Doanh nghiệp tư nhân hành nghề công chứng, tại sao không?

Vừa là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư, vừa là nghề tư pháp thuộc dịch vụ sự nghiệp công thiết yếu, văn phòng công chứng có thể hoạt động theo mô hình doanh nghiệp tư nhân hay không vẫn cần câu trả lời thấu đáo hơn.

Toàn cảnh phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Công chứng (sửa đổi)

Không đủ 2 thành viên, thu hồi ngay quyết định thành lập

Chuẩn bị trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ bảy vào tháng 5 tới, Dự án Luật Công chứng (sửa đổi) đã được đặt lên bàn nghị sự của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật.

Theo ông Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Tư pháp (cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật), lần sửa đổi này tiếp tục xác định công chứng không phải là hoạt động kinh doanh đơn thuần, mà là một nghề bổ trợ tư pháp. Mục đích sửa đổi Luật Công chứng là khắc phục hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới của hoạt động công chứng theo chủ trương xã hội hóa, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng và tính bền vững của hoạt động công chứng, từng bước phát triển nghề công chứng tại Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế.

Liên quan đến mô hình văn phòng công chứng, kế thừa quy định của luật hiện hành, khoản 1, Điều 21 của Dự thảo quy định văn phòng công chứng hoạt động theo mô hình công ty hợp danh. Nhưng Dự thảo bổ sung điểm mới quan trọng là không bắt buộc tên gọi của văn phòng công chứng phải được đặt theo họ tên của một trong các công chứng viên hợp danh như hiện nay. Đồng thời, bảo đảm công chứng viên hợp danh phải thực sự là người góp vốn vào văn phòng công chứng, công chứng viên hợp danh thực sự là người sở hữu văn phòng công chứng.

Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, điểm mới nữa là Dự thảo quy định công chứng viên tự nguyện chấm dứt tư cách thành viên hợp danh phải gắn liền với việc tự nguyện rút vốn khỏi văn phòng công chứng và phải được thực hiện theo quy trình cụ thể. Đáng chú ý, Dự thảo quy định rõ văn phòng công chứng bị thu hồi quyết định cho phép thành lập ngay khi không bảo đảm số lượng tối thiểu 2 thành viên hợp danh, thay vì cho phép thời hạn 6 tháng để bổ sung công chứng viên hợp danh như hiện nay.

Thẩm tra dự án luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội vẫn có ý kiến khác nhau về mô hình văn phòng công chứng. Theo đó, đa số ý kiến cho rằng, việc không cho phép thành lập văn phòng công chứng do một công chứng viên làm chủ theo mô hình doanh nghiệp tư nhân đã hạn chế quyền tự do lựa chọn hình thức tổ chức hành nghề đối với công chứng viên.

Thực tế, những bất cập của mô hình doanh nghiệp tư nhân do phụ thuộc vào một công chứng viên duy nhất đã được giải quyết khi Luật Công chứng hiện hành và Dự thảo luật sửa đổi đều quy định cho phép văn phòng công chứng được thuê công chứng viên làm việc theo hợp đồng lao động. Quy định này tạo hành lang pháp lý để văn phòng công chứng dễ dàng tăng, giảm số lượng công chứng viên phù hợp với nhu cầu, giúp văn phòng công chứng vận hành ổn định, bền vững.

Hơn nữa, để góp phần thúc đẩy mạnh mẽ chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa - những nơi mức độ giao dịch dân sự, kinh tế còn thấp, nhu cầu sử dụng dịch vụ công chứng của người dân chưa cao, thì loại hình văn phòng công chứng có quy mô nhỏ do một công chứng viên làm chủ là rất phù hợp. Do đó, đa số ý kiến Thường trực cơ quan thẩm tra đề nghị bổ sung vào Dự thảo mô hình tổ chức hành nghề công chứng là doanh nghiệp tư nhân bên cạnh công ty hợp danh như Luật hiện hành.

Loại ý kiến thứ hai tán thành kế thừa quy định về văn phòng công chứng hoạt động theo mô hình công ty hợp danh như Dự thảo nhằm bảo đảm tính ổn định của loại hình tổ chức này.

Lập luận chưa thuyết phục

Tham gia ý kiến về mô hình văn phòng công chứng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu ý kiến của Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Nếu vẫn giữ quan điểm chỉ theo mô hình công ty hợp danh thì cần lập luận cho thuyết phục.

“Trong hồ sơ lập luận rằng, nếu theo mô hình công ty tư nhân mà chủ doanh nghiệp lỡ ốm đau nặng hoặc tử vong, thì ai làm tiếp. Nếu văn phòng có 3 người hợp danh cũng rơi vào trường hợp như thế thì làm sao? Lập luận như thế không thuyết phục”, Chủ tịch Quốc hội nhận xét.

