Doanh nghiệp quảng cáo chưa mặn mà xây dựng thương hiệu quốc gia

Đó là ý kiến của bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại hội thảo 'Giải pháp xây dựng thương hiệu quốc gia ngành quảng cáo Việt Nam', diễn ra tại TP.HCM ngày 28/6.

Ngành quảng cáo có sự tăng trưởng vượt bậc nhưng chưa có thương hiệu quốc gia. Ảnh minh họa

Trong Phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có nhiệm vụ xây dựng thương hiệu ngành quảng cáo.

Theo Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương, Chương trình thương hiệu quốc gia là chương trình xúc tiến thương mại dài hạn, duy nhất của Chính phủ Việt Nam tiến hành với mục đích quảng bá hình ảnh quốc gia, thương hiệu quốc gia thông qua thương hiệu sản phẩm và DN.

Hiện nay, các DN có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia thuộc 16 lĩnh vực khác nhau gồm cơ khí máy móc thiết bị, dệt may-da giày, điện –điện tử-công nghệ thông tin viễn thông, gốm sứ thủ công mỹ nghệ... Tuy nhiên, chưa có DN nào hoạt động trong lĩnh vực truyền thông quảng cáo đạt thương hiệu quốc gia.

Lý giải về điều này, bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở cho biết, các DN quảng cáo hiện chưa mặn mà xây dựng thương hiệu quốc gia. Việc xây dựng thương hiệu quốc gia ngành quảng cáo là nhiệm vụ khó khăn, có sự lúng túng vì xây dựng thương hiệu của một ngành phải có sản phẩm cụ thể, có tiêu chí đánh giá, có cơ sở khoa học thực tiễn, đại diện cho quốc gia trên trường quốc tế.

Ông Đỗ Kim Dũng, Viện trưởng Viện Quảng cáo Việt Nam cho rằng, thương hiệu quảng cáo Việt Nam là thương hiệu ngành hàng. Theo đó những yếu tố cần có khi xây dựng thương hiêu ngành hàng là mục tiêu marketing của thương hiệu, tên gọi và sở hữu công nghiệp thương hiệu, định vị thương hiệu, giá trị cốt lõi, sự khác biệt của thương hiệu, xác định đối thủ cạnh tranh trực tiếp, ngân sách truyền thông cho thương hiệu. Trong điều kiện hiện nay có 5 yếu tố quyết định giúp cho việc xây dựng và phát triển thương hiệu ngành công nghiệp quảng cáo Việt Nam. Đó là sức mua thị trường bán lẻ tốt, vai trò quan lý nhà nước (luật và văn bản dưới luật cần nhất quán; quản lý thống nhất, minh bạch trong quản lý nhà nước về quảng cáo; xóa bỏ việc cấp phép, tăng cường hậu kiểm, đẩy mạnh việc quản lý thương hiệu doanh nghiệp kinh doanh về quảng cáo..), môi trường sáng tạo, đào tạo nhân lực chuyên ngành, vai trò của Hiệp hội.

Ngoài ra, theo bà Trần Thị Thanh Mai, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Truyền thông TNS Việt Nam, ngành quảng cáo Việt Nam có sự tăng trưởng vượt bậc từ năm 2013, đặc biệt là quảng cáo trên nền tảng internet được kỳ vọng tăng trưởng nhanh chóng. Tuy nhiên, để xây dựng thương hiệu quốc gia ngành quảng cáo Việt Nam cần quản lý đúng người cần quản, quy định hiện hành rất dàn trải, quá chi tiết như các quy định về biển quảng cáo ngoài trời và tập trung chủ yếu vào việc quản lý các hoạt động quảng cáo thường ngày do các công ty làm dịch vụ quảng cáo hay phát hành quảng cáo thực hiện, mà bỏ qua yếu tố rất quan trọng có tính chất quyết định về mọi hoạt động, cách thức thực hiện là chủ quảng cáo.

Mặt khác, minh bạch hóa chi phí đầu tư vào quảng cáo của chủ quảng cáo. Toàn bộ doanh thu của ngành quảng cáo, từ các công ty đơn vị làm dịch vụ quảng cáo, truyền thông hay các đơn vị phát hành quảng cáo đều xuất phát từ nguồn kinh phí đầu tư vào quảng cáo của các chủ quảng cáo nhắm đến đối tượng tiêu dùng ở Việt Nam.

Việc công khai chi phí đầu tư vào quảng cáo của chỉ quảng cáo ở Việt Nam không chỉ giúp cơ quan quản lý nhà nước nắm được thực trạng, tiềm năng của ngành quảng cáo Việt Nam, mà còn giúp các DN chuyên cung ứng dịch vụ quảng cáo cho chủ quảng cáo cơ hội tiếp cận và chứng minh năng lực của mình với các chủ quảng cáo tiềm năng. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quản lý nhà nước nhằm xây dựng và phát triển môi trường minh bạch giúp ngành quảng cáo Việt Nam phát triển.

Thu Dịu

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/doanh-nghiep-quang-cao-chua-man-ma-xay-dung-thuong-hieu-quoc-gia.aspx