Doanh nghiệp tái chế kim loại Trung Quốc gấp rút xử lý phế liệu mua từ Mỹ

Các nhà nhập khẩu và sản xuất đồng Trung Quốc đang phải nỗ lực chuyển đi hoặc bán lại nhiều lô hàng phế liệu đồng Mỹ vì chính quyền Bắc Kinh quyết đánh thuế 25% với loại hàng này.

Cường quốc châu Á ngày 8.8 công bố danh sách 16 tỉ USD hàng hóa Mỹ phải chịu thuế 25% từ ngày 23.8, trong đó có cả kim loại, giấy và nhựa phế liệu.

Phế liệu vốn không có tên trong danh sách đánh thuế dự kiến công bố tháng 6 trước. Trong quý 1 năm nay, gần 2.200 lô phế liệu đồng từ Mỹ vào Trung Quốc mỗi tháng.

Động thái áp thuế của Bắc Kinh đe dọa làm gián đoạn hoạt động mua phế liệu và kim loại của chính nước này, buộc doanh nghiệp tái chế kim loại phải tìm cách chuyển hàng đến “nơi an toàn”.

Một nhà máy tái chế kim loại tại tỉnh Chiết Giang có vài lô hàng phế liệu đồng chưa xác định được nên đưa đến cảng Ninh Ba sau hạn đánh thuế (23.8) hay để lại Mỹ. Chủ nhà máy chia sẻ: “Chúng tôi vẫn chưa tìm ra giải pháp, nhưng đang bàn bạc với nhà cung cấp”.

Ông cho biết đang muốn tìm người mua số hàng này, có thể là ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, thậm chí là châu Âu. Để bán được, những nhà nhập khẩu như nhà máy Chiết Giang này sẽ phải giảm giá.

Thuế suất 25% sắp được áp dụng là đả kích mới nhất với ngành tái chế của Mỹ, sau khi Trung Quốc vốn đã đánh thuế phế liệu nhôm vào tháng 4, như một phần của chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Theo Michael Lion, Chủ tịch công ty tư vấn thương mại quốc tế Lion Consulting Asia: “Tác động (từ thuế quan) mà doanh nghiệp xử lý phế liệu Mỹ lẫn doanh nghiệp tiêu thụ Trung Quốc phải chịu sẽ rất nặng nề”.

Số liệu hải quan của Trung Quốc cho thấy trong năm 2017, Mỹ bán gần 6 tỉ USD phế liệu cho cường quốc châu Á, đồng thời là bên cung cấp phế liệu đồng lớn thứ hai chỉ sau Hồng Kông.

Trung Quốc sẽ phải vất vả tìm nguồn cung phế liệu đồng thay cho Mỹ

- Ảnh: City Scrap Buyer

Ngành tái chế toàn cầu hiện chao đảo không phải chỉ vì thuế quan, mà còn bởi nhiều hạn chế nhập phế liệu mà Bắc Kinh đưa ra nhằm thoát khỏi mác “bãi rác thế giới”.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, nhập khẩu kim loại phế liệu của Trung Quốc giảm đến 1/3 (chỉ còn 2,86 triệu tấn) và gần như không nhập nhựa phế liệu.

Lãnh đạo một công ty tái chế kim loại lớn ở châu Á đánh giá ba phương án bán lại, chuyển hàng và chấp nhận trả thuế 25% đều sẽ được sử dụng kết hợp, trong đó bán lại là tốt nhất.

Trong khi đó, một doanh nghiệp sản xuất que hàn đồng tại Chiết Giang cần nhập phế liệu làm nguyên liệu đầu vào lại nghĩ đến cách đưa hàng sang nước thứ ba.

Viện Công nghiệp tái chế phế liệu Mỹ (ISRI) cảnh báo Trung Quốc sắp tới có thể phải rất vất vả để tìm nguồn nguyên liệu từ các quốc gia khác ngoài Washington.

Cẩm Bình (theo Reuters)

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/doanh-nghiep-tai-che-kim-loai-trung-quoc-gap-rut-xu-ly-phe-lieu-mua-tu-my-94579.html