Doanh nghiệp phân bón gặp khó khi xác định silic

Sớm chuẩn hóa phương pháp xác định hàm lượng silic trong phân bón là rất cấp thiết để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như lợi ích của doanh nghiệp ngay chính tại 'sân nhà'!

Với những bất cập của các phương pháp xác định yếu tố silic trong thành phần phân bón hiện nay, nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón đang gặp khó khăn khi lưu hành sản phẩm trên thị trường.

Vì vậy, việc sớm chuẩn hóa phương pháp xác định hàm lượng silic trong phân bón là rất cấp thiết để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như lợi ích của doanh nghiệp ngay chính tại "sân nhà"!

Phương pháp "làm khó" doanh nghiệp

Tiến sĩ Phùng Hà, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

Tại hội thảo "Vai trò của silic đối với cây trồng, nguyên liệu và phương pháp phân tích silic trong phân bón" do Hiệp hội Phân bón Việt Nam tổ chức ngày 7/5, Tiến sĩ Phùng Hà, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, thời gian vừa qua, Hiệp hội Phân bón Việt Nam đã nhận được nhiều kiến nghị của các hội viên-chủ yếu là các doanh nghiệp sản xuất phân lân nung chảy, supe lân…do vướng mắc về phương pháp phân tích silic trong thành phần phân bón, làm ảnh hưởng đến việc lưu hành sản phẩm phân bón trên thị trường.

Dẫn ý kiến của các chuyên gia, Tiến sĩ Phùng Hà cho biết, hiện Việt Nam chủ yếu có 2 phương pháp khác nhau phân tích nguyên tố silic trong phân bón, trong đó mỗi phương pháp cho kết quả hàm lượng silic khác nhau với cùng một sản phẩm phân bón. Đặc biệt, các phương pháp phân tích silic trong nước đang áp dụng cũng chưa đồng bộ với phương pháp phân tích của thế giới.

Chính "sự không thống nhất về phương pháp phân tích silic trong phân bón" như vậy đã khiến cho nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh phân bón. Thêm vào đó, sự không đồng bộ này cũng gây khó khăn cho việc hợp tác quốc tế về nghiên cứu và thương mại các sản phẩm phân bón silic, trong công bố, kiểm tra chất lượng các sản phẩm phân bón silic, tiến sĩ Phùng Hà chỉ rõ.

Là doanh nghiệp sản xuất phân bón chứa silic, ông Nguyễn Hồng Phong, Tổng Giám đốc CTCP Công Nông nghiệp Tiến Nông cho biết: Hiện Việt Nam phân tích silic trong phân bón gồm: Phương pháp xác định hàm lượng silic dễ tiêu trong phân bón-phương pháp Tiêu chuẩn Việt Nam 11407:2019 của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Việt Nam ban hành và phương pháp Tiêu chuẩn cơ sở 772:2020 của Cục Bảo vệ Thực vật-Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành được áp dụng cho phân silicat kiềm (phân hòa tan trong axit). Theo đó, phương pháp Tiêu chuẩn Việt Nam 11407:2019 hiện không phản ánh đúng bản chất hàm lượng silic trong các loại phân bón như phân lân nung chảy, phân NPK hay supe lân. Trong khi đó, phương pháp Tiêu chuẩn cơ sở 772:2020 lại chưa có trong quy chuẩn quốc gia. Thực tế là Công ty Tiến Nông đưa hàm lượng 25-28% silic vào sản phẩm phân lân nung chảy nhưng theo Tiêu chuẩn Việt Nam 11407:2019 chỉ cho ra kết quả hàm lượng 0,3-0,4% silic.

Vì vậy, khi cơ quan chức năng kiểm tra hàm lượng silic trong phân bón theo Tiêu chuẩn Việt Nam 11407:2019 cho kết quả phân tích thiếu chính xác, khiến doanh nghiệp mất "từ 1-2 tuần đem hồ sơ đi giải trình", ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, ông Phong chỉ rõ.

Ông Nguyễn Hồng Phong, Tổng Giám đốc CTCP Công Nông nghiệp Tiến Nông. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

Đồng quan điểm này, ông Hà Huy San, Trưởng phòng Kỹ thuật, Công ty Cổ phần Phân lân nung chảy Ninh Bình cũng cho biết sản phẩm phân lân nung chảy của công ty được sản xuất từ năm 1985 với thành phần chứa hàm lượng 25-30% silic. Trước khi có Nghị định số 108/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý phân bón, doanh nghiệp tự công bố chất lượng, tiêu chuẩn trên bao bì và tự chịu trách nhiệm về hàm lượng công bố.

