Doanh nghiệp Việt đang 'ngồi trên đống vàng'

Doanh nghiệp Việt Nam được đánh giá là 'ngồi trên đống vàng' với thị trường hơn 90 triệu dân, niềm mơ ước của không ít doanh nghiệp nước ngoài. Vậy nhưng, thị trường này lại bị bỏ ngỏ một thời gian dài.

Thị trường nội địa tiềm năng cần được khai thác một cách nghiêm túc. Ảnh minh họa: Minh Tâm

Ông Ngô Chung Khanh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, thành viên đoàn đàm phán Chính phủ tại Diễn đàn Hội nhập Kinh tế Quốc tế TPHCM với chủ đề "Tạo thuận lợi thương mại và nâng cao năng lực cạnh tranh" diễn ra hôm nay, 8-11 đã chia sẻ một câu chuyện nhỏ. Ông kể, khi lãnh đạo Chính phủ làm việc với người đồng cấp của nước ngoài thì được nhận xét rằng, Việt Nam đang ngồi trên đống vàng. Đống vàng ở đây chính là thị trường hơn 90 triệu dân.

Vậy nhưng, theo ông Khanh, dường như các doanh nghiệp Việt Nam lại quên đi thị trường nội địa tiềm năng này. “Các doanh nghiệp bỏ ngỏ một thời gian dài khi nhà nhà, người người xuất khẩu”, ông Khanh nhận xét.

Và trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ càng rõ nét, hàng rào kỹ thuật các nước tăng lên khi hàng rào thuế quan cắt giảm theo các hiệp định thương mại tự do (FTA) thì nên quay về thị trường trong nước. Với các FTA, do vậy, đừng chỉ nhìn bên ngoài mà cần nhìn cả bên trong. Bởi lẽ, theo ông Khanh, các FTA giúp chính sách quản lý tốt hơn, dễ đoán hơn và người tiêu dùng thì ngày càng thu nhập tốt hơn.

Cũng theo ông Khanh, các FTA mang lại nhiều cơ hội nhưng chắc chắn cũng tạo ra sự cạnh tranh. Đây là sức ép để các doanh nghiệp thay đổi mình và cũng không nên lo ngại quá mức.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM cho biết, các từ ngữ, điều khoản trong các FTA rất hàn lâm so với doanh nghiệp. Do vậy, các doanh nghiệp cần các cơ quan quản lý hỗ trợ thông tin với từng ngành hàng riêng biệt.

Đặc biệt, một trong những cách để tận dụng được các cơ hội mà FTA mang lại, theo ông Khanh là sự chủ động của doanh nghiệp. Đây là một vấn đề được đề cập nhiều trong thời gian vừa qua nhưng tính chủ động của doanh nghiệp Việt Nam vẫn rất hạn chế, từ việc tìm hiểu các cam kết đến các cơ hội kinh doanh.

Liên quan đến hàng rào kỹ thuật mà các nước có xu hướng dựng lên ngày càng nhiều như thuế chống bán phá giá, tiêu chuẩn kỹ thuật… Các nước sử dụng công cụ này rất tài tình, khéo léo. Và theo ông Khanh, đó là chuyện tự nhiên trong thương mại quốc tế và phải chấp nhận.

Trong khi đó, nhìn một cách thẳng thắn thì Việt Nam lại chưa có kinh nghiệm trong việc xây dựng hàng rào kỹ thuật, công cụ bảo hộ như vậy. Các quy định của Việt Nam dù chính đáng nhưng lại đang bị các nước kêu rất nhiều do cách thức xây dựng, thông báo không hợp chuẩn.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM cho biết, các từ ngữ, điều khoản trong các FTA rất hàn lâm so với doanh nghiệp. Do vậy, các doanh nghiệp cần các cơ quan quản lý hỗ trợ thông tin với từng ngành hàng riêng biệt.

Với việc dựng lên hàng rào kỹ thuật để bảo hộ doanh nghiệp trong nước hay người tiêu dùng, bà Chi cho rằng, việc này cần có kinh nghiệm từ các tiêu chuẩn, cách thông báo… Bởi đó là nội dung sống còn với doanh nghiệp.

“Vừa qua, doanh nghiệp lương thực thực phẩm chúng tôi nhận được công văn về việc ngừng nhập khẩu lúa mỳ do có cỏ lạ. Vụ việc sau đó đã được giải quyết nhưng vẫn có hệ quả. Chúng tôi đã tiếp cơ quan chức năng của Mỹ đến làm việc và họ nói rằng khi lập hàng rào kỹ thuật thì phải rõ ràng, thông báo cụ thể. Họ thì đang tạo điều kiện cho trái vú sữa của Việt Nam vào Mỹ”, bà Chi kể.

Minh Tâm

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/281386/doanh-nghiep-viet-dang-ngoi-tren-dong-vang.html