Doanh nghiệp Việt hào hứng với kế hoạch đầu tư sang Bulgaria

Bulgaria đang là một trong những môi trường đầu tư hấp dẫn nhất châu Âu nhờ 4 lợi thế: sự hỗ trợ nhiều mặt của Chính phủ, lực lượng nhân công có trình độ tay nghề cao, cửa ngõ vào thị trường châu Âu, rủi ro và chi phí thấp nhờ sự ổn định chính trị - kinh tế.

Doanh nghiệp Việt Nam - Bulgaria đang tìm hiểu trao đổi cơ hội đầu tư. Ảnh: Q.N

Năm 2017, tổng kim ngạch thương mại 2 chiều Việt Nam – Bulgaria đạt 107 triệu USD. Trong đó, giá trị xuất khẩu của Bulgaria sang Việt Nam đạt 71 triệu USD, chủ yếu ở các mặt hàng như thuốc tân dược, thuốc bảo vệ thực vật, lúa mì, thức ăn gia súc, nguyên liệu và phụ gia chế biến thức ăn gia súc, máy móc thiết bị cơ khí và xât dựng.

Ở chiều ngược lại, giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Bulgaria đạt 38 triệu USD, sản phẩm xuất khẩu chủ lực gồm gạo, hạt điều, cà phê, thủy sản đông lạnh, sản phẩm từ cao su, đồ da, may mặc, giày dép…

Về đầu tư, Bulgaria có khoảng 11 dự án FDI vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký gần 58 triệu USD trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến - chế tạo, thông tin và truyền thông, khoa học công nghệ, dịch vụ; đặc biệt là các dự án xử lý dầu thải thành dầu công nghiệp – dân dụng. Phần mình, các doanh nghiệp Việt Nam chưa có nhiều dự án đầu tư đáng kể tại Bulgaria.

Theo VCCI, cho đến nay, mặc dù họ đã tổ chức được 5 Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Bulgaria tại Hà Nội và Sofia trong khuôn khổ các chuyến thăm chính thức của các lãnh đạo cao cấp 2 nước; tuy nhiên, hợp tác kinh tế thương mại giữa 2 bên vẫn còn ở mức thấp, chưa ổn định, chưa tương xứng với tiềm năng và mong muốn của hai bên.

Để thúc đẩy hơn nữa giao thương giữa hai nước, VCCI vừa đứng ra tổ chức Diễn đàn thương mại Việt Nam – Bulgaria vào ngày 20/9, nhằm lần nữa tạo cơ hội cho các doanh nghiệp hai bên gặp gỡ tìm cơ hội hợp tác – đầu tư.

Theo ông Stamen Yanez – Đại diện cục đầu tư Bulgaria, Bulgaria có môi trường đầu tư hấp dẫn nhất châu Âu nhờ 4 lợi thế sau: sự hỗ trợ của Chính phủ về anh sinh xã hội và thuế; lực lượng nhân công có trình độ và tay nghề cao; cửa ngõ vào thị trường châu Âu cũng như Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Đông và giảm thiểu rủi ro/ chi phí cho doanh nghiệp nhờ sự ổn định chính trị và kinh tế.

Trong 3 năm gần đây, tăng trưởng GDP trung bình của Bulgaria đều trên 3%, như năm 2017 là 3,6%; mức thuế 10% cho cả cá nhân lẫn doanh nghiệp, gần như thấp nhất trong mấy nước Đông Âu lẫn châu Âu (Serbia 11%, Czech 15%, Ba Lan - Anh 19%, Slovakia 21%); mức chi phí sinh hoạt thấp: thuê nhà mất 2,5 Euro/tháng, tiền điện vào khoảng 0,078 Euro/KW, tiền nước 1,09 Euro/kWh.

Bulgaria có 9 khu công nghiệp và khu chế xuất đã đang và sẽ xây dựng. Trong đó, 4 đã mở của cho nhà đầu tư ở tỉnh Ruse, Vidin, Svilengrad, Varna, 2 vừa xây xong ở Sofia và Burgas, 3 cái khác vẫn trong quá trình phát triển. Đất nước Đông Âu này có nhiều tiềm năng ở mảng công nghệ thông tin, máy móc, dịch vụ nông nghiệp, du lịch, vận tải...

Tại Bulgaria, thời gian thiết lập công ty/nhà máy khá nhanh, mất từ 3 đến 6 tháng là có thể đưa vào hoạt động sản xuất. Những sản phẩm sản xuất ở Bulgaria được gián nhãn xuất xứ châu Âu. Chính phủ Bulgaria sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp nhanh chóng làm giấy chứng nhận đầu tư.

Hiện tại, Chính phủ Bulgaria đang cấp 3 loại giấy chứng nhận đầu tư khác nhau, tùy thuộc vào số vốn đầu tư, cam kết thời gian đầu tư, kế hoạch kinh doanh trong 3 năm, số lượng công ăn việc làm tạo ra, tác động tới môi trường…

Mỗi loại khác nhau có những ưu đãi khác nhau: ưu đãi về thủ tục hành chính có thể rút ngắn 1/3 đến 2/3 thời gian tạo lập doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp mua đất công ở tỉnh với giá tốt, hoàn lại tiền đào tạo nhân công hoặc phát triển các dịch vụ công/xây dựng công trình công cộng.

5 nước đầu tư vào Bulgaria nhiều nhất là Hà Lan – 885 triệu Euro, Đức – 131 triệu Euro, Thụy Sỹ - 130 triệu Euro, Thổ Nhĩ Kỳ - 85 triệu Euro và Hy Lạp 75 triệu Euro. Ông Stamen Yanez cũng mong rằng, trong thời gian sắp tới, Việt Nam sẽ xuất hiện trên bản đồ đầu tư vào Bulgari, vì Bulgaria là cửa ngõ vào châu Âu của các doanh nghiệp Việt và ngược lại.

Chị Trịnh Ngọc Loan – Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ XNK Ecotech Indochina

Tham dự diễn đàn, bà Trịnh Ngọc Loan, Phó giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ XNK Ecotech Indochina cho biết, mình đến đây để tìm cơ hội đầu tư vào 2 lĩnh vực nông nghiệp và bất động sản. Sau khi nghe đại diện Cục đầu tư Bulgaria trình bày, bà Loan thấy khá là hứng thú với việc đầu tư vào đây, nhất là ở lĩnh vực nông nghiệp.

Trước đây Ecotech Indochina chỉ hoạt động ở lĩnh vực phụ trợ nông nghiệp như hỗ trợ kỹ thuật, giám sát chất lượng và mua bán phân bón nhưng gần đây doanh nghiệp này cộng thêm trồng trọt và chế biến để hoàn tất chuỗi cung ứng khép kín. Nếu đầu tư sang Bulgaria, Ecotech Indochina cũng sẽ làm chuỗi cung ứng như ở Việt Nam.

Quỳnh Như

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/doanh-nghiep-viet-hao-hung-voi-ke-hoach-dau-tu-sang-bulgaria-1537510228658.htm