Doanh nghiệp ô tô có nguy cơ 'chết đứng' vì công văn của Bộ GTVT

Nhiều doanh nghiệp (DN) ô tô Việt Nam đang đứng trước nguy cơ 'chết đứng' vì nội dung không rõ ràng khó hiểu. Công văn số 3273/BGTVT-MT của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô được sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới.

Xe tải sát xi đứng trước nguy cơ thành "đống sắt vụn".

Công văn số 436/TTg-CN của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải theo quy định tại Quyết định số 49/2011/QĐ-TTg nêu rõ: Các DN nhập khẩu, sản xuất lắp ráp ô tô sử dụng nhiên liệu diesel (Euro 2) được thực hiện đến hết ngày 31/12/2017. Ô tô đã được Bộ GTVT chứng nhận thỏa mãn các quy định về khí thải thì được thực hiện các thủ tục có liên quan. Nhiều DN ô tô hết sức vui mừng vì ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng đã cứu hàng loạt lô hàng xe tải Euro 2 đang đắp chiếu chờ thông quan ở các cửa khẩu. Lượng hàng “chôn vốn” hàng triệu USD của DN sẽ được “giải ngân” ngay trong năm 2017.

Không biết hiểu sao cho đúng

Quyết định của Thủ tướng được các DN ô tô Việt Nam hiểu rằng: Các xe ô tô sử dụng động cơ Euro 2 được sản xuất lắp ráp trong nước, hoặc nhập khẩu mới trước thời hạn 31/12/2017 là hợp lệ. Lượng hàng này có thể được bán ra thị trường trong nhiều năm tiếp theo đó, nhưng không được sản xuất, lắp ráp hoặc nhập khẩu mới thêm sau ngày 31/12/2017. Mặc dù vậy, công văn triển khai thực hiện sau đó của Bộ GTVT lại khiến các DN ô tô rơi vào thế khó, vì không biết phải làm sao cho đúng.

Cụ thể, trong Công văn số 3273/BGTVT-MT của Bộ GTVT về việc triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, gửi đến Cục Đăng kiểm Việt Nam và các DN nhập khẩu, sản xuất lắp ráp ô tô. Bộ này yêu cầu khẩn trương rà soát, hoàn thiện kế hoạch nhập khẩu, sản xuất ô tô sử dụng nhiên liệu diesel; bảo đảm việc hoàn thành các thủ tục hải quan, đăng kiểm và đưa ra thị trường, trước ngày 31/12/2017. Đến nay, các DN đều “chết đứng” vì không tài nào hiểu nổi yêu cầu “bảo đảm việc hoàn thành các thủ tục hải quan, đăng kiểm và đưa ra thị trường, trước ngày 31/12/2017” của Bộ GTVT là như thế nào?

Theo các DN, yêu cầu nói trên của Bộ GTVT được hiểu theo 2 nghĩa: Thứ nhất, tất cả các loại xe ô tô sử dụng động cơ Euro 2, buộc phải đăng kiểm và giới thiệu ra thị trường từ bây giờ đến cuối năm và có thể bán trong các năm tiếp theo cho đến khi hết hàng; thứ hai, DN phải hoàn thành thủ tục đăng kiểm và bán hết các loại xe ô tô sử dụng động cơ Euro 2 ngay trong năm 2017, nếu không, sẽ phải tái xuất các mặt hàng này. Rõ ràng, nếu theo trường hợp thứ nhất thì chẳng có chuyện gì xảy ra, còn rơi vào trường hợp thứ 2 thì coi như DN “chết đứng”. Theo nguồn tin của PV Báo Người Tiêu Dùng, trước những thắc mắc của DN về các câu từ khó hiểu nêu trên, lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng đang phải chào thua, vì không biết giải thích thế nào(?)

Giám đốc một DN chuyên nhập khẩu ô tô bức xúc nói: “Hầu hết các DN đều đang lấn cấn, không biết đưa ra thị trường trước ngày 31/12/2017 là như thế nào? Hỏi thì lãnh đạo cũng không biết, DN phải làm sao? Đó là một đoạn quá mơ hồ, đẩy chúng tôi vào thế khó. Bây giờ chúng tôi không biết triển khai hoạt động kinh doanh như thế nào cho đúng, mà không triển khai thì nằm đó chờ chết. Cái chết thảm hại nhất thuộc về những chiếc xe sát xi (xe tải chưa đóng thùng - PV)”.

