Doanh nghiệp vẫn 'loay hoay' với sản xuất thông minh

Sản xuất thông minh là việc ứng dụng công nghệ số hóa vào hoạt động sản xuất, tạo nên một hệ thống sản xuất thông minh hơn, tự ra quyết định trong các điều kiện phức tạp nhằm tăng năng suất và chất lượng. Vì thế, các DN Việt Nam đều đang nỗ lực, tìm kiếm giải pháp để chuyển đổi.

Nhiều DN đã chú trọng đầu tư công nghệ thông minh vào sản xuất, kinh doanh. Ảnh: H.Dịu.

Nhiều DN đã chú trọng đầu tư công nghệ thông minh vào sản xuất, kinh doanh. Ảnh: H.Dịu.

Nỗ lực tiếp cận công nghệ

Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo nên cuộc cải cách đáng kể về công nghệ sản xuất. Trong đó, các nhà máy thông minh với các công nghệ đột phá làm thay đổi phương thức làm việc truyền thống, tạo ra nhiều sản phẩm mới với chất lượng và hiệu quả khác biệt, vượt trội.

Theo bà Phạm Thị Hương, Giám đốc Công ty cổ phần Chế tạo máy Autotech Việt Nam, nhà máy thông minh (Smart Factory) là sự tiến hóa vượt bậc từ một hệ thống sản xuất tự động hóa truyền thống sang một hệ thống sản xuất được kết nối và linh hoạt. Với tự động hóa công nghiệp, một nhà máy sản xuất có thể hoạt động liên tục 24/24 trong suốt 365 ngày. Điều này sẽ làm tăng đáng kể năng suất sản xuất trong các nhà máy so với việc sử dụng sức lao động con người. Ngoài ra, việc thu thập thông tin tự động có thể hỗ trợ các DN trong việc lấy được thông tin quan trọng từ sản xuất, tăng độ chính xác của dữ liệu và cắt giảm chi phí thu thập dữ liệu.

Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chia sẻ, EVN đã nghiên cứu, ứng dụng mạnh mẽ, triệt để và hiệu quả công nghệ số, công nghệ thông tin và tự động hóa (bao gồm nhưng không giới hạn ở IoT, AI, Big data, Blockchain,..) vào hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN. Theo đó, các nhà máy thủy điện mới xây dựng đã trang bị công nghệ mới như theo dõi trạng thái vận hành thiết bị theo điều kiện thực tế thiết bị (condition-based) và sửa chữa bảo dưỡng hướng tới độ tin cậy (reliability-centered maintenance). Các nhà máy nhiệt điện gần đây đã sử dụng thiết bị đo lường điều khiển tiên tiến phục vụ vận hành và bảo dưỡng, sửa chữa như theo dõi thông số, trạng thái vận hành liên tục như độ rung, nhiệt độ, áp suất,... các thiết bị chính.

Ông Lâm cũng cho biết, đến tháng 5/2019, tổng số công tơ điện tử đã lắp đặt và thu thập dữ liệu đo đếm từ xa trên toàn hệ thống là hơn 12,3 triệu chiếc, đạt tỷ lệ 44.8%. Hệ thống đo xa sử dụng công tơ điện tử giúp nâng cao năng suất lao động trong khâu ghi chỉ số công tơ, phát hiện sớm tình trạng hoạt động bất thường của hệ thống, góp phần giảm tổn thất điện năng. EVNHANOI thuộc EVN đã nghiên cứu, triển khai hệ thống Chatbot trả lời tự động cho hệ thống Chăm sóc khách hàng của Tổng công ty. Tất cả các đơn vị trực thuộc EVN đã được triển khai hệ thống Quản lý nguồn lực DN (ERP), giúp cho việc quản trị trong lĩnh vực tài chính, kế toán, vật tư tài sản trở nên dễ dàng…

Bên cạnh việc tự tìm ra giải pháp cho sản xuất thông minh, nhiều DN còn tập trung vào phát triển giải pháp cho sản xuất thông minh, cung cấp cho các DN. Đơn cử như Công ty cổ phần Công nghệ Thông tin Địa lý EK (eKGIS) đã phát triển và cung cấp giải pháp ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) cho ngành cấp nước nhằm hỗ trợ trong việc đọc chỉ số và tình trạng đồng hồ nước từ ảnh chụp, hỗ trợ chăm sóc khách hàng, phân tích lưu lượng, áp lực… Theo ông Đặng Quang Vũ, Giám đốc công nghệ của eKGIS, những giải pháp này tuy có thể không giảm chi phí cho DN, nhưng lại giúp DN tiết giảm thời gian và nhân lực với sự chính xác và hiệu quả cho hoạt động kinh doanh.

Còn khó khăn

Tuy có những DN thành công tiêu biểu như trên, nhưng thực tế cho thấy, phần lớn DN tại Việt Nam hiện vẫn đang "loay hoay" trong công cuộc chuyển đổi số. Nguyên nhân do số lượng DN nhỏ và vừa chiếm tỷ lệ tới hơn 90%, việc chuyển đổi sẽ còn nhiều khó khăn, thậm chí không ít DN ngại chuyển đổi. Theo một kết quả khảo sát của Bộ Công Thương, có tới 61% DN Việt Nam còn đứng ngoài cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Theo lãnh đạo Autotech, có một thực tế rằng, phần lớn DN tại Việt Nam lại chưa thực sự chuẩn bị đầy đủ, chưa quan tâm đầu tư, ứng dụng những công nghệ mới, máy móc tự động hóa vào trong quá trình sản xuất theo công nghệ hiện đại. Hiện, năng suất lao động ở nước ta thấp so với các nước trong khu vực, trình độ công nghệ thấp, máy móc thuộc thế hệ cũ, nguồn nhân lực hầu hết vẫn chưa qua đào tạo. Do đó, các ngành sản xuất đang có những áp lực, sức ép rất lớn và phải thay đổi và thích ứng với các xu hướng mới.

Các giải pháp cho sản xuất thông minh đòi hỏi tính kỹ thuật rất cao, mất nhiều thời gian xử lý. Ông Hà Minh Hiệp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng, DN phải hiểu được vấn đề để quyết tâm đầu tư, làm mới mình. Sau đó, DN phải tìm tòi, nghiên cứu các mô hình sản xuất thông minh phù hợp với DN của mình, chú trọng tích hợp công nghệ số hóa và nâng cao trình độ cho người lao động. Trên cơ sở hiện trạng của mình, DN phải tự xây dựng kế hoạch để thúc đẩy sản xuất thông minh ở DN mình thông qua các nhóm chỉ số, cải thiện các nhóm chỉ số.

Minh Chi

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/doanh-nghiep-van-loay-hoay-voi-san-xuat-thong-minh-113054-113054.html