Doanh nghiệp Việt đầu tư ra nước ngoài: Vui thì vui nhưng...

Lo ngại rửa tiền thông qua hoạt động đầu tư ra nước ngoài là có cơ sở. Chuyên gia cho rằng cần có giải pháp kiểm soát, ngăn chặn triệt để.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2021, tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam được cấp mới và tăng thêm đạt 545,9 triệu USD, tăng 7,9 lần so với cùng kỳ năm 2020.

Điều đáng nói là, xu hướng chọn lĩnh vực đầu tư của doanh nghiệp Việt đã có sự thay đổi.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài ở 10 lĩnh vực. Trong đó, lĩnh vực hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ dẫn đầu với 8 dự án mới và 2 lượt dự án điều chỉnh vốn, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 270,8 triệu đô la, chiếm 19,6% tổng vốn đầu tư. Lĩnh vực bán buôn, bán lẻ đứng thứ hai, với tổng vốn đầu tư 147,8 triệu đô la, chiếm 27,1%. Tiếp theo là các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ...

Điều này cho thấy xu hướng đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam đã gia tăng trong lĩnh vực khoa học công nghệ, thương mại... thay vì trước đây tập trung nhiều về lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, khai khoáng,...

Trao đổi với Đất Việt, chuyên gia tài chính-ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu khẳng định đây là một xu hướng rất đáng mừng. Số vốn đầu tư ra nước ngoài tăng lên cho thấy ở bên ngoài đang có rất nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư Việt Nam.

Bản thân các nhà đầu tư Việt Nam cũng thấy rõ đầu tư ra nước ngoài là một lợi thế. Không những họ có thể tìm được những kênh đầu tư sinh lời tốt mà còn có thể đem về Việt Nam những kinh nghiệm từ nước ngoài, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ, để đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Vị chuyên gia đánh giá cao xu hướng đầu tư của doanh nghiệp Việt, khi chuyển dần từ nông nghiệp, thủy sản, lâm nghiệp... sang lĩnh vực khoa học công nghệ, công nghiệp, thương mại.

"Với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài là sự đóng góp rất tốt cho quá trình chuyển đổi số nền kinh tế tại đất nước. Cần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực mang lại lợi ích cho đất nước, đem về công nghệ, kỹ thuật mới mà doanh nghiệp phát triển học hỏi ở nước ngoài, mở rộng quan hệ, thương mại đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài, phổ biến thương hiệu Việt Nam, đem hình ảnh của Việt Nam ra nước ngoài", TS Nguyễn Trí Hiếu nhận xét.

Dòng tiền của doanh nghiệp Việt Nam chảy ra nước ngoài tăng đột biến trong bốn tháng đầu năm nay

Dòng tiền của doanh nghiệp Việt Nam chảy ra nước ngoài tăng đột biến trong bốn tháng đầu năm nay

Dù vậy, vị chuyên gia tài chính-ngân hàng cho biết, khi dòng vốn đầu tư ra nước ngoài ngày càng tăng vẫn có những lo ngại doanh nghiệp lợi dụng hoạt động đầu tư này để rửa tiền.

"Lo ngại này đến nay vẫn có cơ sở. Vẫn có những nhà đầu tư ra nước ngoài đầu tư vào những lĩnh vực không giúp ích gì nhiều cho Việt Nam, chẳng hạn như vào bất động sản, hoặc đầu tư vào các tài sản tài chính ở nước ngoài như chứng khoán. Khi ấy, việc đóng góp trở lại cho đất nước rất hạn chế, đặc biệt đầu tư vào bất động sản chỉ đem lại lợi nhuận cho bản thân nhà đầu tư mà thôi, nó không phải là lĩnh vực giúp ích cho sự phát triển của đất nước.

Bởi vậy, nếu doanh nghiệp chuyển hướng đầu tư từ các lĩnh vực này sang lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật thì rất tốt, nhưng cũng không loại trừ khả năng có người lợi dụng hoạt động đầu tư ra nước ngoài để rửa tiền, thứ tiền bẩn được tạo ra từ các hoạt động bất hợp pháp như tham nhũng, ma túy, mại dâm... Đây là vấn đề các cơ quan chức năng phải nỗ lực ngăn chặn", TS Nguyễn Trí Hiếu lưu ý.

Điểm khác được vị chuyên gia nhấn mạnh, đó là khi các nhà đầu tư của Việt Nam tham gia vào các thị trường nước ngoài thì phải hiểu rõ và tuân thủ tuyệt đối luật lệ, quy định của các quốc gia đó.

Khi tham gia vào các thị trường nước ngoài, không những phải chọn những dự án tốt mà phải hiểu rõ môi trường kinh doanh, đặc biệt là các vấn đề pháp lý để tuân thủ pháp luật của nước sở tại.

Trong quá khứ, có nhiều thương gia Việt Nam tham gia vào hoạt động thương mại ở nước ngoài nhưng vi phạm luật lệ quốc gia sở tại, ngay cả những quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Về phía Chính phủ, để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài thực sự hiệu quả và hạn chế rủi ro, theo TS Nguyễn Trí Hiếu, nên khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào những lĩnh vực có tác động trở lại tích cực cho sự phát triển của đất nước, như công nghiệp, công nghệ, sản xuất kinh doanh, chế biến thực phẩm... Các nhà đầu tư vừa tạo ra lợi nhuận vừa có thể đem công nghệ, kỹ thuật của nước ngoài về Việt Nam.

"Cần có danh sách những ngành nghề cần khuyến khích đầu tư ra nước ngoài và kêu gọi doanh nghiệp khi đầu tư ra nước ngoài tập trung vào những lĩnh vực này. Danh sách này có thể lưu lại trên Bộ KH-ĐT, Bộ Công thương... để khi cấp giấy phép thì chỉ dẫn, hướng dẫn nhà đầu tư Việt Nam", ông nói.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/kinh-te/tai-chinh/doanh-nghiep-viet-dau-tu-ra-nuoc-ngoai-vui-thi-vui-nhung-3431576/