục pháp lý trong đầu tư, vướng về quỹ đất cũng như sự linh hoạt trong cấp giấy phép lao động…. Đó là ý kiến của rất nhiều doanh nghiệp đầu tư ở Bình Dương đang gặp phải. Doanh nghiệp cần cơ quan quản lý địa phương đưa ra những giải pháp tối ưu.

Doanh nghiệp trăn trở

Là “tỉnh công nghiệp” có hơn 63.600 doanh nghiệp, trong đó gần 4.100 doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nên Bình Dương thu hút lượng lớn lao động người nước ngoài. Tuy nhiên, thời gian qua, tắc nghẽn ở khâu cấp mới, cấp lại giấy phép lao động cho lao động nước ngoài khiến không ít doanh nghiệp gặp khó khăn, sản xuất bị ảnh hưởng. Với người lao động nước ngoài, giấy phép lao động quá hạn sẽ khó gia hạn visa, người lao động bị xử phạt, từ đó để lại dấu ấn không tốt trong hồ sơ xuất, nhập cảnh. Do đó, các doanh nghiệp đã liên tục kiến nghị lãnh đạo tỉnh Bình Dương xem xét, hỗ trợ.

“Hiện tại, tôi đang xin giấy chấp thuận được sử dụng người nước ngoài. Tôi đã có giấy hẹn ngày 26/12/2022 có kết quả nhưng đến nay vẫn chưa nhận được thông báo. Tình trạng chậm trễ này diễn ra với rất nhiều công ty, rất mong ban lãnh đạo của tỉnh giải quyết vướng mắc liên quan đến việc cấp phép giấy phép cho người lao động nước ngoài”, bà Nguyễn Ngọc Hiền, cán bộ nhân sự một công ty Hàn Quốc, ở Khu công nghiệp Tân Đông Hiệp B, thành phố Dĩ An nói.

Doanh nghiệp nước ngoài kiến nghị những khó khăn, vướng mắc cần được tỉnh hỗ trợ giải quyết (Ảnh: T.L)

Nếu như trước đây, Bình Dương là lựa chọn hàng đầu để đầu tư, bởi hệ thống giao thông thông thoáng, thuận lợi, thì nay nhiều doanh nghiệp e ngại mở rộng sản xuất vì tình trạng kẹt xe làm ảnh hưởng đến vận chuyển hàng hóa ra các cảng biển, sân bay. Tình trạng mất điện thường xuyên ở các khu công nghiệp cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, khiến doanh nghiệp không còn mặn mà.

“Hiện nay, tình hình ùn tắc giao thông trên đường Mỹ Phước – Tân Vạn ngày càng nghiêm trọng; cúp điện xảy ra ngày càng nhiều. Tỉnh Bình Dương đã và đang nỗ lực giải quyết các vấn đề này. Tuy nhiên, chúng tôi rất mong tỉnh sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc đầu tư xây dựng, cải thiện cơ sở hạ tầng, từ đó, góp phần thúc đẩy các hoạt động kinh tế trên địa bàn tỉnh”, ông Nagato Takahiko, Chi hội trưởng Chi hội doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại Bình Dương chia sẻ.

Nhiều doanh nghiệp tập trung tại Ban quản lí Các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương để xin cấp mới, gia hạn giấy phép lao động nước ngoài (Ảnh: TL).

Theo một số doanh nghiệp, điều trăn trở hiện nay là thủ tục cấp giấy phép đầu tư, bố trí quỹ đất sạch, cung cấp điện cho sản xuất kinh doanh còn nhiều vướng mắc. Các doanh nghiệp kiến nghị, Bình Dương nên thường xuyên tổ chức gặp gỡ, đối thoại để nắm bắt khó khăn của doanh nghiệp, kịp thời có giải pháp tháo gỡ.

