Doanh nghiệp tung 'bom tấn', thanh khoản nhà đất cuối năm vẫn khó đột phá

Doanh nghiệp bất động sản đang đẩy mạnh kích cầu nhằm đón mùa mua sắm cuối năm, với hàng loạt chính sách ưu đãi khủng. Tuy nhiên, tâm lý chờ đợi vẫn đè nặng khiến thanh khoản thị trường được dự báo có cải thiện nhưng khó đột phá.

Sau thời gian dài im ắng, các chính sách tháo gỡ của Chính phủ hiện đã bắt đầu ngấm và trở thành “liều doping” cho thị trường địa ốc. Các ông lớn như Vingroup, Nam Long, Masterise Homes, Khang Điền, Hưng Thịnh, Phú Long, Novaland… lần lượt nhập cuộc đua “bung hàng” cuối năm.

Đua kích cầu

Nam Long Group là một trong những doanh nghiệp bung hàng mạnh nhất khi cùng lúc đưa vào giỏ hàng 3 dự án tại TP HCM và Long An. Đáng chú ý, các dự án mở bán của công ty đều có mức giảm 3 - 4 triệu đồng/m2, so với thời điểm đầu quý II, đi kèm với các chính sách vay vốn và thanh toán tốt.

Đơn cử, dự án căn hộ tại Bình Tân, TP.HCM đang được điều chỉnh giá trung bình từ 48 triệu đồng trong quý III, xuống 45 triệu đồng mỗi m2. Cùng với đó, chủ đầu tư hỗ trợ lãi suất 5% kéo dài 24 tháng, chia nhỏ thành nhiều đợt đến khi nhận nhà, mỗi tháng trả lãi và nợ gốc 5 triệu đồng.

Bất chấp nỗ lực kích cầu của chủ đầu tư, thanh khoản địa ốc cuối năm khó bật tăng mạnh (Ảnh minh họa: HN).

Khang Điền cũng công bố đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai đối với dự án The Privia (quận Bình Tân) và tung các chính sách bán hàng linh hoạt. Dự án dự kiến tung ra 1.043 căn hộ.

Trong khi đó, Masterise Homes cho biết thị trường sẽ đón nguồn cung căn hộ mới từ nhiều dự án của doanh nghiệp này bàn giao trong giai đoạn cuối năm 2023 ở Hà Nội và TP.HCM.

Điển hình, với dự án Masteri Centre Point tại khu đô thị Grand Park (TP Thủ Đức), doanh nghiệp này tung chính sách chỉ cần thanh toán 20% là có thể "xách vali vào ở" trong căn hộ vào cuối năm nay, 80% giá trị còn lại sẽ được ngân hàng hỗ trợ cho vay, hưởng lãi suất 0% đến tháng 4/2025.

Chia sẻ với VnBusiness, ông Lâm, đại diện chủ đầu tư một dự án quy mô 560 căn hộ kèm shophouse tại TP.HCM, cho hay mùa gặt cuối năm đang đến và nhiều doanh nghiệp đang chạy đua để hút khách với những ưu đãi lớn cả về giá và chính sách thanh toán, với kỳ vọng đón được dòng tiền đáo hạn.

“Chúng tôi đang nỗ lực hoàn thiện pháp lý cho dự án. Chậm nhất đến cuối tháng 11 này sẽ tung sản phẩm ra thị trường. Dự kiến, trong tuần đầu mở bán, khách hàng trả trước 90% giá trị sẽ được chiết khấu 25%, vào ở ngay. Với khách hàng vay 70% mua nhà sẽ được hỗ trợ lãi suất 0% trong 2 năm đầu. Các chi phí về quản lý, bãi đỗ xe... cũng sẽ được ưu tiên hết mức”, vị đại diện doanh nghiệp nói.

Thanh khoản có đột biến?

Có thể thấy, sau khi tín dụng nhà băng dần được khơi thông, dòng tiền chảy vào các dự án nhanh hơn, cùng với việc các doanh nghiệp lớn bắt đầu vào chặng nước rút, nguồn cung bất động sản được dự báo sẽ được cải thiện đáng kể vào cuối năm 2023, kéo dài sang năm 2024.

Tuy nhiên, có một điều dễ thấy là nguồn cung nhà ở đa số vẫn thuộc phân khúc trung và cao cấp. Báo cáo của DKRA Việt Nam cho biết trong giai đoạn cuối năm, căn hộ hạng sang vẫn tiếp tục giữ vị thế chủ đạo trong nguồn cung tại TP.HCM. Phân khúc căn hộ hạng B và C chỉ có tại các tỉnh giáp ranh.

Cùng với đó, theo DKRA, giá sơ cấp sẽ tiếp tục neo ở mức cao trước áp lực các chi phí đầu vào, tuy nhiên người mua được hưởng lợi từ các chính sách thanh toán giãn cách, chiết khấu thanh toán vượt tiến độ, hỗ trợ vay ngân hàng từ phía chủ đầu tư nhằm kích cầu thị trường.

Chính bởi nguồn cung nhà giá rẻ thấp cùng với giá bán neo cao nên các nghiên cứu thị trường đều dự báo thanh khoản cuối năm có thể được cải thiện song khó có đột biến. Đặc biệt trong bối cảnh tâm lý chờ đợi của khách hàng và nhà đầu tư vẫn còn rất nặng nề.

Anh Hoàng Tiến Dũng, một “siêu cò” có kinh nghiệm gần 15 năm bán căn hộ tại khu Đông TP.HCM cho hay, tâm lý chờ đợi của khách hàng vẫn đang chi phối những nỗ lực vực dậy thanh khoản của doanh nghiệp, khiến nhiều chủ đầu tư buộc phải xoay xở đủ mọi cách để bán hàng.

“70% khách hàng của chúng tôi dù đã chuẩn bị sẵn tiền để mua nhà nhưng vẫn có tâm lý chờ thêm để xem xét tình hình. Một phần là đợi lãi suất vay mua nhà giảm sâu hơn, một phần đợi thêm các chính sách ưu đãi từ doanh nghiệp. Nhiều khả năng, phải bước sang giữa quý I/2024, thanh khoản mới thực sự khởi sắc trở lại”, anh Dũng phân tích.

Đáng chú ý, theo anh Dũng, có khách hàng của anh còn đề nghị chủ đầu tư chiết khấu bao nhiêu thì nên giảm ngay vào hợp đồng gốc ban đầu để lấy lại lòng tin. Có một thực tế là có một số chủ đầu tư tung các “chiêu” hỗ trợ lãi suất, nhưng giữa đường “lật kèo”, khiến người mua thiệt đơn thiệt kép.

Ở góc nhìn chuyên gia, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS, cũng đồng tình rằng niềm tin của khách hàng chính là điều kiện tiên quyết giúp thanh khoản thị trường hồi phục nhanh hay chậm. Cùng với đó là các chính sách gỡ khó pháp lý, dòng tiền cho doanh nghiệp nhằm tăng nguồn cung, hạ giá bán.

“Thanh khoản sẽ bật tăng khi niềm tin được củng cố, lãi suất giảm tiệm cận về mức giai đoạn dịch, nguồn cung đa dạng và phù hợp hơn. Với doanh nghiệp, đã đến lúc bỏ tư duy siêu lợi nhuận, các đơn vị cần sản phẩm tốt, đủ pháp lý, giá hợp lý mới có thể phát triển bền vững”, ông Đính nhấn mạnh.

Hưng Nguyên

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//toan-canh/doanh-nghiep-tung-apos-bom-tan-apos-thanh-khoan-nha-dat-cuoi-nam-van-kho-dot-pha-1096696.html