Doanh nghiệp sốt sắng, lao động chưa vội

Sau kì nghỉ Tết Mậu Tuất, thị trường lao động Thủ đô sôi động trở lại với nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp tăng cao. Đây là một tín hiệu tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho lao động (LĐ) chưa có việc làm tìm kiếm việc làm phù hợp, LĐ đang hưởng trợ cấp thất nghiệp sớm quay trở lại thị trường lao động và sinh viên tìm được việc làm vào thời điểm đầu năm.

Doanh nghiệp chờ lao động

Ngày 27/2, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) tổ chức phiên giao dịch việc làm (GDVL) đầu xuân Mậu Tuất 2018. Theo ghi nhận của phóng viên, phiên GDVL đầu xuân có sự tham gia tuyển dụng của 51 doanh nghiệp (DN) với 586 vị trí.

Ứng viên tham dự phiên GDVL đầu năm của Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội.

Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm, số DN tuyển dụng trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ là 45/51, chiếm 88,2%. Điều này cho thấy sự thiếu hụt nhân sự của các DN hoạt động trong lĩnh vực này rất lớn, và các DN này thường xuyên phải tuyển nhân sự để đáp ứng hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, còn có một số DN hoạt động trong lĩnh vực khác như: Bảo hiểm, may mặc, đào tạo… Cũng theo thống kê của Trung tâm, nhu cầu tuyển dụng LĐ có trình độ cao đẳng, đại học chiếm tỷ lệ cao nhất với 223/586 chỉ tiêu, chiếm tỷ lệ 38%; nhu cầu tuyển LĐ có trình độ trung cấp, công nhân kỹ thuật là 205/586 chỉ tiêu, chiếm 35% và nhu cầu tuyển LĐ phổ thông là 158/586 chỉ tiêu, chiếm 27%.

Đánh giá về thị trường LĐ sau Tết, ông Tạ Văn Thảo – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội đánh giá: Những năm gần đây, sau tết Nguyên đán, tình hình LĐ nhảy việc diễn ra phổ biến.

Tuy nhiên, năm nay, qua khảo sát các kênh thông tin về thị trường LĐ thì các DN không bị thiếu hụt nhiều LĐ sau tết.

Tổng hợp về mức lương, cho thấy các DN trả cho các vị trí việc làm trên thị trường lao động ở mức khá cao. Mức thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/tháng chiếm 28,5%. Đây là mức thu nhập dành cho lao động chưa có tay nghề, sinh viên mới ra trường hoặc các công việc thời vụ, bán thời gian.

Mức lương từ trên 5-7 triệu đồng/tháng, chiếm tỷ lệ cao nhất, với hơn 43% tổng số chỉ tiêu tuyển dụng. Đây là mức thu nhập của đại bộ phận các vị trí việc làm ổn định như: Kế toán, nhân viên văn phòng, lễ tân, nhân viên kỹ thuật có tay nghề. Mức thu nhập từ trên 7-15 triệu đồng/tháng có 85 chỉ tiêu, chiếm trên 14% tổng số chỉ tiêu tuyển dụng.

Đây là mức thu nhập của các chỉ tiêu tuyển dụng chất lượng cao vào các vị trí kinh doanh, quản lí, giám sát, trưởng - phó phòng dành cho LĐ có kinh nghiệm và chuyên môn tốt, có khả năng chịu áp lực công việc cao…

Nhu cầu tuyển LĐ với các chỉ tiêu, yêu cầu, mức lương, thưởng khá rõ ràng, các nhà tuyển dụng khá sốt sắng trong việc tìm ứng viên đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh, tuy nhiên, phiên GDVL đầu năm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm rất vắng ứng viên tham gia phỏng vấn trực tiếp.

Rơi vào cảnh thiếu LĐ sau kỳ nghỉ Tết, bà Lê Hương – nhân viên tuyển dụng của Công ty Vincom cho biết: Công ty đang nhu cầu tuyển dụng nhân viên cây xanh, dọn dẹp, nhân viên kĩ thuật. Sau kì nghỉ lễ, những biến động nhân sự ở vị trí này khá là cao và chúng tôi đang có nhu cầu tuyển 200 LĐ vào các vị trí trên.

Cần số lượng lớn nhân sự cho hệ thống, bà Nguyễn Thúy Hà – Phòng nhân sự BigC Thăng Long cho biết: Sau Tết, do nhu cầu mở rộng dịch vụ và điểm bán hàng, hệ thống BigC có nhu cầu tuyển dụng khoảng 100 chỉ tiêu ở vị trí nhân viên bán hàng, thu ngân. LĐ được tuyển sẽ được thu nhập theo mức lương tối thiểu vùng và đầy đủ các chính sách theo Luật Lao động và Luật BHXH. Tuy nhiên, bà Hà cũng chia sẻ, mặc dù cần tuyển số lượng LĐ lớn, yêu cầu không cao nhưng nguồn cung LĐ khá khan hiếm.

