Doanh nghiệp Trung Quốc quan tâm cao tốc Bắc-Nam: Bình thường!

Trung Quốc cũng như nhiều quốc gia khác quan tâm đến dự án cao tốc Bắc - Nam nên Việt Nam không phân biệt đối xử với bất kỳ nước nào.

Ngày 17/5/2019, bên lề Hội nghị kêu gọi đầu tư dự án xây dựng một số đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, ông Nguyễn Danh Huy - Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (Bộ GT-VT) cho biết, có tới hơn 1 nửa các nhà đầu tư trong nước quan tâm đến dự án này, còn lại là doanh nghiệp đến từ các nước như Anh, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc...

Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư cho rằng, không nên phân biệt đối xử với bất kể một quốc gia nào. Vấn đề quan trọng là chất lượng và tiến độ. Vì thế cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần đưa ra được một bộ hồ sơ mời thầu cũng như một hợp đồng quản lý chặt chẽ tiến độ, chất lượng để đảm bảo tất cả các nhà đầu tư khi tham gia vào phải cung cấp được dịch vụ tốt nhất, đảm bảo tiến độ, đảm bảo chất lượng cho toàn bộ dự án.

Ngoài ra, ông Huy cũng lưu ý, doanh nghiệp làm dự án đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam được lựa chọn là nhà đầu tư. Sau khi nhà đầu tư được lựa chọn thì doanh nghiệp đó sẽ tiếp tục chọn nhà thầu trong nước hoặc sử dụng nhà thầu phụ trong nước theo Luật Đấu thầu.

Không ưu tiên doanh nghiệp nước nào khi lựa chọn nhà đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam?

Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư Nguyễn Danh Huy cho hay, khi xây dựng hồ sơ mời thầu, Bộ GTVT đã tổ chức cuộc họp (ngày 3/4/2019) có sự tham dự của lãnh đạo Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Ủy ban Pháp luật Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và một số chuyên gia về đấu thầu.

Tại cuộc họp, các đại biểu tham dự đều đánh giá quy trình xây dựng hồ sơ mời sơ tuyển đã được thực hiện chặt chẽ, nội dung hồ sơ mời sơ tuyển bảo đảm tính công khai, công bằng và minh bạch theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Còn về việc ưu đãi nhà đầu tư trong nước, ý kiến các bộ, ngành liên quan và quan điểm của Bộ GTVT đều cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam đang là thành viên của các tổ chức quốc tế, việc đấu thầu chọn nhà đầu tư thực hiện dự án phải bảo đảm trung thực, khách quan, công bằng theo pháp luật về đấu thầu cũng như các hiệp ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Giải thích thêm về chi tiết trong hồ sơ mời sơ tuyển, Bộ GTVT xây dựng với mức điểm năng lực về tài chính của nhà đầu tư chiếm tỉ trọng 60% tổng số điểm, ông Nguyễn Danh Huy cho hay, Bộ GTVT đã tính đến việc những nhà đầu tư trong nước đáp ứng các tiêu chí tối thiểu theo quy định của pháp luật về đấu thầu và Nghị quyết số 20/NQ-CP của Chính phủ như: Vốn chủ sở hữu bảo đảm tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư; đã triển khai dự án có tổng vốn đầu tư tối thiểu bằng 50% tổng vốn đầu tư dự án đang xét; dự án có vốn chủ sở hữu nhà đầu tư đã góp tối thiểu bằng yêu cầu vốn chủ sở hữu dự án đang xét; đã thi công dự án/gói thầu có giá trị 30% giá trị xây lắp của dự án đang xét... số lượng rất hạn chế.

Luật Đấu thầu cũng cho phép các nhà đầu tư liên danh với các nhà đầu tư khác (trong và ngoài nước) để bảo đảm năng lực và kinh nghiệm theo yêu cầu. Do vậy, tiêu chí này không làm giảm khả năng tham gia của nhà đầu tư Việt Nam.

Trước đó, Bộ GTVT đã chính thức bán hồ sơ mời thầu quốc tế sơ tuyển tìm nhà đầu tư cho 5/8 đoạn cao tốc thành phần thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông. Trong đó, Bộ đưa ra các yêu cầu cụ thể về kinh nghiệm và năng lực tài chính khá rõ ràng.

Việc đánh giá năng lực, kinh nghiệm sử dụng phương pháp chấm điểm theo thang 100 điểm. Trong đó, số điểm đáp ứng yêu cầu qua vòng sơ tuyển là từ 60 điểm trở lên và các điểm thành phần đạt từ 60% trở lên. Về yêu cầu kinh nghiệm nhà đầu tư, hồ sơ mời thầu yêu cầu nhà đầu tư phải từng tham gia đầu tư dự án giao thông, hoặc dự án kết cấu hạ tầng.

Trong đó, các dự án từng tham gia phải có tổng vốn đầu tư bằng 50% vốn dự án đang kêu gọi đầu tư; phần vốn nhà đầu tư từng góp vào dự án đó bằng 20% giá trị vốn góp vào dự án đang mời thầu. Trường hợp nhà đầu tư từng là nhà thầu thi công chính của các dự án trước đây, thì tổng vốn dự án đã tham gia phải bằng tối thiểu 30% vốn giá trị xây lắp của dự án đang xét…

Nhìn vào một số yêu cầu cụ thể, một số chuyên gia cho rằng khó có thể hấp dẫn được nhà đầu tư, nhất là khi Chính phủ Việt Nam không bảo lãnh cho việc triển khai đầu tư, vận hành dự án, như bảo lãnh doanh thu, bảo lãnh tỷ giá...

"Quy định kiểu gì mà khiến các nhà đầu tư nước khác không quan tâm, ngoài doanh nghiệp Trung Quốc?" - chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đặt câu hỏi.

Bà Lan tính toán: Nếu chia 654 km cho 11 dự án thành phần gồm 3 dự án đầu tư công, 8 dự án đầu tư theo hình thức BOT, trung bình mỗi dự án thành phần dài chưa đến 60 km, chỉ rộng từ 4 - 6 làn xe.

"Tôi không tin doanh nghiệp tư nhân trong nước không làm được!", bà Phạm Chi Lan khẳng định.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/doanh-nghiep-trung-quoc-quan-tam-cao-toc-bac-nam-binh-thuong-3380260/