Doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc tìm kiếm cơ hội đầu tư

Năm 2017, kim ngạch thương mại giữa 4 tỉnh này với các địa phương của Việt Nam đã đạt 59 tỷ USD, chiếm 63% tổng kim ngạch thương mại Việt Nam - Trung Quốc.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại cuộc gặp gỡ. Ảnh: TTXVN.

Bên thềm Hội nghị Thượng đỉnh Tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 6 (GMS6) tại Hà Nội, chiều 31/3 đã diễn ra cuộc Gặp gỡ giữa các địa phương và doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc, với sự tham gia của ông Lê Hoài Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; ông Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; lãnh đạo một số tỉnh, thành phố của Trung Quốc như Vân Nam, Hải Nam, Quảng Tây, Quảng Đông; đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) cùng đông đảo cộng đồng doanh nghiệp hai nước.

Phát biểu tại cuộc gặp gỡ, ông Lê Hoài Trung đánh giá cao những thành quả hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc trong nhiều năm qua; trong đó có sự hợp tác giao lưu giữa các địa phương. Bốn tỉnh Trung Quốc là Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông và Hải Nam, vốn là những địa phương có tiềm lực kinh tế lớn và đi đầu Trung Quốc trong việc hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư và du lịch với các địa phương của Việt Nam. Năm 2017, kim ngạch thương mại giữa 4 tỉnh này với các địa phương của Việt Nam đã đạt 59 tỷ USD, chiếm 63% tổng kim ngạch thương mại Việt Nam - Trung Quốc.

Ông Trung nhấn mạnh, Việt Nam đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng chú trọng chất lượng và tính bền vững; ưu tiên và khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ xanh, năng lượng sạch, nông nghiệp sinh học hữu cơ, kinh tế số.... Với tính bổ trợ lớn, khoảng cách địa lý gần gũi, giao thông thuận lợi, tiềm năng hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Trung Quốc nói chung, giữa Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam và Hải Nam với các địa phương Việt Nam còn rất lớn.

Về mối quan hệ hợp tác song phương giữa Hà Nội và các tỉnh, địa phương Trung Quốc, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp Trung Quốc nghiên cứu đầu tư vào các lĩnh vực như: Cơ sở hạ tầng; nông nghiệp; công nghiệp công nghệ cao; logistics; tài chính - ngân hàng; du lịch; khoa học công nghệ; ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn nước,… Chính quyền thành phố Hà Nội cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư, kinh doanh hiệu quả, lâu dài, ổn định và cùng có lợi.

Đại diện phía Trung Quốc, ông Lý Tú Lĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) ghi nhận những kết quả hợp tác đã đạt được giữa Trung Quốc nói chung và tỉnh Vân Nam nói riêng với các đối tác Việt Nam. Đặc biệt, cuộc Gặp gỡ các địa phương và doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc lần này sẽ góp phần tăng cường quan hệ hợp tác song phương và đem lại nhiều cơ hội hơn để doanh nghiệp hai nước hợp tác hiệu quả hơn.

Đại diện cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI, cho biết, trong những năm qua, dưới sự nỗ lực của hai bên, kim ngạch thương mại song phương đã không ngừng phát triển. Từ năm 2004 đến nay, trong 13 năm liền, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Trung Quốc cũng là thị trường xuất khẩu số 1 của Việt Nam về các mặt hàng: Máy tính và linh kiện; cao su thiên nhiên; than và gạo.

Bốn tỉnh Trung Quốc là Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam và Hải Nam có thế mạnh trong nhiều lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, công nghiệp công nghệ cao, tài chính ngân hàng, năng lượng, thương mại điện tử, du lịch… và có nhu cầu nhập khẩu lớn các các mặt hàng của Việt Nam. Với tính bổ trợ lớn, khoảng cách địa lý gần gũi, giao thông thuận tiện, tiềm năng hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư giữa 4 tỉnh nêu trên với các địa phương của Việt Nam còn rất lớn.

Vì lẽ đó, ông Phòng nhấn mạnh, cuộc gặp gỡ giữa các địa phương và doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc nhân Hội nghị Thượng đỉnh các nước Tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 6 sẽ mở ra cơ hội to lớn và nhiều ý nghĩa để doanh nghiệp giữa 2 nước trao đổi, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh, góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại hai nước./.

Quỳnh - Chung/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/doanh-nghiep-viet-nam-va-trung-quoc-tim-kiem-co-hoi-dau-tu/80370.html