Doanh nghiệp tư nhân không muốn lớn hay không thể lớn?

Đây là một trong những câu hỏi khá thú vị dành cho các diễn giả tham dự tọa đàm 'Tạo đà cho doanh nghiệp tư nhân phát triển' do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức sáng 22-11.

Phát biểu tại tọa đàm, PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa - Tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân phát biểu nhấn mạnh, những năm qua, sự phát triển của doanh nghiệp (DN), của nền kinh tế đất nước đạt được nhiều thành tựu ấn tượng không thể không đề cập đến sự đóng góp của các DN trong đó có những doanh nghiệp tư nhân. Chúng ta thấy rằng có nhiều DN tư nhân đã từng bước tự xây dựng thương hiệu, đi lên bằng sản xuất, bằng những sản phẩm của mình đóng góp cho nền kinh tế bằng cách tạo công ăn việc làm, bằng đóng thuế cho Nhà nước và bằng sức lực, trí tuệ của mình góp sức thúc đẩy nền kinh tế phát triển như Vingroup hay Tân Hiệp Phát. Đó là nỗ lực của đội ngũ doanh nhân mà không ai có thể phủ nhận được.

Các đại biểu tham dự tọa đàm

Năm 2017, Hội nghị Trung ương 5 khóa 12 đã ban hành một Nghị quyết quan trọng về kinh tế tư nhân với mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của đất nước; đến năm 2020 đóng góp 50% vào GDP. Việc coi kinh tế tư nhân như là động lực của nền kinh tế chính là sự thừa nhận một thực tế đã diễn ra mấy chục năm đổi mới ở nước ta. Nhưng câu hỏi tiếp theo là làm thế nào để tạo động lực cho kinh tế tư nhân phát triển? Các ý kiến tại tọa đàm tập trung làm rõ vai trò, đóng góp của khối DN tư nhân đối với nền kinh tế; cùng thảo luận và tìm câu trả lời cho câu hỏi: “doanh nghiệp tư nhân không thể lớn hay không muốn lớn – vì sao”? Bên cạnh đó, các ý kiến phân tích về lợi thế của doanh nghiệp tư nhân, về bài học từ những DN đầu đàn. Các chuyên gia kinh tế và các nhà lập pháp trao đổi và phác họa môi trường hay hệ sinh thái cần thiết để doanh nghiệp tư nhân phát triển.

TS Lưu Bích Hồ

Theo TS Lưu Bích Hồ-chuyên gia kinh tế, nếu tính từ năm 2016 - 2018, khu vực tư nhân chiếm bình quân 40,8% tổng vốn so với giai đoạn 2011 - 2015 là có 38,3%. Con số trên đã nói lên cụ thể hơn, rõ ràng hơn động lực của khu vực kinh tế tư nhân trong nền kinh tế đã và đang tiếp tục phát huy ngày càng nhiều hơn, ngày càng quan trọng hơn.

Trong khía cạnh khác, bên cạnh một số DN rất lớn như Vingroup, FLC, Trường Hải, TH TrueMilk, Hòa Phát, đặc biệt là doanh nghiệp Tân Hiệp Phát, là đơn vị rất nổi bật vai trò của mình trong việc cạnh tranh và hội nhập với bên ngoài. Tôi thấy rằng, khu vực kinh tế tư nhân nói chung tham gia thị trường cũng có số vốn không phải chỉ là những doanh nghiệp lớn mà đại bộ phận mới đăng ký là doanh nghiệp vừa và nhỏ thì mỗi năm, vốn bình quân để đăng ký thêm đã tích dần lên. Trước đây, dưới 10 tỷ đồng 1 doanh nghiệp, bây giờ đã lên trên 10 tỷ đồng.

Tuy nhiên, chúng ta cần làm nhiều việc để quy mô lớn hơn nhưng mà để thấy bước tiến không phải chỉ ở DN tư nhân lớn. Còn nhiều vấn đề cần giải quyết, nhưng hướng đi và xu thế thì không phải chỉ là động lực quan trọng mà ngay càng trở thành động lực quan trọng hơn trong sự phát triển của đất nước.

Với câu hỏi: “Thực sự doanh nghiệp tư nhân không thể lớn hay không muốn lớn và vì sao? Bà Trần Uyên Phương- Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát phân tích, ở đây có hai khía cạnh không thể lớn và không muốn lớn. Thứ nhất, vì sao không thể lớn. Theo thống kê của thế giới, các DN trong vòng 5 năm đầu hình thành thì sau 5 năm 95% sẽ thất bại, chỉ sống sót được 5%. Từ 5% đó họ mới tăng trưởng lên 15, 20 năm. Do vậy, số DN hiện nay tồn tại trên 150 năm trên thế giới rất hiếm. Đó là một trong những yếu tố để thấy rằng muốn lớn cũng không thể lớn được vì lý do nguồn lực và năng lực. Tất cả các DN đều bị một giới hạn là người lãnh đạo. Người lãnh đạo có thể phát triển được tới đâu thì DN sẽ tăng trưởng lên tới đó. Người đứng đầu là “cái nóc của cả cái bình”, nếu họ không tự phát triển, không tự thay đổi tư duy thì nó ảnh hưởng đến sự phát triển của DN. Điều đó đồng nghĩa với việc họ sẽ là người kìm hãm DN phát triển.

