Doanh nghiệp sản xuất đồ chơi trẻ em 'loay hoay' với bài toán xây dựng thương hiệu

Thị trường đồ chơi Việt là phân khúc đầy tiềm năng. Tuy nhiên, với các doanh nghiệp Việt dường như họ vẫn đang loay hoay trong việc xây dựng thương hiệu của chính mình.

Theo thống kê, thị trường đồ chơi trong nước mỗi năm tăng trưởng chừng 20%. Tuy nhiên, các sản phẩm sản xuất trong nước vẫn chiếm một lượng rất nhỏ. Đa phần thị trường đồ chơi tại Việt Nam hiện nay, các sản phẩm được bày bán chủ yếu có xuất xứ từ nước ngoài, đặc biệt chiếm số lượng lớn phải kể đến các loại đồ chơi xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan.

Tại các cửa hàng đồ chơi, đồ chơi trong nước dường như "lép vế" hơn so với những loại đồ chơi khác. Ảnh Hoàng Dương.

Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân khiến cho đồ chơi trẻ em trong nước vẫn 'loay hoay' được cho là do chưa thể cạnh tranh về giá với đồ chơi giá rẻ, kém chất lượng của Trung Quốc.

“Đồ chơi trong nước đa phần các công ty sản xuất đều đã đáp ứng được những tiêu chí, tiêu chuẩn khắt khe và một phần đã hướng đến xuất khẩu. Tuy nhiên, ngay chính trong nước, đồ chơi ‘made in Viet Nam” vẫn chưa có chỗ đứng bởi các tiểu thương do ham hàng rẻ nên nhập đồ chơi Trung Quốc về bán. Và hơn hết là ý thức mua hàng của những người tiêu dùng, họ vẫn chưa có thói quen chọn lựa đồ chơi sản xuất trong nước. Họ vẫn giữ tư tưởng mua hàng giá rẻ cho con em chơi. Mà thị trường đồ chơi hiện nay, có thể nhìn ngay thấy các sản phẩm thiên về sản phẩm không nhiều tính giáo giục thì lại thu hút con trẻ và phụ huynh. Còn các sản phẩm đồ chơi trong nước thiên về trí tuệ và học tập, sáng tạo thì lại không được nhiều người quan tâm. Do đó, vấn đề đặt ra ở đây là làm sao để thay đổi được tâm lý tiêu dùng cũng như thói quen tiêu dùng của các bậc phụ huynh trong việc chọn mua đồ chơi”, chuyên gia thị trường – marketing Phan Mạnh Hà (Giám đốc công ty Neway Việt Nam) chia sẻ.

Phụ huynh và ngay cả trẻ nhỏ vẫn thích thú và bị thu hút bởi đồ chơi giá rẻ từ nước ngoài nhất là từ Trung Quốc. Ảnh Hoàng Dương.

Hiện nay trên các tuyến phố bán đồ chơi tại Hà Nội như Hàng Mã, Lương Văn Can khi đi vào bất cứ cửa hàng đồ chơi nào cũng có thể thấy, đa phần các sản phẩm bày bán tại đây đều có xuất xứ từ Trung Quốc. Lượng hàng Việt Nam thường rất ít.

Theo bà Nguyễn Phương Lan, một người bán đồ chơi trên phố Lương Văn Can cho biết, trước đây cửa hàng của bà Lan bán chủ yếu là đồ chơi trong nước, các loại đồ chơi thông minh thiên về học tập. Thế nhưng, người dùng không mặn mà, mỗi dịp Tết thiếu nhi, kì nghỉ hè các bậc phục huynh thường dẫn các con đi mua đồ chơi, nhưng các cháu bé chỉ hứng thú với những bộ đồ chơi siêu nhân, xếp hình, búp bê… từ Trung Quốc. Rất ít cháu chọn lựa đồ chơi trong nước dù rằng búp bê hay bộ xếp hình cũng được nhiều công ty trong nước sản xuất. Bởi, hình dáng đồ chơi sản xuất trong nước không bắt mắt và giá thành thì đắt. Do vậy, bán đồ chơi trong nước doanh thu không cao nên bà Lan quyết định nhập đồ chơi Trung Quốc bán.

“Bán đồ chơi Trung Quốc vừa thu hút được khách hàng để có doanh thu tốt và vừa không phải tốn quá nhiều chi phí để nhập hàng. Hiện nay, đồ chơi sản xuất trong nước tôi đang bị tồn kho rất nhiều, chỉ một vài sản phẩm như bộ xếp hình lego là bán chạy”, bà Lan chia sẻ.

Riêng phân khúc đồ chơi Trung thu, đồ chơi truyền thống đã và đang chiếm ưu thế. Ảnh Hoàng Dương.

Ông Nguyễn Phương Huy, Công ty sản xuất đồ chơi Á Châu cho rằng, vấn đề ở đây là các cơ quan truyền thông cần vào cuộc giúp các công ty đồ chơi để tuyên truyền sản phẩm, thay đổi tư duy mua hàng của các bậc phụ huynh. Hiện nay, có một phân khúc rất nhỏ đồ chơi trong nước đang dần chiếm lĩnh được thị trường là dịp Tết trung thu, đồ chơi trong nước như mặt nạ giấy bồi, đèn ông sao, đầu sư tử… đã được chú ý. Tuy nhiên, đây là những sản phẩm thủ công, thời vụ. Nếu tính về lâu, về dài, các bậc phụ huynh cần hướng đến cho con em sử dụng các sản phẩm đồ chơi thông minh, đồ chơi sáng tạo.

“Trước hết tôi nghĩ cần thay đổi là tư duy phụ huynh. Phụ huynh hãy hướng đến cho các con đồ chơi thông minh thay vì đồ chơi bạo lực. Tiếp đến, đồ chơi sẽ tiếp xúc trực tiếp với con trẻ nên phụ huynh cũng cần sáng suốt lựa chọn đồ chơi an toàn, đồ chơi đã được sản xuất theo những tiêu chuẩn. Còn đồ chơi nhập khẩu nhất là từ Trung Quốc nhập về như báo chí đã nói, có những loại đồ chơi giá rẻ nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro. Về vấn đề này, tôi mong rằng các cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra để phát hiện đồ chơi không rõ nguồn gốc, đồ chơi gây hại để ngăn chặn cũng như loại bỏ và khuyến khích các hộ kinh doanh ưu tiên nhập và bán các sản phẩm đồ chơi trong nước”, ông Huy nói.

Theo ông Huy, về phía các doanh nghiệp sản xuất đồ chơi thì để giành lại thị phần các doanh nghiệp cũng rất trăn trở và đang tìm hướng đi mới để vừa đáp ứng chất lượng đồ chơi khắt khe của các cơ quan kiểm định, vừa đáp ứng được nhu cầu của người dùng và thiết thực với trẻ nhỏ.

Hiện nay nhiều sản phẩm đồ chơi gỗ thông minh, mang tính giáo dục của Việt Nam được đánh giá cao và xuất khẩu đi nước ngoài. Nhưng thị trường trong nước lại thờ ơ với những loại đồ chơi này. Do vậy, làm sao để đồ chơi thông minh của Việt Nam đứng vững được ở ngay tại thị trường trong nước có lẽ là một bài toán cần cả doanh nghiệp và các cơ quan chức năng liên quan cùng ngồi lại bàn để tìm ra đáp án.

Hoàng Dương

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/doanh-nghiep-san-xuat-do-choi-trong-nuoc-va-bai-toan-xay-dung-thuong-hieu-made-in-vietnam-d148888.html