Doanh nghiệp Việt phải bảo vệ chữ tín và thương hiệu trong kinh doanh

Bà Bùi Tú Ngọc, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Olive Hà Nội (Hanoli) - nhà nhập khẩu dầu Olive Hy Lạp đầu tiên tại Việt Nam đã chia sẻ với Thế giới Tiếp thị Online về cơ hội của các doanh nghiệp Việt khi tham gia 'sân chơi' Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Theo bà, cơ hội của Việt Nam và các doanh nghiệp khi tham gia Hiệp định CPTPP là gì? Chúng ta sẽ gặp thách thức gì khi tham gia sân chơi này?

Tôi cho rằng đây là một cơ hội rất lớn cho tất cả doanh nghiệp và người dân Việt Nam. Bởi khi đó các doanh nghiệp sẽ được nhập khẩu những sản phẩm của Hy Lạp nói riêng và Châu Âu nói chung bằng thuế xuất 0%. Điều này rất có lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Nhưng điều đó cũng đi cùng với những thách thức với các doanh nghiệp Việt khi muốn cạnh tranh các sản phẩm của mình với các sản phẩm khác. Đó là các sản phẩm tốt của Châu Âu sẽ tràn ngập thị trường Việt Nam. Theo đó các doanh nghiệp phải làm ăn một cách bài bản, trung thực và hướng đến một điều cao hơn là phục vụ người tiêu dùng.

Việt Nam là một trong những nước sản xuất nông sản lớn, nhưng sản phẩm của chúng ta gặp rất nhiều khó khăn ở thị trường nước ngoài. Bà đánh giá thế nào về điều này?

Tôi đã từng mang rất nhiều sản phẩm nông nghiệp như trà của chúng ta và mong muốn xuất sản phẩm đó sang nước ngoài. Tuy nhiên, các sản phẩm trà của chúng ta không đạt tiêu chuẩn của Châu Âu.

Sau đó tôi lại chuyển hướng sang cà phê và tôi đang hy vọng sản phẩm này sẽ đạt được kết quả tốt. Nhưng với một sân chơi mới trong thị trường Châu Âu, khi được Hiệp định CPTPP được ký kết, tôi vô cùng mong muốn các doanh nghiệp Việt phải tuân thủ tất cả những điều kiện mà thị trường thế giới đặt ra, để những doanh nghiệp thương mại như chúng tôi có thể giúp được những người nông dân cũng như các sản phẩm Việt Nam vươn được ra thế giới.

Bà đánh giá thế nào về chính sách hỗ trợ nông dân và các doanh nghiệp của Chính phủ trong cách thức tiếp cận với thị trường nước ngoài?

Trong năm 2018 tôi đã thấy có sự khởi sắc. Chính phủ đã nói và thực hiện một phần trong việc giúp đỡ các doanh nghiệp và người nông dân tiếp cận kỹ thuật cũng như tham gia sân chơi mới với thế giới.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi nhận thức của người nông dân vẫn còn rất hạn chế. Nếu không thay đổi thì chỉ còn 2-3 năm nữa thôi, thị trường của chúng ta sẽ bị mất nếu chúng ta không có sự tiếp cận nhanh chóng.

Là một doanh nghiệp thì bà có đề xuất gì với hàng rào thuế quan của Việt Nam hiện nay?

Tôi cho rằng hàng rào thuế quan của chúng ta hiện nay đã cởi trói rất nhiều luật đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, cởi chỗ này lại thắt chỗ kia. Đây là khó khăn mà các doanh nghiệp đang gặp phải.

Do đó chúng tôi mong muốn Chính phủ đã mở thì mở đồng bộ cho doanh nghiệp, để các doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận với các doanh nghiệp khác trên thế giới. Có như vậy chúng tôi mới tranh đua được với họ.

Ví dụ ngay bản thân doanh nghiệp của chúng tôi, khi nhập khẩu một container hàng thì có tới 3 Bộ quản lý, điều đó khiến chúng tôi vô cùng vất vả khi phải xin tất cả những giấy phép như vậy. Điều này khiến chúng tôi phải làm trái luật cho dù không hề muốn. Chúng tôi muốn chơi một cách sòng phẳng, rõ ràng, rành mạch, tuy nhiên cũng đừng để những người khác lợi dụng những kẽ hở trong luật để “lóc da” doanh nghiệp. Điều đó sẽ cản trở các doanh nghiệp khi tiếp cận với thị trường thế giới.

Bên cạnh việc nhập khẩu, bà có ý định giới thiệu sản phẩm nào của Việt Nam sang thị trường thế giới không?

Điều này đang trong tầm suy nghĩ của chúng tôi. Việt Nam là nước thứ hai trên thế giới xuất khẩu cà phê thì tại sao chúng ta không nghĩ tới xuất khẩu cà phê sang thị trường Hy Lạp. Bởi đây là đất nước uống cà phê rất nhiều.

Hiện sản phẩm cà phê của chúng ta đã có mặt tại thị trường Hy Lạp. Tuy nhiên nó không mang thương hiệu Việt mà lại mang thương hiệu của nước thứ ba. Điều này khiến tôi rất suy nghĩ.

Ngoài cà phê, theo bà còn sản phẩm nào của Việt Nam có tiềm năng ở thị trường thế giới, đặc biệt là thị trường Hy Lạp?

Tôi cho rằng đó là gạo. Tôi đã sang các hội chợ, thức ăn sản phẩm chất lượng cao của Hy Lạp và thấy gạo Việt Nam ở đó. Nhưng gạo Việt Nam lại qua một công ty thứ ba để xuất sang. Mặc dù mang thương hiệu Việt nhưng một công ty nước ngoài làm lại tất cả từ bao bì cho tới hình thức hạt gạo theo thị hiếu của họ.

Tô cho rằng gạo, trà, cà phê là những sản phẩm rất có thế mạnh của Việt Nam khi sang thị trường thế giới, đặc biệt là Hy Lạp. Nhưng chúng ta chưa tiếp cận được với thương hiệu Việt Nam.

Hy Lạp yêu cầu chất lượng sản phẩm, nhưng chúng ta chỉ đạp ứng được 90%. Thậm chí tôi đã từng nghe bạn nói rằng: “Các bạn làm được “công” (container) đầu và công thứ hai, nhưng đến công thứ ba thì các bạn cho chúng tôi sản phẩm không tốt”. Tôi cho rằng đây là vấn đề mà doanh nghiệp của ta phải khắc phục.

Mấu chốt là các doanh nghiệp phải biết bảo vệ thương hiệu của mình, làm ăn phải giữ chữ tín, đó là điều cần thiết…

Xin cảm ơn bà!

HƯƠNG GIANG thực hiện

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/doanh-nghiep-viet-phai-bao-ve-chu-tin-va-thuong-hieu-trong-kinh-doanh-20636.html