Doanh nghiệp vận tải kêu trời vì 'khủng hoảng' đăng kiểm

Báo chí những ngày gần đây đưa tin hàng chục ngàn phương tiện vận tải phải nằm bãi với lý do không thể đăng kiểm đúng hạn. Hàng loạt cán bộ lãnh đạo và đăng kiểm viên của nhiều trung tâm đăng kiểm trên cả nước bị bắt đã dẫn đến tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng khiến hoạt động đăng kiểm xe cơ giới bị ùn tắc kéo dài.

Chậm chạp và lúng túng trong xử lý khủng hoảng

Hành vi tiêu cực, tham nhũng vặt trong lĩnh vực đăng kiểm đã kéo dài nhiều năm nay gây bức xúc cho chủ các phương tiện vận tải đường bộ, đặc biệt là các phương tiện vận tải hàng hóa. Cho đến khi những hành vi này bị phát giác và hàng loạt cán bộ ngành đăng kiểm bị bắt thì ngành đăng kiểm phải đương đầu với vấn nạn thiếu hụt nguồn nhân lực nghiêm trọng.

Vấn đề là Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT), mà trực tiếp là Cục Đăng kiểm, quá chậm chạp trong việc xử lý khủng hoảng dẫn đến ách tắc và thiệt hại cho các doanh nghiệp vận tải nói riêng và chuỗi cung ứng nói chung. Lẽ ra với hệ thống thông tin quản lý trên hệ thống, Cục Đăng kiểm phải biết được chính xác số lượng xe đến hạn đăng kiểm hàng tháng, hàng quý và đối chiếu với nguồn nhân lực còn lại sau khủng hoảng để điều chỉnh chính sách kịp thời và đưa ra các biện pháp phòng ngừa khủng hoảng.

Tuy nhiên, các biện pháp mà Bộ đưa ra là chậm chạp, lúng túng. Điển hình như Thông tư 02/2023/TT/BGTVT đề xuất cho phép các phương tiện vận tải được kéo dài chu kỳ đăng kiểm nhưng chỉ áp dụng cho chu kỳ đăng kiểm mới, các phương tiện vận tải sắp đến hạn vẫn phải đi khám đăng kiểm. Đến khi tình trạng ách tắc này kéo dài và do áp lực dư luận cũng như kiến nghị của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA) và Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) lên Thủ tướng Chính phủ thì Bộ GTVT mới đồng ý cho ô tô dưới 9 chỗ không kinh doanh vận tải được tự động kéo dài chu kỳ đăng kiểm theo quy định mới.

Trung tâm đăng kiểm 50 - 03S ở TP. Thủ Đức (TP.HCM) những ngày qua vẫn trong tình trạng ùn ứ. Ảnh Chinh Hoàng

Trung tâm đăng kiểm 50 - 03S ở TP. Thủ Đức (TP.HCM) những ngày qua vẫn trong tình trạng ùn ứ. Ảnh Chinh Hoàng

Tương tự, Bộ GTVT cũng đang chậm chạp trong việc triển khai lấy ý kiến các bộ ngành liên quan về việc sửa đổi Nghị định 139/2018/NĐ-CP cho phép các trung tâm bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô của các hãng xe được tham gia kiểm định xe cơ giới. Nếu Nghị định 139 sửa đổi này được ban hành sớm sẽ bổ sung nguồn nhân lực và trang thiết bị rất lớn cho công tác đăng kiểm, đồng thời phá vỡ thế độc quyền trong hoạt động đăng kiểm.

Thực tế hiện nay, các trung tâm bảo hành, bảo dưỡng của các hãng xe có đầy đủ phương tiện, thiết bị và nhân lực để kiểm định xe. Nếu các trung tâm bảo hành, bảo dưỡng này tham gia kiểm định xe cơ giới sẽ giảm bớt phiền hà và thời gian cho các chủ phương tiện vì có thể thay thế phụ tùng hoặc sửa chữa tại chỗ nếu các phương tiện khám không đạt yêu cầu, không phải mang xe đi sửa chữa, thay thế ở các địa điểm khác sau đó mới quay lại trung tâm đăng kiểm để tái khám như lâu nay.

Chính việc lúng túng trong xử lý khủng hoảng đã dẫn đến các trung tâm đăng kiểm đều quá tải, hàng chục ngàn phương tiện phải “đắp chiếu” chờ kiểm định, gây thiệt hại đáng kể cho các doanh nghiệp vận tải trên cả nước. Các doanh nghiệp vận tải phải đối diện với nguy cơ bị khách hàng phạt hợp đồng do không bảo đảm tiến độ và khối lượng hàng. Phần lớn các hợp đồng vận tải đều ràng buộc chủ phương tiện phải đảm bảo giấy tờ đăng kiểm và còn hạn hiệu lực nên khi khủng hoảng đăng kiểm xảy ra, chủ các doanh nghiệp vận tải khó có thể miễn trừ trách nhiệm. Tuy rằng khủng hoảng đăng kiểm là lỗi của cơ quan nhà nước nhưng có lẽ các doanh nghiệp vận tải cũng khó vận dụng điều khoản “bất khả kháng” để tránh các khoản tiền phạt và đền bù.

