Doanh nghiệp thực phẩm: Chú trọng đầu tư toàn diện

Với tín hiệu thị trường khả quan, tốc độ tăng trưởng cao, nhiều doanh nghiệp (DN) ngành thực phẩm đã mạnh dạn đầu tư nâng cao chất lượng, an toàn cho sản phẩm và xây dựng thương hiệu.

Thực phẩm chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu chi tiêu hàng tháng của người tiêu dùng Việt Nam

Công ty Cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) vừa công bố khảo sát bức tranh toàn cảnh ngành thực phẩm đồ uống Việt Nam năm 2018. Theo đó, chỉ số tiêu thụ của ngành sản xuất, chế biến thực phẩm và sản xuất đồ uống trong 9 tháng năm 2018 tăng lần lượt 8,1% và 10,2% so với cùng kỳ năm trước. Thực phẩm - đồ uống hiện chiếm tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu chi tiêu hàng tháng của người tiêu dùng (khoảng 35% mức chi tiêu).

Về tiềm năng tăng trưởng, ngành thực phẩm - đồ uống hiện chiếm khoảng 15% GDP và có xu hướng tăng lên trong thời gian tới; trong đó, khả năng Việt Nam sẽ đứng ở vị trí thứ ba châu Á về tốc độ tăng trưởng. Bên cạnh đó, với tỷ lệ dân số trẻ ngày một cao (ước tính khoảng trên 50% dân số Việt Nam dưới 30 tuổi), mức thu nhập được cải thiện và thói quen mua sắm thực phẩm chế biến sẵn ngày càng phổ biến, sự phong phú, dồi dào các sản phẩm nông nghiệp - nguồn nguyên liệu thô cung ứng cho hoạt động chế biến thực phẩm, đồ uống… đang là những lợi thế để các DN trong ngành đa dạng hóa chủng loại sản phẩm, đáp ứng nhu cầu liên tục thay đổi của người tiêu dùng.

Bên cạnh các hoạt động đầu tư phát triển của DN thực phẩm trong nước, hàng loạt thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) trong ngành thực phẩm - đồ uống cũng diễn ra rất sôi động về số lượng và chất lượng, hình thành nên những “ông lớn” như Masan, Thành Thành Công, Kido, Pan Group… Các tên tuổi lớn trong ngành hàng thực phẩm đến từ Thái Lan, Hàn Quốc với lợi thế về tài chính, kinh nghiệm và công nghệ cũng tích cực đầu tư vào Việt Nam bằng nhiều hình thức.

Ông Nguyễn Lâm Viên - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Vinamit - cho hay, trước đây, người tiêu dùng chỉ tìm kiếm thông tin về nhà sản xuất và nguồn gốc của sản phẩm thì nay, họ đã chú ý đến truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn sản phẩm như VietGAP, GlobalGAP, HACCP. Bên cạnh đó, DN phải bảo đảm tính ưu việt của sản phẩm thông qua quy trình sản xuất áp dụng công nghệ cao kết hợp với hệ thống phân phối đủ mạnh.

Đơn cử như Vissan, tiêu chí luôn đổi mới, cải cách, ứng dụng quy trình, tiêu chuẩn sản xuất mới đã giúp đơn vị này trở thành một trong những DN dẫn đầu trong ngành kinh doanh thịt tươi sống và các chế phẩm chế biến sẵn từ thịt. Quy mô phân phối, mẫu mã sản phẩm và chất lượng luôn được nâng cao, cải tiến và thay đổi theo nhu cầu, khẩu vị của người tiêu dùng.

Nhằm tạo điều kiện cho các DN ngành thực phẩm đầu tư, phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, hiện tại, Chương trình Xây dựng chiến lược thương hiệu thực phẩm (2014 - 2020) do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) triển khai dưới sự hỗ trợ kỹ thuật của Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và Đầu tư châu Âu cùng Cơ quan Xúc tiến nhập khẩu từ các nước đang phát triển của Hà Lan đang bước vào giai đoạn cuối cùng. Chương trình đã cơ bản hoàn thiện quá trình nghiên cứu và đề xuất phương án định vị thương hiệu, cấu trúc và thiết kế hệ thống nhận diện thương hiệu cho ngành thực phẩm Việt Nam.

Thực phẩm là một trong những ngành có tiềm năng rất lớn của Việt Nam. Các sản phẩm thực phẩm không những đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu sang nhiều nước. Đặc biệt, Việt Nam đang dần trở thành nguồn cung quan trọng sản phẩm nông sản, thực phẩm phong phú cho các nước trên thế giới.

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/doanh-nghiep-thuc-pham-chu-trong-dau-tu-toan-dien-112076.html