Doanh nghiệp: Thêm chủ động, bớt ứng phó

Phải làm gì để 'sống sót' trong giai đoạn kinh doanh có nhiều bất ổn như hiện nay? Đó chính xác là mối lo chung của đa số doanh nghiệp (DN) khi nghĩ đến thương mại toàn cầu. Đây cũng là vấn đề chính tại Diễn đàn CFO (Chief Financial Officer) Việt Nam 2019 với chủ đề 'Chiến tranh thương mại: Thêm chủ động, bớt ứng phó', diễn ra ngày 13/11, tại TP. Hồ Chí Minh.

Diễn đàn do Câu lạc bộ Giám đốc tài chính Việt Nam (CFO Việt Nam) cùng phối hợp với Hiệp hội Quốc tế các nhà quản trị tài chính cấp cao (IAFEI), Hiệp hội Kế toán công chứng Anh quốc (ACCA) và Hiệp hội các giám đốc tài chính Nhật Bản (JACFO) tổ chức.

 Diễn đàn CFO Việt Nam 2019 với chủ đề “Chiến tranh thương mại: Thêm chủ động, bớt ứng phó”

Diễn đàn CFO Việt Nam 2019 với chủ đề “Chiến tranh thương mại: Thêm chủ động, bớt ứng phó”

Ông Nguyễn Hữu Thành - Giám đốc điều hành CFO Việt Nam - cho hay, trong bối cảnh hoạt động kinh doanh của DN có quá nhiều bất ổn, đặc biệt là những tác động xấu, những rủi ro có thể xảy đến bất kỳ lúc nào từ cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung. Theo kinh nghiệm của ông cha xưa là “Đừng để nước đến chân mới nhảy”, DN nên một mặt phải theo dõi chặt các biến động và thay đổi chính sách, mặt khác vẫn luôn hết sức cẩn trọng trước những nguy cơ của hiệu ứng lan tỏa và rủi ro thị trường, đặc biệt không chỉ chủ động nắm bắt các cơ hội mà còn tận dụng triệt để, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.

Thực tế cho thấy năm 2019 sắp kết thúc, thương chiến Mỹ - Trung đã kéo dài được hơn 1,5 năm và liệu cuộc chiến thương mại này còn kéo dài bao lâu? Trả lời cho vấn đề này, nhiều diễn giả đưa ra quan điểm thương chiến có thể còn kéo dài, không thể ngừng một sớm một chiều vì mỗi bên đều có thế mạnh của mình và đều mong đạt được lợi ích cao nhất. Thách thức với nền kinh tế Việt Nam là Trung Quốc có thể sẽ phải giảm mạnh đồng Nhân dân tệ (CNY) để bù đắp thuế quan tăng lên từ phía Mỹ, điều này cũng đồng nghĩa hàng hóa Trung Quốc giá rẻ hơn ồ ạt vào Việt Nam, sẽ gây khó khăn cho DN trong nước.

Theo ông Eduardo Francisco - Chủ tịch Hiệp hội quốc tế Các nhà quản trị tài chính cấp cao (IAFEI) - cho rằng, Trung Quốc đang chuyển nguồn sản xuất của mình từ Philippines vào Việt Nam, tuy nhiên chúng ta chỉ đứng giữa, không nên ủng hộ hoàn toàn một bên nào và cần thận trọng trong kinh doanh, phát triển thương mại xuất khẩu.

Trong thời gian hơn 1,5 năm diễn ra thương chiến, Việt Nam có được những thuận lợi nhất định từ dòng thương mại và tài chính, thu hút đầu tư. Trong 10 tháng đầu năm 2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 29,11 tỷ USD, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2018. Vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 16,21 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, khi xét về ảnh hưởng Việt Nam vẫn có những tác động ảnh hưởng ngắn hạn, trung hạn hoặc dài hạn.

Tiến sĩ Hàn Mạnh Tiến - Chủ tịch Hội Các nhà quản trị DN Việt Nam (VACD) - chia sẻ, trong ngắn hạn, những tác động tích cực của thương chiến đã được Việt Nam đón nhận. Tuy nhiên, những khó khăn, phức tạp ảnh hưởng từ hoạt động thương mại, đầu tư, tài chính toàn cầu cũng đang chờ đợi ở phía trước buộc các nhà quản lý, hoạch định chính sách và cộng đồng DN phải luôn trong tâm thế chủ động ứng phó.

Cụ thể, từ phía các DN Việt Nam, những ngành hàng như dệt may, da giày, đồ gỗ... thời gian qua đã có được những thuận lợi trong việc tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường Mỹ, đón nhận các cơ hội từ sự dịch chuyển nguồn vốn đầu tư, dịch chuyển nguồn cung ứng sẽ tạo thêm rất nhiều cơ hội cho các DN tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, cơ hội phát triển, thì các biện phòng vệ thương mại đang tăng lên rất cao. Việt Nam đang phải xem xét đến vấn đề thế nào là xuất xứ Việt Nam, thế nào là hàng Trung Quốc đội lốt Việt Nam để xuất khẩu ra nước ngoài. Đối với các vấn đề liên quan đến tài chính, tiền tệ, tỷ giá… biến động hằng ngày cũng cần thì trình độ quản trị DN, quản trị tài chính của DN Việt phải có sự ứng phó nhanh nhạy.

Thanh Thanh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/doanh-nghiep-them-chu-dong-bot-ung-pho-128168.html