Doanh nghiệp phải tạo áp lực để Chính phủ thay đổi chính sách

'Doanh nghiệp không phải đi xin cơ chế chính sách mà phải là động lực để Chính phủ thay đổi cơ chế chính sách' là nhận định của TS. Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam tại Hội nghị đầu tư 2017 với chủ đề 'Đột phá tư duy kinh doanh' vừa diễn ra sáng 21/11.

TS. Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phát biểu tại Hội nghị đầu tư 2017 với chủ đề "Đột phá tư duy kinh doanh" sáng 21/11.

Theo phân tích của ông Thiên, cách tiếp cận về tăng trưởng của Việt Nam hiện nay dường như đang bị "lệch", nói nhiều đến chất lượng nhưng vẫn nghiêng về số lượng. Cụ thể, thống kê số liệu GDP các quý nhiều năm qua, tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam đều theo chu kỳ "đầu năm thấp, cuối năm cao và cơ bản hoàn thành kế hoạch". Nhưng, nếu xét về xu hướng tăng trưởng dài hạn, cứ 10 năm tốc độ tăng trưởng bình quân lại giảm gần 1%.

Tuy nhiên, năm 2017 có những dấu hiệu cho thấy sự thay đổi mang tính đột phá. Trước tiên, đó là sự dịch chuyển trong cấu trúc ngành nghề, mặc dù sự dịch chuyển này chưa lớn, từ các ngành khai thác tài nguyên sang các ngành chế biến chế tạo.

Một dấu hiệu quan trọng hơn, đó là sự gia tăng của khu vực kinh tế tư nhân. Cụ thể, trong năm 2016 có khoảng 110.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, trong 10 tháng năm 2017 số lượng doanh nghiệp mới thành lập đã lên đến con số 100.000, điều này cho thấy đã có sự tăng tiến về mặt số lượng doanh nghiệp. Đặc biệt, vốn đầu tư cho từng doanh nghiệp đã tăng lên đáng kể chứ không còn xu hướng "li ti hóa" như trước. Điều này cho thấy niềm tin của doanh nghiệp đã bắt đầu quay trở lại.

Để tạo ra động lực tăng trưởng, theo ông Trần Đình Thiên, trong 3 năm tới không nên chạy theo GDP từng năm một, cần bổ sung thêm nhiều chỉ tiêu trong đó GDP chỉ là chỉ tiêu định hướng. Vấn đề của kinh tế Việt Nam hiện nay là phải đột phá và đổi mới. Tuy nhiên, đổi mới mà theo logic thay cũ là không được, quan trọng là phải tạo ra cái mới thích ứng với thời đại. Thời đại biến đổi nhanh. Điều kiện, xu hướng, tình thế và công cụ phát triển mới, đòi hỏi những động lực thuộc mới (kết nối số, tự động hóa, kinh tế chia sẻ, tiền kỹ thuật số toàn cầu, thanh toán trực tuyến, fintech…)

Chính phủ cần tạo động lực mang tính thị trường cho nền kinh tế. Có nghĩa là công khai và minh bạch. Cách tiếp cận mới cần căn cứ vào hội nhập để định hình mục tiêu, chứ không chỉ là căn cứ vấn đề của mình, phải căn cứ vào cả các yêu cầu của cuộ cách mạng 4.0.

Về phía doanh nghiệp, cần phải tạo áp lực để Chính phủ thay đổi chính sách. Đặc biệt, khi đối mặt với cuộc cách mạng 4.0, các doanh nghiệp cần có tư duy quản trị mới, nghiên cứu dự báo sự thay đổi cấu trúc hệ thống và tác động.

Hà An

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/doanh-nghiep-phai-tao-ap-luc-de-chinh-phu-thay-doi-chinh-sach-120545.html