Tích lũy động năng cho tăng trưởng kinh tế

Chủ tịch VCCI một lần nữa khẳng định vai trò trung tâm của cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời nhấn mạnh niềm tin và chất lượng đầu tư sẽ quyết định tăng trưởng kinh tế.

Khẳng định này được ông nói tại Diễn đàn kinh tế 2020: “Tích lũy động năng cho chu kỳ tăng trưởng mới” vừa diễn ra.

Toàn cảnh Diễn đàn kinh tế 2020: “Tích lũy động năng cho chu kỳ tăng trưởng mới” do Báo DĐDN, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức.

Toàn cảnh Diễn đàn kinh tế 2020: “Tích lũy động năng cho chu kỳ tăng trưởng mới” do Báo DĐDN, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức.

TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ: Vừa rồi tôi có tháp tùng Thủ tướng tại cuộc họp cấp cao với Hàn Quốc và tại đây, một thông tin quan trọng là thế giới đang nhìn Việt Nam như một điểm đến đầu tư. Hàn Quốc đã đưa ra chính sách Hướng Nam trong đó trọng tâm chính là Việt Nam. Như vậy, đang có làn sóng đầu tư quan tâm tới Việt Nam và đây là cơ hội rất lớn sẽ trở thành động lực để nền kinh tế Việt Nam phát triển.

Thiên thời, địa lợi?

“Số liệu vừa cập nhật của Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) về triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam, đặt ra mức tăng trưởng GDP năm 2019 có thể đạt 7,02%. "Con số này tăng khá cao và lạc quan so với dự báo 6,82% được chính CIEM đưa ra 3 tháng trước. Bởi trước đó, trong các lần cập nhật triển vọng kinh tế Việt Nam, World Bank (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng đưa ra mức thấp hơn so với năm 2019, tương ứng 6,5-6,7% so với 6,6% và 6,8%. Chúng ta có một hệ số tương đối yên lòng để có thể phát triển trong thời gian tới. Nhưng chúng ta mong muốn có sự phát triển hơn nữa thì cần phải nỗ lực hơn nữa. Chủ nghĩa bảo hộ và sự bế tắc của chủ nghĩa đa phương, sự biến đổi khí hậu và sự già hóa dân số… là những nhân tố tác động cản trợ tới sự tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới. Niềm tin và sự đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp sẽ quyết định sự tăng trưởng của nền kinh tế”- TS Vũ Tiến Lộc nhận định.

Trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế 2020 Vụ báo chí và xuất bản - Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức Trao giải Báo chí viết về Doanh nghiệp – Doanh nhân và Môi trường Kinh doanh lần thứ VII.

Dù Chính phủ đặt ra mục tiêu cao và khá lạc quan và về chu kỳ tăng trưởng mới. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam vẫn chịu tác động rất lớn từ các yếu tố bên ngoài. Chuyên gia Bùi Ngọc Sơn, Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới lưu ý: Việt Nam cần xem xét điều chỉnh tỷ giá, đồng thời không nên nhiệt tình với RCEP. Đặc biệt, cần tăng cường biện pháp ngăn tác động xấu từ FDI và thương mại từ Trung Quốc.

“Nợ trên toàn cầu tăng nhanh và lên mức cao kỷ lục vào giữa năm 2019 ở mức 250 nghìn tỷ Đôla, dự báo hết năm 2019 sẽ ở mức 255 nghìn tỷ USD, lớn gấp 3,2 lần GDP toàn cầu. Đặc biệt, nợ công ty rất cao do họ đua vay nợ vì lãi suất quá thấp gây nhiều lo ngại rủi ro vỡ nợ và khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nhưng trong ngắn hạn chưa có dấu hiệu một biến cố khủng hoảng tài chính. Cuộc kiểm tra sức khỏe khu vực tài chính gần đây cho thấy khu vực này vẫn trong trạng thái tốt, dù có biến động thì các định chế tài chính vẫn đủ sức chịu đựng”, Chuyên gia Bùi Ngọc Sơn phân tích.