Cần giải pháp kịp thời để ngăn tác động xấu đến nền kinh tế

Cuộc khủng hoảng về đăng kiểm nếu kéo dài sẽ làm suy kiệt các doanh nghiệp vận tải và tác động lớn đến chuỗi cung ứng. Nếu các doanh nghiệp vận tải không hoạt động được vì vướng thủ tục đăng kiểm sẽ gây đứt gãy chuỗi cung ứng, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp sản xuất, thương mại, xuất nhập khẩu nói riêng và nền kinh tế nói chung. Vì vậy, Chính phủ cần có các giải pháp nhanh chóng, kịp thời để giảm thiểu tác động tiêu cực.

Trước hết, Bộ GTVT cần nhanh chóng thu thập ý kiến các bộ ngành có liên quan để ban hành ngay Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 139/2018/NĐ-CP, trong đó ưu tiên cho phép các trung tâm bảo hành, bảo dưỡng của các hãng xe được phép tham gia kiểm định xe cơ giới. Việc này sẽ có tác động nhanh chóng vì hiện nay các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng đang có sẵn nguồn nhân lực và trang thiết bị đáp ứng được hoạt động kiểm định, không cần phải mất thời gian, kinh phí đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực.

Hoạt động lấy ý kiến các bộ ngành liên quan cần quyết liệt như chỉ đạo của Thủ tướng: đến thời hạn mà các bộ ngành có liên quan không trả lời xem như đồng ý. Bộ cần chủ động trong phạm vi thẩm quyền của mình để trình Chính phủ có thể ban hành Nghị định sửa đổi này sớm nhất.

Ô tô tải xếp hàng dài chờ đến lượt đăng kiểm tại trung tâm 50-07V quận Bình Tân (TP.HCM) trung tuần tháng 4 vừa qua. Ảnh: Vietnamnet

Về chu kỳ đăng kiểm xe cơ giới, mặc dù Thông tư 02 đã kéo dài thêm thời hạn đăng kiểm, tuy nhiên so với một số nước, các chu kỳ đăng kiểm theo quy định hiện này vẫn còn nhiều và chưa phân biệt rõ các loại hình phương tiện.

Cụ thể, nên nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước chỉ quy định 2 loại chu kỳ đăng kiểm: 2 năm đối với các phương tiện vận tải không kinh doanh, 1 năm đối với các phương tiện vận tải có kinh doanh hoặc phương tiện vận tải công cộng. Nếu áp dụng quy định này sẽ giảm bớt số lần kiểm định, dẫn đến giảm áp lực lên hệ thống đăng kiểm. Thực tế các phương tiện cá nhân (không kinh doanh) luôn được bảo dưỡng tốt hơn các phương tiện kinh doanh và phương tiện vận tải công cộng cần được kiểm định nhiều hơn vì liên quan đến sinh mạng, an toàn của nhiều người.

Chính phủ cần có chỉ đạo sự phối hợp nhịp nhàng giữa cơ quan đăng kiểm và cơ quan Cảnh sát giao thông về vấn đề xử lý xe quá hạn đăng kiểm lưu thông trên đường, phục vụ công tác khám đăng kiểm. Thực tế cuộc khủng hoảng đăng kiểm lần này là do bất khả kháng từ cơ quan quản lý nhà nước nên các trường hợp phương tiện đã đăng ký nhưng chưa khám được sẽ được phép lưu hành từ bãi xe đến nơi khám, đồng thời quy định hạn chế tốc độ của các phương tiện này để đảm bảo an toàn.

Thực tế hiện nay các loại xe nhập khẩu, quá cảnh hoặc mới xuất xưởng vẫn được cấp phép đăng ký/lưu hành tạm thời từ xưởng, cảng biển đến nơi khám lưu hành. Dịch vụ này hiện đã tích hợp trên cổng dịch vụ công quốc gia nên thủ tục cũng đơn giản, nhanh chóng. Giải pháp này sẽ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải trong việc lưu hành trên đường, giảm chi phí thuê xe chuyên chở hoặc kéo phương tiện từ bãi xe đến nơi đăng kiểm.

TS. Võ Duy Nghi - Viện Quản trị và công nghệ FSB, Đại học FPT

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/doanh-nghiep-van-tai-keu-troi-vi-khung-hoang-dang-kiem-39630.html