Bà Trần Uyên Phương- Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát

Riêng đối với Tân Hiệp Phát, để chuẩn bị quá trình thay đổi chúng tôi đã phải làm rất nhiều. Đó là một trong những lý do tôi viết cuốn sách, chúng tôi muốn chia sẻ, chúng tôi muốn học hỏi, để làm sao chúng tôi có thể lớn hơn nữa, làm sao chúng tôi có thể đem một thương hiệu ra thế giới. Nói thì nghe rất đơn giản nhưng để làm được thì rất khó.

Đem một thương hiệu ra thế giới không phải là chuyện đơn giản. Nếu chỉ là xuất khẩu, nếu đơn thuần là mang nước đi bán thì là câu chuyện khác. Nếu thực sự muốn mở rộng đầu tư, mở rộng sản xuất, xây dựng thương hiệu ở những thị trường các DN khác đã tồn tại sẵn rồi. Chưa nói đến chuyện thắng được ở thị trường Việt Nam đã khó, đưa được ra nước ngoài thì vô cùng khó. Bên cạnh những yếu tố như tăng trưởng vốn đầu tư, xây dựng việc làm, còn một yếu tố nữa là phải giới thiệu với thế giới về Việt Nam thông qua những sản phẩm của Việt Nam. Đó chính là người bán hàng hiệu quả nhất.

Đối với Tân Hiệp Phát, trong vòng 5-7 năm vừa qua chúng tôi phải kìm hãm sự tăng trưởng. Lý do chúng tôi kìm hãm sự tăng trưởng vì chúng tôi nhìn thấy bộ máy sắp sửa đến lúc phải được tăng cường năng lực thì mới đi lên được vị trí cao hơn. Đó cũng là một bài toán, khi phát triển đến một mức độ nào đó thì sẽ phải trả lời câu hỏi: năng lực của tổ chưc như thế nào, làm sao để đi lên?

Từ năm 2012, Tân Hiệp Phát đã phải mời chuyên gia nước ngoài và những tổ chức thế giới để xây dựng cho Tân Hiệp Phát một sơ đồ tổ chức. Muốn lên doanh thu 1 tỷ đô thì sơ đồ tổ chức phải như thế nào. Điều này đã tốn của chúng tôi một thời gian khá dài, từ 2012 đến hiện nay, để chúng tôi có thể hiểu, có thể nắm bắt, có thể vận hành làm sao có thể tăng trưởng và xây dựng con người cho phù hợp với năng lực để có thể phù hợp với sơ đồ tổ chức đó; chứ không phải cứ người trong gia đình là sẽ vào được vị trí đó. Đó là những nỗ lực, cam kết rất lớn của DN. Ngoại trừ việc kinh doanh phải có lời, nhưng sau khi có lời, phải làm gì? Tiếp tục đầu tư hay tiếp tục mở rộng, tiếp tục xây dựng….

Ông Tô Hoài Nam- Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam

Còn theo ông Tô Hoài Nam- Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp tư nhân hiện nay đó là có một bộ phận DN có hoài bão rất lớn nhưng ngược lại cũng có một số bộ phận sau khi Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa liên kết và nghiên cứu một số cơ chế bên trong thì thấy rằng cũng chưa hẳn như vậy. DN nhỏ và vừa của Việt Nam có một số bộ phận không nhỏ thành lập DN để thoát nghèo. Về việc DN có muốn lớn hay không thì thấy rằng, hiện nay đại bộ phận DN nhỏ và vừa thì khu vực nào, quy mô nào hoạt động hiệu quả nhất sẽ là câu trả lời mang tính quyết định. Tôi thấy rằng, với quy mô lao động từ 10 - 24 lao động thì hoạt động kinh doanh hiệu quả nhất. Hiệu quả ở 3 đặc điểm, ngoài hiệu quả cho doanh nghiệp còn 2 hiệu quả nữa.

Quan sát cơ chế bên trong thì thấy rằng, muốn lớn, muốn tăng trưởng thì doanh nghiệp đều phải dựa vào một số nền tảng rất quan trọng: Phải dựa vào công nghệ mới và sự sáng tạo; Phải có chiến lược mang tính phù hợp; Phải có đội ngũ cán bộ có năng lực. Đây là 3 yếu tố đồng thời quyết định DN có muốn lớn hay không. 3 yếu tố này không thể một mình làm được, vì vậy nên có muốn lớn được hay không thì phải có thời điểm DN xuất hiện được những yếu tố, nền tảng đó. DN nào tiếp cận được kiểu vốn dễ dàng nhất thì tăng trưởng khá, còn tăng trưởng 5 năm hay 10 năm thực chất được được 3 năm này thôi.

Về cản trở lớn nhất cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, tôi vừa nói khu vực hiệu quả nếu nói theo luật nằm ở khoảng 24 lao động thì một trong những cản trở nhất cần được nhắc đến đó là tính liêm chính của cơ quan thi hành cơ sở. Đây là trở ngại lớn nhất làm cho doanh nghiệp sợ hay không sợ, lớn hay không lớn.

Thái Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/doanh-nghiep-tu-nhan-khong-muon-lon-hay-khong-the-lon-128254.html