Tham gia phiên GDVL tuyển dụng LĐ đầu xuân, Công ty NamiLand - hoạt động kinh doanh bất động sản - đang cần tuyển LĐ có trình độ cao đẳng, đại học vào các vị trí như nhân viên hành chính, tư vấn. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoàng Long - Giám đốc chiến lược của Công ty NamiLand cũng thừa nhận nguồn cung LĐ đang rất khan hiếm, bằng chứng là có nhiều phiên GDVL, nhà tuyển dụng gần như ngồi không cả buổi chờ ứng viên.

Cùng cảnh thiếu nhân sự phục vụ cho việc khai trương thêm cơ sở mầm non tại Khu đô thị FLC Garden City, ông Ngô Quang Khải – phụ trách nhân sự cho biết, cơ sở đang cần tuyển 1 Hiệu trưởng và 10 giáo viên tốt nghiệp từ trung cấp mầm non trở lên với thu nhập từ 4 -10 triệu đồng/tháng, bao chỗ ăn, ở cho giáo viên ở xa có nhu cầu, được hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN và thưởng. Cơ hội việc làm, vị trí tuyển dụng, mức lương đã rõ, song ông Khải cũng phàn nàn về việc rất thưa thớt hồ sơ ứng viên đăng ký.

Đánh giá về thị trường LĐ sau Tết, ông Tạ Văn Thảo – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội đánh giá: Những năm gần đây, sau Tết Nguyên đán, tình hình LĐ nhảy việc diễn ra phổ biến. Tuy nhiên, năm nay, qua khảo sát các kênh thông tin về thị trường LĐ thì các DN không bị thiếu hụt nhiều LĐ sau tết.

Nhiều LĐ có chế độ đãi ngộ LĐ khá tốt nên sau Tết, phần lớn LĐ đều trở lại làm việc đúng hẹn. Cũng theo ông Thảo, vào thời điểm đầu năm, việc DN cần 100-200 LĐ phổ thông là số lượng không lớn, phần lớn xuất phát từ nhu cầu mở rộng sản xuất, mở thêm cơ sở chứ không phải bổ sung nguồn LĐ bị mất do nhảy việc.

Tăng cường kết nối, tạo thuận lợi cho lao động

Theo lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, với vai trò là đơn vị kết nối cung - cầu LĐ trên thị trường lao động Hà Nội, năm 2018, đơn vị sẽ tổ chức 108 phiên GDVL, trong đó có 74 phiên GDVL định kỳ vào thứ ba và thứ năm hằng tuần, 10 phiên GDVL online, 10 phiên GDVL lưu động tại các quận, huyện và 10 phiên GDVL chuyên đề dành cho LĐ thời vụ, thanh niên, bộ đội xuất ngũ, chuyên đề dịch vụ- nhà hàng-khách sạn...

Ông Tạ Văn Thảo cho biết: Để đáp ứng cung-cầu LĐ trên thị trường, năm 2018, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng tổ chức hoạt động Sàn GDVL, tạo điều kiện tối đa cho DN và người LĐ.

Đặc biệt, công tác tổ chức Sàn GDVL sẽ được đồng bộ giữa Sàn GDVL tại 215 Trung Kính (Cầu Giấy) với Sàn GDVL tại 144 Trần Phú (Hà Đông), các Sàn GDVL vệ tinh Ba Vì, Đông Anh và các điểm GDVL vệ tinh như: Gia Lâm, Hoài Đức, Ứng Hòa, Long Biên, Nam Từ Liêm, Mê Linh, Sóc Sơn. Qua đó nhằm kết nối trực tiếp, kết nối online giữa DN và người LĐ không phải đi lại, di chuyển nhiều trong quá trình tuyển dụng và tìm việc làm của người LĐ.

Từ góc độ nhà tuyển dụng, đề xuất để việc kết nối cung-cầu LĐ được sát với thực tế, nhà tuyển dụng và ứng viên có thể “gặp” nhau, ông Nguyễn Hoàng Long - Giám đốc chiến lược của Công ty NamiLand đề xuất: Trung tâm Dịch vụ việc làm cần có những khảo sát, đánh giá thêm về nhu cầu của ứng viên (mức lương, chế độ, mong muốn...), qua đó khi DN sẽ xây dựng kế hoạch tuyển dụng cho phù hợp, để có thể nhanh chóng có được nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu.

Trong cuộc khảo sát mới nhất, thông qua Báo cáo “Một số vấn đề nổi bật về nhân sự ngành ngân hàng – Góc nhìn từ ứng viên và nhà tuyển dụng”, Tập đoàn Navigos Group cho hay: Lộ trình thăng tiến và chế độ đãi ngộ về tài chính được cả nhà tuyển dụng và ứng viên quan tâm.

Cụ thể, 37% nhà tuyển dụng cũng đang cân nhắc áp dụng những chế độ đãi ngộ về tài chính để thu hút ứng viên. Về phía ứng viên, 3 chính sách đãi ngộ ngoài lương cơ bản được họ đánh giá hấp dẫn nhất bao gồm: Hỗ trợ cho vay với lãi suất thấp (chiếm 53%); các khoản thưởng (thưởng giữa kỳ, thưởng cuối kỳ, lương tháng 13) chiếm 47%; bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm nhân thọ dành cho nhân viên (chiếm 45%).

Bảo Duy

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/doanh-nghiep-sot-sang-lao-dong-chua-voi-69663.html