Về động lực của cải cách trong năm tiếp theo, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM cho rằng, chúng ta phải nhìn vào kết quả đã đạt được để tìm động lực mới. Doanh nghiệp mới là thước đo cuối cùng của cải cách. “Có những cải cách được bộ ngành công nhận nhưng lại chưa được doanh nghiệp công nhận”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Triển vọng đầu tư

Trong bối kinh tế toàn cầu và những động năng được tích lũy, nói về cơ hội đầu tư ngành và lĩnh vực trong giai đoạn 2020-2030, TS Vũ Tiến Lộc cho rằng: Cơ hội sẽ nằm ở những ngành có lợi thế so sánh truyền thống (như dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử; nông sản và thủy sản), lĩnh vực phục vụ tiêu dùng (phân phối bán lẻ, du lịch, giải trí, giáo dục, y tế), các hỗ trợ mạng sản xuất, gia tăng chuỗi giá trị (dịch vụ hỗ trợ, logistics, công nghiệp hỗ trợ). Tiềm năng cũng nằm ở những lĩnh vực mới nổi (kinh tế xanh, kinh tế sáng tạo, kinh tế số, phát triển đô thị thông minh). Lĩnh vực kết cấu hạ tầng và bất động sản (nhà ở, văn phòng, bất động sản du lịch, bán lẻ, logistics, khu công nghiệp)... được đánh giá có nhiều cơ hội cho giới đầu tư trong và ngoài nước khai phá.

Đồng tình với quan điểm trên nhưng theo chuyên gia Bùi Ngọc Sơn, nhiều dấu hiệu cho thấy, dòng FDI vào từ các nhà đầu tư phương Tây dịch chuyển từ Trung Quốc sang nhằm tránh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung như dự báo ban đầu tăng không nhiều.

Trong khi đó, ông Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành Hội nhập Quốc tế về kinh tế lưu ý, năm 2020 sẽ là năm bản lề khi 13 FTA mà Việt Nam đã ký đi hầu hết sẽ bước vào giai đoạn thực hiện là chủ yếu. Bên cạnh đó, đoàn công tác tại thị trường Nam Mỹ đã đạt được nhiều kết quả tốt dự kiến sẽ mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt.

Cụ thể hơn về cơ hội đầu tư, ông Nguyễn Đức Hùng Linh – Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Nghiên cứu – Phát triển, Giám đốc phân tích và tư vấn đầu tư SSI đã đưa ra 5 lĩnh vực kinh doanh sẽ “lên ngôi” trong năm 2020. Thứ nhất đó là ngành hàng tiêu dùng. Ông Linh nhấn mạnh rằng, những ngành tận dụng được thị trường 100 triệu dân của Việt Nam sẽ là mảng thị trường “lên ngôi” trong thời gian tới.

Thứ hai là ngành du lịch và những ngành phát triển hưởng lợi từ du lịch. Khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 11 đạt 1,8 triệu lượt khách, tăng 39% so với cùng kỳ, mức tăng cao nhất 23 tháng.

Thứ ba là ngành vận tải logistics. Tăng trưởng của ngành kho bãi năm sau tăng cao hơn năm trước, có do nhiều yếu tố nhưng phần lớn là do tăng trưởng xuất nhập khẩu trong những năm gần đây đã tạo ra lưu lượng hàng hóa giao thương trong những năm gần đây.

Thứ tư là ngành xây dựng và vận liệu xây dựng. Năm 2020 ngành này sẽ có sự tăng trưởng cao hơn. Bởi, trong 2 năm vừa qua tốc độ giải ngân đầu tư công rất thấp nhưng sau 2 năm tháo gỡ khó khăn thì đến năm 2020 sẽ tăng mạnh hơn. Bên cạnh đó, dòng vốn từ tư nhân sẽ tạo ra bước đệm rất lớn cho ngành.

Thứ năm, ngành nông nghiệp và các dịch vụ hỗ trợ cho nông nghiệp. Năm 2019 tăng trưởng của ngành có chậm lại, đây là một năm khô hạn. Nhưng thường sau 1 năm khô hạn thì năm sau thường tốt hơn, kéo theo những ngành liên quan khác cũng sẽ tích cực hơn", ông Linh nói.

Phan Nam

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức cùng cơ hội nhận quà tặng hàng tháng.

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/tich-luy-dong-nang-cho-tang-truong-kinh-te-162823.html