Nhanh chóng tháo gỡ các khó khăn

Theo lãnh đạo tỉnh Bình Dương, những khó khăn của doanh nghiệp bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Cụ thể như: việc chậm trễ trong cấp mới, cấp lại giấy phép lao động cho lao động nước ngoài, lý do là hai đơn vị cấp phép là Sở Lao động-Thương binh và Xã hội và Ban quản lý Các khu công nghiệp đang thiếu nhân sự vì mới đây có nhiều lãnh đạo và nhân viên bị Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam vì liên quan đến việc cấp phép cho lao động nước ngoài. Mặt khác, theo Nghị định 152/2020 của Chính phủ vấn đề thẩm định, cấp phép cho người lao động nước ngoài cũng rất chặt chẽ, nhiều doanh nghiệp gửi hồ sơ lên đều phải trả lại vì bổ sung nhiều.

Bình Dương ra mắt app "Bình Dương số" giúp doanh nghiệp nắm các chính sách mới (Ảnh: TL).

Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Bình Dương cho biết, Sở và Ban quản lý các khu công nghiệp đang tăng cường nhân lực tại khâu cấp phép cho lao động nước ngoài: “Các bộ phận làm thủ tục cấp phép hầu như ngày nào cũng sau 18h mới về và có thể làm thứ 7, Chủ nhật, tuy nhiên, do nhu cầu cấp phép đông nhưng nhân sự mới, ít nên có sự chậm trễ. Trong thời gian tới với sự nỗ lực của anh em sẽ phần nào đáp ứng nhu cầu cấp phép lao động cho người nước ngoài trên địa bàn”.

Trong cấp phép, tạo quỹ đất và mời gọi đầu tư, Bình Dương đã xây dựng Khu công nghiệp Bàu Bàng với quy mô hơn 1.000ha. Tỉnh cũng đang xây dựng Khu công nghiệp Khoa học và Công nghệ tại huyện Bàu Bàng để sẵn sàng đón các doanh nghiệp sản xuất công nghệ cao đến đầu tư… cũng như xử lí việc cấp phép đầu tư trong 15 ngày. Bình Dương cũng đang tăng cường xây dựng hệ thống giao thông liên kết vùng bằng việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông với các công trình trọng điểm, như: đường Vành đai 3, Vành đai 4, Quốc lộ 56B, ĐT.745B nối Tây Ninh - Bình Dương - Bình Phước, đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, đường Mỹ Phước - Tân Vạn, Quốc lộ 13...

Bình Dương ra mắt thêm 3 phiên bản tiếng Hàn, Hoa, Nhật trên Cổng thông tin điện tử tỉnh (Ảnh: TL).

“Suốt hơn 1 năm qua, chúng tôi đang rất nỗ lực giải quyết ùn tắc giao thông, phân luồng giao thông. Đường Quốc lộ 13 đang đẩy nhanh tiến độ mở rộng thêm 2 làn xe. Giữa tháng 6/2023 sẽ khởi công đường Vành đai 3, phấn đấu triển khai đường cao tốc TP.HCM đi Bình Phước, đường cao tốc Vành đai 4. Các điểm kết nối với TP.HCM thì xử lí các nút giao không đồng mức. Hạ tầng giao thông rất quan trọng nên tỉnh đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ”, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết.

Để thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài hiểu thêm các chính sách của tỉnh, mới đây, Bình Dương đã cho ra mắt app “Bình Dương số”. Thông qua ứng dụng, người dân và doanh nghiệp có thể khai thác và thực hiện thông tin liên quan đến dịch vụ công; phản ánh các vướng mắc; thông tin tuyển dụng... Song song đó, ngoài phiên bản tiếng Việt, Anh trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh cũng đã có thêm 3 phiên bản tiếng Hàn – Hoa – Nhật của để giúp doanh nghiệp nắm bắt các chính sách mới./.

Thiên Lý/VOV-TPHCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/doanh-nghiep-o-binh-duong-muon-duoc-go-kho-de-dau-tu-post1000086.vov