Doanh nghiệp Việt bỏ nhiều cơ hội vì thiếu liên kết

Hiện sự kết nối giữa các hội ngành nghề ở TP HCM còn rất yếu, Sở Công Thương cần có vai trò hơn trong việc kết nối hoạt động này

Kể câu chuyện giải quyết công nghệ cho ngành nuôi tôm trong 2 năm và phát hiện để có công nghệ tốt cho ngành này cần sự tham gia của hơn 40 lĩnh vực khoa học - công nghệ, ông Phạm Ngọc Tuấn, Hội Khoa học Kỹ thuật Cơ khí TP HCM, nhìn nhận đã đến lúc doanh nghiệp (DN) các ngành cần liên kết với nhau để cung ứng sản phẩm cho nhau, mới hy vọng đột phá.

Hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp cần sự liên kết mạnh mẽ hơn để mang lại hiệu quả cao Ảnh: TẤN THẠNH

Hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp cần sự liên kết mạnh mẽ hơn để mang lại hiệu quả cao Ảnh: TẤN THẠNH

Năm 2001, ông Tuấn là người chấp bút chiến lược phát triển ngành cơ khí và dệt may TP HCM theo chương trình xây dựng chiến lược phát triển 16 ngành của TP HCM. Khi tìm hiểu ngành dệt may Trung Quốc để viết chiến lược, ông phát hiện 80% máy móc, thiết bị do DN của họ cung ứng, ông Tuấn cho rằng ngay từ thời điểm đó DN Việt Nam đã làm ngược. Toàn bộ máy móc của các ngành đều phải nhập, thậm chí nhập cả nguyên vật liệu. "Lúc đó, các ngành xây dựng chiến lược phát triển nhưng không ngành nào đặt vấn đề liên kết hợp tác với ngành nào. Không ai đặt ra ngành dệt may cần máy móc, thiết bị gì, ngành gỗ cần công nghệ gì để DN trong nước làm và cung ứng cho nhau. Giờ đã đến lúc thay đổi, giữa kinh doanh và công nghệ bắt tay hành động, cùng nhau làm ăn và cùng nhau phát triển" - ông Tuấn đề xuất.

Ý kiến của ông Tuấn nhận được sự đồng thuận cao từ các hội ngành nghề tại buổi làm việc với Sở Công Thương TP HCM về công tác quản lý nhà nước đối với các tổ chức hội năm 2018 diễn ra chiều 9-1. Theo các DN, hoạt động kết nối giữa các hội ngành nghề hiện còn rất yếu. Vì vậy, trong năm 2019, các hội mong muốn kết nối sâu hơn và có sự tham gia của Sở Công Thương.

Đại diện Hội Dây và Cáp điện TP HCM nêu thực trạng phần lớn máy móc làm dây, cáp điện là nhập khẩu, Việt Nam có sản xuất nhưng không đáng kể và không cạnh tranh được. "Tôi đã liên hệ Hội DN Cơ khí - Điện TP HCM đặt vấn đề hợp tác, rủ DN cơ khí đi xem triển lãm dây, cáp điện quốc tế và tìm hiểu máy móc làm dây cáp điện nhưng không DN cơ khí nào tham gia. Họ đã bỏ qua cơ hội rất lớn" - vị đại diện này nêu thực tế. Tương tự, Hội Mỹ nghệ Kim hoàn TP HCM cũng bày tỏ mong muốn giao lưu hợp tác với hội chế biến đồ gỗ, may thêu, da giày, cơ khí... để phát triển hoạt động và hỗ trợ lẫn nhau.

Tại buổi làm việc, các DN là đại diện hội ngành nghề cũng bày tỏ trăn trở về việc làm sao cho DN lĩnh vực mình nói riêng và cộng đồng DN TP HCM nói chung lớn mạnh hơn. Ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su Nhựa TP HCM, cho rằng con số 30 DN được vay vốn kích cầu đầu tư do Sở Công Thương TP HCM thống kê còn quá ít so với tổng số hơn 300.000 DN đang hoạt động trên địa bàn. "DN có nhu cầu vay vốn kích cầu không ít, ngân sách TP dành cho chương trình này không thiếu, vấn đề là giải pháp nào để tăng số lượng DN được hỗ trợ vay vốn kích cầu. Không phải 30 mà là 50 và nhiều hơn nữa" - ông Quốc Anh đề nghị.

Ông Nguyễn Văn Dư, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ Kim hoàn TP HCM, đề nghị nên có cơ chế phối hợp hỗ trợ DN. Cơ chế đó sẽ là cơ sở để Sở Công Thương nắm bắt bức xúc của các DN, hiệp hội hiện nay để giải quyết kịp thời.

Các hội cũng kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành trung ương có giải pháp giảm chi phí vận chuyển để tăng sức cạnh tranh cho DN. Song song đó, khi ban hành các chính sách, văn bản pháp luật cần triển khai đồng bộ và sớm có thông tư hướng dẫn cụ thể, chi tiết, kịp thời để giúp DN nắm bắt cũng như dễ dàng thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Đồng thời, triển khai đồng bộ, hiệu quả hơn công tác cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện thể chế, hoàn thiện môi trường kinh doanh và xuất khẩu…

Tính đến cuối năm 2018, Sở Công Thương TP HCM quản lý 24 tổ chức hội cấp TP, gồm 21 hội, 2 hiệp hội và 1 CLB với tổng cộng 13.395 hội viên.

Thanh Nhân

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/kinh-te/doanh-nghiep-viet-bo-nhieu-co-hoi-vi-thieu-lien-ket-20190109210111051.htm