Các DN "khóc ròng" vì công văn có phần mơ hồ của Bộ GTVT.

… và số phận những chiếc xe sát xi

Ông T.T, giám đốc DN chuyên nhập khẩu xe sát xi, nói: “Xe của tôi nhập từ cuối năm 2016 và đã hoàn thành thủ tục đăng kiểm nhưng chưa bán ra thị trường. Số lượng xe này là rất lớn (đều thuộc loại xe sát xi), trong khi từ bây giờ đến cuối năm chỉ còn chưa đầy 6 tháng nữa, thì làm sao chúng tôi có thể bán hết số hàng này. Thị trường ô tô tải thì đang gặp quá nhiều khó khăn, thậm chí đã đóng băng khoảng 2 tháng trở lại đây, nên buộc phải bán hết trong năm 2017 là hoàn toàn bất khả thi. Như vậy là quá chèn ép DN!”.

Công văn số 3273/BGTVT-MT cũng yêu cầu các DN phải có văn bản cam kết thực hiện tái xuất hoặc xuất khẩu ô tô sử dụng nhiên liệu diesel không hoàn thành các thủ tục hải quan, đăng kiểm và đưa ra thị trường trước ngày 31/12/2017. Trước yêu cầu này, các DN đang hết sức lo lắng, liệu số phận những chiếc xe sát xi sẽ đi về đâu nếu trong trường hợp không bán hết trong năm 2017. Tái xuất thì tái xuất cho ai, tái xuất như thế nào?

Hiện nay, các quốc gia trên thế giới gần như đã không còn sử dụng xe ô tô tiêu chuẩn khí thải Euro 2 (nhiên liệu diesel), mà chuyển hẳn lên sử dụng các loại xe có tiêu chuẩn khí thải cao hơn, hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường. Chỉ riêng Việt Nam, vẫn cố gắng hỗ trợ các DN vốn duy trì xe Euro 2 đến hết tháng 12/2017. Vậy, trong trường hợp buộc các DN phải tái xuất, xuất khẩu các loại xe này thì điểm đến của chúng là ở đâu?

Trước mắt, nếu rơi vào trường hợp trên, chắc chắn những chiếc xe sát xi chỉ còn là… “đống sắt vụn”, giá trị “0” đồng, vì không có nguồn nhận để thực hiện việc tái xuất, xuất khẩu. Những lô hàng giá trị hàng triệu USD tưởng chừng đã được giải cứu hồi đầu năm, sẽ lại “đắp chiếu” chờ chết...

Cần “thần dược” cho cơn “hấp hối” của xe sát xi

Vẫn chưa có giải thích rõ ràng, cụ thể về các câu từ được cho là khó hiểu, lấn cấn trong công văn số 3273/BGTVT-MT của Bộ GTVT. Vì thế, các DN đang “nín thở” chờ kết quả cuối cùng, đặc biệt là các DN sở hữu nhiều xe sát xi. Bộ GTVT, cũng như Cục Đăng kiểm Việt Nam cần sớm có lời đáp cho những câu hỏi từ DN và cơn “hấp hối” của xe sát xi cũng cần một loại “thần dược” để trở lại thị trường.

Thắc mắc của DN

Ông N.T, chủ DN nhập khẩu ô tô sát xi hỏi: “Tôi đã nhập khẩu ô tô tải sát xi sử dụng nhiên liệu diesel về đúng hạn như quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nhưng xe đến thời điểm hiện tại vẫn chưa cho đóng thùng và bán ra thị trường, vì mẫu xe này được thiết kế cho năm 2018. Như vậy, tôi có xin được đóng thùng và bán ra thị trường sau thời điểm tháng 12/2017 được hay không? Tại sao?”.

Võ Nguyễn

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/doanh-nghiep-o-to-co-nguy-co-chet-dung-vi-cong-van-cua-bo-gtvt-d59577.html