Doanh nghiệp Việt Nam chưa khai thác hết 'mỏ vàng' nội địa

Tham gia CPTPP, Việt Nam lần đầu tiên cam kết cắt giảm 100% dòng thuế, cam kết với hoạt động mua sắm công, cam kết đối với lĩnh vực doanh nghiệp nhà nước, và lần đầu tiên cam kết bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở tiêu chuẩn Trips+, cùng nhiều cam kết quan trọng khác. Tuy nhiên, để tận dụng được hết lợi thế này, DN phải thay đổi tư duy quản lý và kinh doanh, không chỉ tập trung vào xuất khẩu mà còn phải chú trọng tới cả đáp ứng nhu cầu trong nước và cạnh tranh với các doanh nghiệp ngoại, giành lại thị trường trong nước.

Tầm nhìn và xây dựng chiến lược vẫn là điểm yếu của doanh nghiệp. Ảnh: Hương Dịu.

Ngồi trên đống vàng… nhưng chưa tận dụng được

Hiệp định CPTPP sẽ có hiệu lực với 6 nước (gồm Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada, Australia) từ ngày 30/12/2018 tới đây và có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 14/1/2019. Khi đó, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tới các nước Nhật Bản, New Zealand, Canada, Nhật Bản, Mexico, Australia và Singapore được hưởng lợi theo đúng tiến trình. Ở chiều ngược lại, hàng hóa từ các nước trên xuất sang Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi thuế quan tương ứng kể từ thời điểm này.

PGS. TS. Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch Hội đồng Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh nhận định, việc tham gia vào Hiệp định CPTPP mang đến nhiều cơ hội nhưng không ít thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam. Tuy Hiệp định sẽ thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế, tăng xuất khẩu và thu hút nhiều hơn đầu tư nước ngoài nhưng nước ta lại là nước kém phát triển nhất, với năng lực sản xuất kinh doanh thấp, năng lực cạnh tranh thấp... Do đó, doanh nghiệp cần phải nhận diện được cơ hội và thách thức để tạo ra bước tiến cho nền kinh tế nước nhà, nhưng nếu chỉ nhận thức mà không hành động thì không đạt hiệu quả.

Cho lời khuyên cho các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào CPTPP, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) Ngô Chung Khanh cho rằng, doanh nghiệp cần phải đào được “mỏ vàng” ngay trong nước, đó là tận dụng được thị trường đầy tiềm năng với hơn 90 triệu dân mà rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang “nhòm ngó”.

“Bởi trên thực tế, xoài Nhật Bản, thanh long Đài Loan có giá cao ngất ngưởng nhưng vẫn ‘cháy hàng’ ở Việt Nam, trong khi Việt Nam có rất nhiều mặt hàng chất lượng cao lại đem đi xuất khẩu hết. Nhiều người Việt Nam có nhu cầu về hàng chất lượng cao, và rất nhiều mặt hàng Việt Nam xuất khẩu được thị trường thế giới đón nhận, trong khi đó, Việt Nam lại đi nhập các mặt hàng mà mình mang đi xuất khẩu. Vì vậy, trước hết doanh nghiệp Việt cần quay lại đấu tranh để giành lại thị trường từ các đối thủ cạnh tranh nước ngoài", ông Khanh đánh giá.

Không thể cứ “đơn thương độc mã”

Đứng ở góc độ doanh nghiệp, Giám đốc Công ty Eltek Việt Nam Phạm Mạnh Cổn cho rằng, trong bối cảnh hội nhập, phải khẳng định doanh nghiệp tự nâng cao nội lực là rất quan trọng, bên cạnh đó phải tăng cường kết nối với nhau. Nhưng hiện các doanh nghiệp trong nước rất ít trao đổi, chia sẻ thông tin với nhau, ít nhất là trong ngành, lĩnh vực của mình. Nếu không tự đoàn kết được thì không chỉ khó trong xuất khẩu, mà cả ở thị trường trong nước, cũng sẽ khó có thể chiếm lĩnh được thị trường.

Còn theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam, đối với ngành da giày, chủ yếu gia công xuất khẩu, khách hàng thường chủ động tìm đến doanh nghiệp nên tính chủ động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa rất hạn chế. Bên cạnh đó, tầm nhìn và xây dựng chiến lược vẫn là điểm yếu của doanh nghiệp. Vì vậy, việc cần làm là tiếp cận thông tin, giúp doanh nghiệp tiếp cận thông tin chính thống, kết nối net-working. Nếu doanh nghiệp không liên kết với nhau thì không thể tiếp cận các thông tin.

Bên cạnh đó, nhà nước cũng cần xem xét lại cơ sở hạ tầng, logistic khi xuất khẩu, bởi khi miếng bánh thị phần mở rộng, mà cơ sở hạ tầng không đáp ứng được thì chúng ta sẽ không được chia phần”, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam kiến nghị.

Ông Nguyễn Đức Anh, Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại và Xuất nhập khẩu Anh Đức lại cho rằng, để có thể tận dụng được các cơ hội từ CPTPP, các doanh nghiệp cần phải nắm được các quy định có liên quan tới doanh nghiệp mình, và tìm cách đáp ứng các yêu cầu đó. Doanh nghiệp cần tự tìm hiểu và phải tự nhận diện được các thách thức và cơ hội của hội nhập CPTTP cho chính doanh nghiệp mình. Bởi nếu không nhận thức đầy đủ thì doanh nghiệp không thể tự đổi mới mình, có tầm nhìn và phương thức để ứng phó. Nếu không tìm hiểu và hiểu rõ được những thách thức này, doanh nghiệp sẽ rất dễ "dính đòn" vì thiếu hiểu biết.

Cũng theo ông Đức Anh, để tạo nguồn lực cao hơn, các doanh nghiệp trong cùng ngành hàng nên cùng liên kết với nhau, nếu các doanh nghiệp cứ tiếp tục “đơn thương độc mã” khi tham gia CPTPP sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Xuân Thảo

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/doanh-nghiep-viet-nam-chua-khai-thac-het-mo-vang-noi-dia.aspx