Tuy nhiên khi Nghị định số 108/2017/NĐ-CP được ban hành vào ngày 20/9/2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ quy định 3 thành phần trong phân lân nung chảy, không đề cập đến thành phần silic trong phân bón. Kể từ 2017 đến nay, Công ty phân bón Ninh Bình không thể công bố hàm lượng silic trên bao bì mặc dù sản phẩm phân bón chứa hàm lượng cao về silic.

Cũng theo ông Hà Huy San, nếu sử dụng phương pháp phân tích Tiêu chuẩn Việt Nam 11407:2019, hàm lượng silic trong sản phẩm của công ty chỉ xấp xỉ 1%. Trong khi đó, phương pháp phân tích Tiêu chuẩn quốc tế A0AC mà Công ty đang áp dụng cho kết quả là 26-28% silic, tương đương với kết quả của phương pháp Tiêu chuẩn cơ sở 772:2020. Hiện sản phẩm phân lân nung chảy của Ninh Bình đang xuất khẩu sang Australia, New Zealand, Malaysia và được các cơ quan kiểm định quốc tế xác định chứa hàm lượng 26-28% silic. Vì vậy, việc thống nhất phương pháp phân tích silic trong phân bón là rất quan trọng, giúp doanh nghiệp sản xuất phân bón có thể tiêu thụ sản phẩm ngay tại sân nhà cũng như tránh được việc bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh phân bón, ông Hà Huy San nhấn mạnh. Thống nhất phương pháp đồng bộ với các tiêu chuẩn quốc tế Tại Hội thảo, ông Nguyễn Hồng Phong, Tổng Giám đốc CTCP Công Nông nghiệp Tiến Nông kiến nghị cần nhanh chóng đưa phương pháp Tiêu chuẩn cơ sở 772:2020 của Cục Bảo vệ Thực vật vào quy chuẩn quốc gia hoặc đưa vào Tiêu chuẩn Việt Nam 11407 sửa đổi để phù hợp với tình hình thực tế của doanh nghiệp.

Còn ông Hà Huy San, Trưởng phòng Kỹ thuật, Công ty Cổ phần Phân lân nung chảy Ninh Bình đề nghị "xem xét, bổ sung thành phần silic trong phân lân nung chảy, bổ sung phương pháp phân tích silic theo Tiêu chuẩn cơ sở 772:2020 của Cục Bảo vệ Thực vật vào quy chuẩn quốc gia về phân bón vì quyền lợi nhà sản xuất và bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng".

Ông Hà Huy San, Trưởng phòng Kỹ thuật, Công ty Cổ phần Phân lân nung chảy Ninh Bình. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

Tiến sĩ Phùng Hà cho biết, Hiệp hội Phân bón Việt Nam sẽ tổng hợp ý kiến của các nhà khoa học, các doanh nghiệp sản xuất phân bón, từ đó chuyển đến cơ quan quản lý nhà nước là Văn phòng Chính phủ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để có thể thống nhất phương pháp xác định yếu tố silic trong phân bón, gỡ vướng cho doanh nghiệp.

Theo Tiến sỹ Bùi Huy Hiền, Phó Chủ tịch Hội Khoa học đất Việt Nam, ngoài các dinh dưỡng đa lượng, vi lượng, nguyên tố trung lượng như silic trong phân bón rất cần thiết để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, tăng khả năng chịu hạn của cây trồng, tăng cường sức đề kháng cho cây trồng chống lại các loại côn trùng và vi sinh vật gây hại.

Phân tích của Tổ chức nông lương của Liên hiệp quốc (FAO) cũng cho thấy, mỗi 1 ha sản xuất 5 tấn lúa trong 1 vụ cây lúa sẽ hấp thụ 250 kg silic. Trong quá trình trồng lúa, cần thiết phải bổ sung silic vì đây là nguyên tố tham gia hình thành các tế bào trên cây và vỏ của hạt lúa, đồng thời tham gia quá trình vận chuyển dinh dưỡng trong cây và giải phóng phốt pho, kali trong đất giúp tăng khả năng sử dụng phốt pho, kali.

Kết quả khảo nghiệm phân bón chứa nano silic, sản xuất bởi Viện Hóa học công nghiệp Việt Nam do Viện Thổ nhưỡng nông hóa (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) tiến hành đối với cây lúa cho thấy, bón phân silic làm giảm tỷ lệ lúa đổ 16,7-52,2%, giảm tỷ lệ bông bạc 38,7-63,4%; trên đất phù sa năng suất tăng 11,86-12,48% so với nền bón phân chuồng và phân NPK, trên đất bạc màu năng suất tăng 11,86%.

Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/doanh-nghiep-phan-bon-gap-kho-khi-xac-dinh-silic/332329.html