Doanh nghiệp sản xuất bóng đèn có 'rạng rỡ'?

Các DN sản xuất bóng đèn, thiết bị chiếu sáng tại Việt Nam phần lớn vẫn có quy mô nhỏ và vừa, có nhiều khó khăn do những nguyên nhân khách quan nên vẫn chưa thực sự có sự bứt phá mạnh mẽ.

Đầu tư bài bản

Theo thống kê chưa đầy đủ của Hội Chiếu sáng Việt Nam, Việt Nam hiện có trên 250 DN đăng ký thương hiệu bán sản phẩm LED trên thị trường. Trong đó, 80% DN có quy mô nhỏ và vừa, các sản phẩm chủ yếu sản xuất hình thức gia công, nhưng vẫn có thương hiệu in lên sản phẩm. Vì thế, sản phẩm của các DN này tuy sản xuất nhanh nhưng giá thánh rẻ do hàm lượng công nghệ thấp, phụ thuộc vào công nghệ và thiết kế của các đối tác. Ngoài số lượng đông đảo này, khoảng 10-12% là các DN nước ngoài, nhưng chỉ sản xuất một vài công đoạn tại Việt Nam, chủ yếu lắp ráp để tận dụng nguồn nhân lực sản xuất sản phẩm cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu.

Do đó, trên thị trường chỉ còn khoảng 2-3% DN có quy mô, nhóm này tuy số lượng ít nhưng chiếm giữ tới 40% tổng chủng loại nguồn sáng và thiết bị chiếu sáng. Nguyên nhân bởi đây là những DN sản xuất lâu năm, nhiều kinh nghiệm, tiềm lực tài chính mạnh nên có sự đầu tư bài bản, làm chủ về công nghệ. Điểm tên các DN này có thể kể đến: Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông, Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang, Công ty Cổ phần Công nghiệp Hapulico…

Về sự phát triển của các DN, hầu hết các DN đều đã và đang hướng tới những công nghệ hiện đại, đầu tư dây chuyền sản xuất áp dụng theo các tiêu chuẩn quốc tế. Tiêu biểu, vừa qua, Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang đã được trao giấy chứng nhận Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ. Điều này có được là nhờ DN có nhiều dự án đầu tư chuyên sâu theo hướng công nghệ cao như như đầu tư cho dây chuyền sản xuất LED theo công nghệ Nhật Bản; đầu tư cho nghiên cứu phát triển và thử nghiệm, trang bị hệ thống phòng thử nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc tế ISO 17025; xây dựng nhà máy công nghệ cao Điện Quang; sản xuất, nghiên cứu, phát triển các sản phẩm, giải pháp chiếu sáng và thiết bị điện thông minh tại khu công nghệ cao TPHCM…

Vẫn kém “rạng rỡ”

Mặc dù được nhận định là có nhiều tiềm năng để phát triển, nhưng do những khó khăn ở cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhiều DN sản xuất bóng đèn nhưng tình hình kinh doanh lại kém “rạng rỡ”. Điển hình nhất phải kể đến sự cố hỏa hoạn tại Rạng Đông, chỉ trong vài ngày nhưng đã khiến kết quả kinh doanh cả năm của DN này “bốc hơi” nhanh chóng. Bởi trong năm 2018, Rạng Đông đạt 3.637 tỷ đồng doanh thu và 204 tỷ đồng lợi nhuận ròng sau thuế, đứng top đầu các DN sản xuất bóng đèn cả nước. Trong nửa đầu năm nay, báo cáo kết quả kinh doanh của DN này cũng cho biết doanh thu thuần đạt 1.804 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ. Khoản lợi nhuận sau thuế nhờ đó cũng tăng hơn 20%, đạt 96 tỷ đồng. Nhờ đó, cổ phiếu của Rạng Đông thuộc nhóm cao trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Trong khi đó, một DN bóng đèn khác dù cũng thuộc top đầu, dù không có sự cố lớn nhưng kết quả lợi nhuận lại xuống thấp. Theo báo cáo tài chính bán niên của Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang, nửa đầu năm, Điện Quang ghi nhận 410 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 12% so với cùng kỳ. Tương ứng, giá vốn hàng bán giảm 12%, xuống còn 309 tỷ đồng, khiến lợi nhuận gộp giảm 11 tỷ đồng và chỉ mang về cho Điện Quang 101 tỷ đồng nửa đầu năm. Lý giải về việc sụt giảm lợi nhuận này, Điện Quang cho biết là do tốc độ tụt giảm quá nhanh của các sản phẩm truyền thống so với cùng kỳ năm ngoái. Điện Quang cũng ngừng sản xuất một số mặt hàng truyền thống do không hiệu quả khi duy trì.

Cũng nói về khó khăn của DN, một số DN sản xuất bóng đèn chia sẻ, DN trong nước đang chịu sự cạnh tranh từ các sản phẩm có nguồn gốc Trung Quốc hay sản phẩm nhập khẩu phụ kiện lắp ráp có giá rẻ nhưng chất lượng kém. Trong khi đèn LED theo đúng tiêu chuẩn là sản phẩm đòi hỏi công nghệ cao, khắt khe về điều kiện sản xuất, vật liệu, môi trường… Do đó, các DN làm ăn chân chính đang phải chịu sự cạnh tranh về giá.

Vì thế, để các DN này có cơ hội phát triển hơn, Hội Chiếu sáng Việt Nam kiến nghị các cơ quan quản lý cần ban hành đầy đủ các tiêu chuẩn cho các sản phẩm chiếu sáng LED và triển khai đồng bộ Chương trình Dán nhãn năng lượng đèn LED để hỗ trợ cho các DN sản xuất đèn LED có đủ hành lang pháp lý, kỹ thuật sản xuất đèn LED. Đặc biệt, đại diện cho các DN sản xuất bóng đèn cho rằng, cần nâng cao năng lực công tác kiểm định, đo lường, kiểm soát chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế đối với đèn LED, nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế để xuất khẩu đèn LED Việt Nam ra các nước.

Hương Dịu

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/doanh-nghiep-san-xuat-bong-den-co-rang-ro-112257.html