Theo Phó tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Đậu Anh Tuấn, hệ thống văn phòng công chứng đang tách biệt với hệ thống doanh nghiệp đăng ký chính thức hiện tại. “Đây là dịch vụ tư pháp, nhưng trước hết, đây là một ngành nghề kinh doanh, bởi nằm trong phụ lục của Luật Đầu tư”, ông Tuấn nêu quan điểm.

Mặc dù hành nghề công chứng là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhưng văn phòng công chứng thành lập theo một quy trình, thủ tục riêng và không giống với ngành nghề nào cả. “Bản thân hợp danh cũng không giống hợp danh và hoàn toàn khác về quy trình thành lập, về góp vốn, về tên gọi, về con dấu, về địa điểm kinh doanh. Đây là một hệ thống, một chế định rất khác”, Phó tổng thư ký VCCI nhận xét.

Cụ thể hơn, ông Tuấn dẫn quy định tại Dự thảo. Theo đó, để thành lập văn phòng công chứng có 2 bước. Một là UBND tỉnh xem xét quyết định trên cơ sở trình của sở tư pháp, nhưng sang bước 2, văn phòng công chứng đã được trao quyết định thành lập, nhưng vẫn phải tiếp tục đăng ký hoạt động tại sở tư pháp. “Quy trình này chưa đúng như tinh thần của nhiều ngành khác, tức là quyết định thành lập gắn với quyết định đăng ký hoạt động”, ông Tuấn nhận xét.

Một bất cập nữa cũng được ông Tuấn chỉ ra là, công ty hợp danh theo Luật Doanh nghiệp có cả thành viên hợp danh và thành viên góp vốn. Tuy nhiên, ở nhiều văn phòng công chứng, chỉ có thành viên hợp danh và không chấp nhận thành viên góp vốn. Văn phòng công chứng cũng không được mở chi nhánh văn phòng đại diện, theo ông Tuấn, đây là một cơ chế rất hạn chế.

“Chính vì cơ chế đó, nên trên thực tế, có tình trạng thuê, mượn hợp danh xảy ra, đặc biệt là cơ chế này sẽ dẫn tới các văn phòng công chứng phát triển tương đối manh mún, nhỏ, vì không có vốn để đầu tư văn phòng khang trang, hiện đại. Việc không cho phép mở chi nhánh văn phòng đại diện dẫn đến không thể mở rộng được quy mô, từ đó cũng khó thu hút khách hàng. Lần sửa đổi này cần cân nhắc theo hướng là vẫn phải duy trì được hệ thống và có những đặc trưng riêng quản lý theo đặc điểm ngành nghề riêng”, ông Tuấn góp ý.

Báo cáo thêm, Bộ trưởng Lê Thành Long cho hay, về mô hình văn phòng công chứng, Quốc hội đã thảo luận nhiều lần. Luật Công chứng năm 2006 cho phép cả hai mô hình hợp danh và tư nhân. Đến năm 2014 sửa đổi, bổ sung luật, cũng do ý kiến khác nhau, Chính phủ trình 2 phương án cả tư nhân và hợp danh, Quốc hội thảo luận và quyết chọn hợp danh.

Đây là một nghề tư pháp, nếu người hành nghề ốm, mất, thì sẽ ảnh hưởng đến khách hàng. “Nếu cho phép mở ra, bung lên số lượng kinh khủng, sẽ không biết quản lý như thế nào”, ông Long lo ngại.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo và chủ trì thẩm tra tiếp tục phối hợp nghiên cứu kinh nghiệm thế giới, làm rõ ưu điểm, nhược điểm của từng phương án, báo cáo rõ, lập luận thuyết phục trong hồ sơ trình Quốc hội tới đây.

Tách bạch quy định để đảm bảo quyền tự do kinh doanh

Góp ý vào Dự thảo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc tiếp tục duy trì thủ tục UBND tỉnh quyết định cho phép thành lập văn phòng công chứng (Nhà nước cấp phép thành lập doanh nghiệp) chưa thực sự phù hợp với nguyên tắc bảo đảm quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp theo Hiến pháp và Luật Doanh nghiệp. Đồng thời, các tổ chức hành nghề công chứng là doanh nghiệp, nhưng không thực hiện đăng ký theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

Do vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị sửa đổi theo hướng tách bạch giữa việc đăng ký thành lập văn phòng công chứng (theo Luật Doanh nghiệp) và việc cấp đăng ký hoạt động công chứng (theo Luật Công chứng). Việc này nhằm tách bạch quyền tự do kinh doanh với nghĩa vụ đảm bảo điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp, tạo sự bình đẳng trong việc thành lập doanh nghiệp phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo điều kiện xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ, thống nhất về doanh nghiệp trên phạm vi cả nước.

Nguyễn Lê

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/doanh-nghiep-tu-nhan-hanh-nghe-cong-chung-tai-sao-khong-d212331.html