Doanh nghiệp vận tải mong chờ hỗ trợ

Hoạt động trở lại sau thời gian dài phải tạm nghỉ vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, các doanh nghiệp vận tải hành khách liên tỉnh lao đao vì tình trạng vắng khách, trong khi xăng dầu liên tục biến động theo xu hướng tăng giá khiến càng chạy càng lỗ. Các phương án miễn, giảm thuế, phí, ưu tiên đẩy nhanh việc tiêm vắc xin cho lái, phụ xe… đang là mong mỏi từ phía các doanh nghiệp vận tải.

Các xe khách hoạt động tại Bến xe Giáp Bát (quận Hoàng Mai) đều vắng khách. Ảnh: Tuấn Khải

Khách đi xe lác đác

Kể từ ngày 20-10, Hà Nội mở lại hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh theo đúng tinh thần “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” như các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Giao thông - Vận tải. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànôịmới, hơn 1 tháng qua, tình hình chung tại các bến xe lớn của thành phố là vô cùng đìu hiu. Chiều 26-11 và sáng 27-11, dù là ngày cuối tuần, theo thông lệ sẽ rất nhộn nhịp các chuyến xe đưa, đón khách về quê nhưng tại Bến xe Giáp Bát chỉ có khoảng 70 xe đi các tỉnh đang chờ khách, bằng 1/3 so với ngày bình thường. Trên mỗi xe lác đác có vài khách. Thậm chí có xe chờ cả tiếng đồng hồ, đến giờ phải xuất bến, vẫn không có khách nào. Theo Giám đốc Bến xe Giáp Bát Nguyễn Tất Thành, hiện lượng xe vào bến chỉ bằng khoảng 10%, tương đương với 100 phương tiện và 500 khách/ngày. Nhiều nhà xe đăng ký nhưng không hoạt động hoặc hoạt động cách nhật, các xe khách hoạt động ở bến đều vắng khách.

Trong khi đó, tại Bến xe Mỹ Đình, lái xe Đoàn Minh Thành, nhà xe Bắc Sơn chạy tuyến Hà Nội - Sơn La cho biết, suốt 1 tháng nay, anh và nhiều đồng nghiệp luôn trong tình cảnh mỗi chuyến chỉ có vài ba hành khách. Đã vậy, giá xăng dầu liên tục tăng cao thời gian qua khiến hoạt động vận tải đã khó càng thêm khó. Không chạy thì không có việc, nhưng càng chạy càng lỗ.

Nhiều hành khách cũng thông cảm với tình trạng các bến xe, nhà xe lâm cảnh đìu hiu sau quãng thời gian dài tạm dừng hoạt động. “Trước đây tôi rất khó chịu trước cảnh nhiều xe “nhồi” khách, đặc biệt là vào các dịp cuối tuần, lễ Tết. Nhưng dịch Covid-19 khiến cho tất cả lao đao. Biết là đi xe vắng sẽ giảm nguy cơ lây nhiễm dịch nhưng nhìn cảnh xe có vài khách cũng thấy xót xa” - anh Nguyễn Gia Toàn, số 100 ngõ Hòa Bình 7, quận Hai Bà Trưng chia sẻ.

Mong mỏi sự "tiếp sức"

Theo báo cáo mới nhất của Phòng Quản lý vận tải (Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội), từ ngày 21-10 đến 21-11, tại 5 bến xe lớn của thành phố là Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm, Nước Ngầm và Yên Nghĩa có 22.010 chuyến xe hoạt động, vận chuyển 105.808 lượt khách. Để bảo đảm các yêu cầu về phòng, chống dịch, Sở đã yêu cầu các bến xe kiểm tra, đối chiếu danh sách hành khách đến Hà Nội; ghi chép đầy đủ thông tin hành khách và cung cấp cho cơ quan chức năng khi có yêu cầu.

Khẳng định tuân thủ nghiêm các yêu cầu của cơ quan chức năng trong hoạt động vận tải hành khách, song nhiều nhà xe cũng mong muốn nhận được sự "tiếp sức" từ phía Nhà nước để vượt qua khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh kéo dài cũng như giá xăng dầu liên tục biến động theo chiều hướng tăng như hiện nay. Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải thương mại và dịch vụ Đất Cảng (nhà xe chuyên chạy tuyến Hà Nội - Hải Phòng) Khúc Hữu Thanh Hải cho hay: “Một vòng xe từ Hà Nội đi Hải Phòng và ngược lại mất 700.000 đồng phí qua trạm BOT, xăng dầu 1,5 triệu đồng. Nếu một chuyến xe có 10 hành khách thì không đủ trả hai loại chi phí này. Đó là chưa kể lương lái xe, lãi vay ngân hàng, khấu hao tài sản, chi phí hoạt động doanh nghiệp, giá xăng dầu tăng, khiến doanh nghiệp không cầm cự được”.

Chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Đào Việt Long cho biết, Sở đã kiến nghị thành phố nhiều giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp, như: Giảm phí dịch vụ bến bãi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động để vận tải hành khách dần trở lại trạng thái ổn định.

Cùng với đó, Sở đã chủ động điều chỉnh, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính từ 5 ngày xuống còn 4 ngày đối với thủ tục cấp mới giấy phép kinh doanh vận tải; kịp thời kiến nghị các cấp, ngành thành phố ưu tiên tiêm vắc xin cho lái, phụ xe kinh doanh vận tải; có chính sách hỗ trợ lãi vay tại các tổ chức tín dụng; xem xét miễn, giảm hoặc kéo giãn thời gian đóng phí bảo trì đường bộ đối với các đơn vị kinh doanh vận tải; xem xét giảm thuế hoặc kéo giãn thời gian đóng thuế…

Cũng nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, mới đây, Bộ Giao thông - Vận tải đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục giảm phí sử dụng đường bộ đến hết ngày 30-6-2022 đối với xe ô tô kinh doanh vận tải, thêm 6 tháng so với quy định hiện nay.

Được biết, theo quy định của Bộ Tài chính, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa, hành khách được giảm phí sử dụng đường bộ hằng tháng, trong thời gian từ ngày 10-8-2020 đến 31-12-2021. Mức giảm là 10% đối với xe kinh doanh vận tải hàng hóa, 30% đối với xe kinh doanh vận tải hành khách (tính trên mức phí phải nộp mỗi tháng).

Tuấn Lương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/1018668/doanh-nghiep-van-tai-mong-cho-ho-tro