Doanh nghiệp thiếu minh bạch thông tin, mất cơ hội thu hút vốn

Để thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam cần cải thiện tính minh bạch, thay vì chỉ quen với cách thức duy trì thông tin không đầy đủ, thiếu công khai vốn tồn tại từ trong quá khứ.

Để thu hút nhà đầu tư, doanh nghiệp tư nhân trong nước cần thay đổi lối tư duy cũ, lạc hậu

Theo nhận định của hãng kiểm toán và tư vấn doanh nghiệp Grant Thornton Việt Nam, giữa bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đe dọa ảnh hưởng tới chuỗi giá trị đã phát triển toàn cầu, các nhà đầu tư tư nhân đang tích cực tìm kiếm các cơ hội đầu tư mới ở khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam.

Việt Nam cũng trở thành một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn và sôi động bậc nhất Đông Nam Á chỉ sau Singapore.

Theo báo cáo Global M&A review 2018, Singapore, Việt Nam, Indonesia và Malaysia là 4 thị trường đầu tư tư nhân sôi động nhất tại Đông Nam Á,

Đáng chú ý, làn sóng khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ đang chiếm lĩnh xu thế. Các ngành công nghệ tiếp tục duy trì sức hút mạnh mẽ, đặc biệt là thương mại điện tử và công nghệ tài chính. Công nghệ là mảng đầu tư có tăng trưởng mạnh nhất, chiếm 40% tổng số thương vụ.

Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam được đẩy mạnh trong năm 2018, thu hút tổng số vốn đầu tư 889 triệu USD, cao gấp ba lần so với cùng kỳ năm 2017.

“Kinh tế tư nhân được dự báo sẽ trở thành một trong bốn trụ cột thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2019, đặc biệt là khối các công ty khởi nghiệp đang tăng trưởng mạnh mẽ”, Grant Thornton nhận định.

Khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ đang là xu hướng, bao gồm công nghệ tài chính (fintech), thương mại điện tử, giáo dục trực truyến, công nghệ du lịch (travel tech). Hiện, Chính phủ cũng đang có những chính sách hỗ trợ, khuyến khích, góp phần thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.

Dù vậy trong quá trình hợp tác đầu tư, mâu thuẫn về tầm nhìn và chiến lược là vấn đề quan tâm hàng đầu của các công ty tư nhân.

Các chủ doanh nghiệp thường đã vạch sẵn tầm nhìn và chiến lược dài hạn cho tổ chức của mình. Tuy nhiên, việc các nhà đầu tư tiềm năng có đồng tình với các kế hoạch này không sẽ tạo ra nhiều ảnh hưởng đến việc huy động vốn.

Bên cạnh đó, khó khăn trong việc chia sẻ quyền lực là mối lo ngại thứ hai của các doanh nghiệp gọi vốn. Vấn đề này thường xảy ra khi các nhà sáng lập là trung tâm quyền lực của doanh nghiệp.

“Việc chia sẻ quyền lực này với các nhà đầu tư mới không phải là một quá trình dễ dàng, đòi hỏi sự cởi mở, tin tưởng cũng như một cơ chế ủy quyền rõ ràng ngay từ những ngày đầu tiên”, Grant Thornton khuyến cáo.

Để bảo vệ mình khỏi rủi ro thua lỗ, các quỹ đầu tư sẽ đưa ra các điều khoản và điều kiện ràng buộc chặt chẽ về kết quả kinh doanh (như doanh thu, lợi nhuận, EBITDA), cam kết về thời gian gắn bó của nhân sự chủ chốt.

Việc không đạt được những cam kết này có thể kích hoạt quyền chọn bán, có thể sẽ trở thành một lựa chọn tài chính vô cùng bất lợi cho các chủ sở hữu.

Chưa hết, việc đòi hỏi quá mức trong việc công bố thông tin tài chính và phi tài chính là một mối lo ngại quan trọng khác của các chủ sở hữu công ty tư nhân. Điều này có thể do việc đã quen với cách thức duy trì thông tin không đầy đủ và công khai trong quá khứ. Tuy vậy, tính minh bạch là một yếu tố cốt lõi mà các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam cần chuẩn bị và cải thiện.

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/doanh-nghiep-thieu-minh-bach-thong-tin-mat-co-hoi-thu-hut-von-163843.html