Doanh nghiệp phải bán tài sản vì nghẽn dòng tiền

Dòng tiền là câu chuyện căng thẳng với nhiều doanh nghiệp. Đáng chú ý, một số doanh nghiệp lớn hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực phải bán tài sản với giá trị thấp, bị mua lại hoặc sáp nhập để giảm bớt khó khăn về dòng tiền, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Phó giám đốc thường trực Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) cho biết, “tiền” là câu chuyện căng thẳng nhất hiện nay, riêng Ban IV nhận được rất nhiều kiến nghị của doanh nghiệp (DN) liên quan tới ưu đãi thuế, hoàn thuế, giảm lãi suất…

Đã có DN lớn phải bán mình

Vấn đề này đã được Chính phủ báo cáo Quốc hội để đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Cụ thể, Chính phủ đánh giá, tăng trưởng kinh tế quý I ước đạt 3,32% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn kịch bản tại Nghị quyết 01/NQ-CP.

Xuất hiện tình trạng một số DN lớn hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực phải bán tài sản với giá trị thấp (Ảnh: Minh họa).

Xuất hiện tình trạng một số DN lớn hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực phải bán tài sản với giá trị thấp (Ảnh: Minh họa).

Đơn hàng giảm, tồn kho có xu hướng tăng tại nhiều DN trong các ngành sản xuất, xuất khẩu chủ lực như chế biến thủy sản, da giày, sắt thép, xi măng, vật liệu xây dựng… DN thiếu vốn, trong khi đối mặt với chi phí lãi vay cao, việc tiếp cận vốn vay từ hệ thống các tổ chức tín dụng, thị trường vốn khó khăn. Điều này đã và đang làm gia tăng thêm áp lực đối với DN để duy trì hoạt động, sản xuất.

Số DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động 4 tháng đầu năm 2023 giảm 2% so với cùng kỳ (gần 78,9 nghìn DN), trong khi DN rút lui khỏi thị trường tăng 25,1% (77 nghìn DN); tình hình này có thể tiếp tục diễn biến phức tạp, khó khăn hơn trong thời gian tới.

Đặc biệt, Chính phủ cho biết, tăng trưởng tín dụng đến ngày 04/5/2023 chỉ tăng 2,87%, cho thấy tình hình sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, khả năng hấp thụ vốn của DN, nền kinh tế tiếp tục khó khăn. Mặt bằng lãi suất cho vay có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao; lãi suất cho vay bình quân VND phát sinh mới của các ngân hàng thương mại ở mức khoảng 9,3%/năm.

“Áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu DN, đặc biệt là đối với DN bất động sản trong những tháng đầu năm, cả năm 2023 và năm 2024 là rất lớn, xuất hiện tình trạng một số DN lớn hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực phải bán tài sản với giá trị thấp, bị mua lại hoặc sáp nhập để giảm bớt khó khăn về dòng tiền, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh”, Chính phủ đặt ra lo ngại.

Báo cáo của Chính phủ cho biết năm 2023, tổng khối lượng trái phiếu DN đáo hạn khoảng 284 nghìn tỷ đồng (DN bất động sản chiếm khoảng 40%), năm 2024 khoảng 363 nghìn tỷ đồng (DN bất động sản chiếm khoảng 30%).

Nguyên nhân được Chính phủ chỉ ra là thị trường thị trường vốn chưa được khơi thông và lãi suất cho vay cao. Các DN còn khó khăn trong việc tiếp cận vốn, lãi suất ngân hàng và chi phí đầu vào vẫn ở mức cao.

Khơi thông các thị trường vốn

Liên quan tới khó khăn này, ông Dương Quốc Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP nhôm Austdoor, phản ánh mức lãi suất trung bình hiện nay duy trì khoảng 10% cho vốn vay ngắn hạn, 12-15% với vốn vay dài hạn. Đây là khó khăn rất lớn với DN sản xuất Việt Nam, khi chịu chi phí vốn cao hơn thế giới.

“Các dự án đầu tư trong ngành nhôm cần nguồn vốn lớn, thời gian triển khai mất 1-2 năm, do vậy việc chịu mức lãi suất trên khiến DN gặp rất khó khăn. Chính vì thế, DN mong muốn, Chính phủ có chính sách hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi cho DN. Điều này sẽ giúp sản phẩm trong nước có cơ hội để cạnh tranh với hàng nước ngoài”, ông Tuấn chia sẻ.

Theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, ở thời điểm khó khăn, chính sách tác động nhanh nhất, trực diện nhất là tài chính, thuế khóa. Vì vậy, DN cần được hỗ trợ mạnh hơn nữa bởi họ đang ở tình thế rất căng thẳng. “Lúc DN khó khăn, thì chính sách tài khóa, tiền tệ cần hỗ trợ mạnh hơn, chứ lúc nền kinh tế “no đủ” rồi thì cần gì hỗ trợ. Hỗ trợ DN là nuôi dưỡng “nguồn thu, là tương lai của đất nước”, ông Thiên đánh giá.

Vị chuyên gia nhận định, DN Việt Nam đang phải trả lãi suất quá cao, thấp khoảng 10%, cao 15-16%, chưa kể các chi phí khác. Lãi suất cao làm tăng giá vốn 20-30%. “Nếu lãi suất thấp thì DN Việt Nam mới có thể bứt phá. Đồng thời, cần phải khơi thông các thị trường trái phiếu, bất động sản…”, ông đánh giá phải có nhiều giải pháp giúp nền kinh tế phục hồi, DN đứng dậy được.

Về các giải pháp, Chính phủ cho biết, cần tiếp tục điều hành chính sách tài khóa trọng tâm, hỗ trợ DN, người dân để giảm áp lực chi phí đầu vào, thúc đẩy sản xuất, thu hút đầu tư, giải ngân đầu tư, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Cùng với đó, các ngân hàng cần tiết giảm chi phí để hạ lãi suất, ổn định mặt bằng lãi vay và tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của DN, người dân. Chính phủ sẽ ban hành chính sách tài khóa, nhất là về thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, nền kinh tế, người lao động, bảo đảm an sinh xã hội.

“Ổn định và phát triển các loại thị trường lành mạnh, hiệu quả, bền vững, tháo gỡ khó khăn cho các thị trường tài chính, tiền tệ, trái phiếu DN”, Chính phủ cho biết.

Lê Thúy

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/doanh-nghiep-phai-ban-tai-san-vi-nghen-dong-tien-1092696.html