Doanh nghiệp vừa là nạn nhân vừa là tác nhân gây ra tham nhũng

Đánh giá các doanh nghiệp Việt Nam còn tụt hậu trong việc công khai thông tin về các chương trình phòng, chống tham nhũng, Tổ chức Hướng tới Minh bạch cho rằng doanh nghiệp vừa là nạn nhân vừa là tác nhân gây ra tham nhũng.

Đại diện Tổ chức Hướng tới Minh bạch và nhóm tác giả báo cáo tại buổi công bố

Đại diện Tổ chức Hướng tới Minh bạch và nhóm tác giả báo cáo tại buổi công bố

Sáng nay 21-8, Tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT), cơ quan đầu mối quốc gia của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) tại Việt Nam, đã công bố báo cáo "Đánh giá thực tiễn công bố thông tin của 45 doanh nghiệp lớn nhất tại Việt Nam" (báo cáo TRAC Việt Nam 2018).

Theo đó, một số phát hiện nổi bật của báo cáo là các doanh nghiệp (DN) Việt Nam thực hiện chưa tốt việc công khai thông tin về các chương trình phòng, chống tham nhũng (PCTN). Tuy nhiên, về minh bạch trong cấu trúc và tỉ lệ sở hữu, họ đã thực hiện tốt hơn các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Các DN FDI vượt xa các DN trong nước trong việc công khai thông tin về các chương trình PCTN.

Báo cáo cũng cho biết không có DN nào trong số các DN có hoạt động xuyên quốc gia công bố thông tin tài chính cơ bản của họ tại quốc gia nơi họ hoạt động. Qua khảo sát 18 công ty lớn nhất Việt Nam có đầu tư ra nước ngoài, không có công ty nào công khai thông tin tài chính ở các nước có hoạt động. MobiFone là ngoại lệ nhưng chỉ thông tin về đóng góp đối với cộng đồng.

Báo cáo TRAC Việt Nam 2018 đánh giá thực tiễn công bố thông tin của DN trên 3 khía cạnh: Công khai thông tin về các chương trình PCTN; Minh bạch trong cấu trúc và tỷ lệ sở hữu; và Công khai thông tin tài chính cơ bản theo cơ chế báo cáo quốc gia.

Báo cáo đánh giá công khai thông tin về các chương trình PCTN còn rất thấp. Các DN được đánh giá đạt điểm thấp với mức trung bình là 15% trong việc công khai thông tin về các chương trình PCTN. Đặc biệt, hơn 50% các DN trong báo cáo không công khai bất kỳ thông tin nào về khía cạnh này. Trong đó, các DN nhà nước công khai thấp nhất (5%), DN FDI công khai cao nhất (31%).

Nguyên nhân là do pháp luật Việt Nam chưa có quy định yêu cầu DN phải công khai các chương trình PCTN. Mặc dù vậy, các DN FDI có kết quả đánh giá tốt hơn các DN Việt Nam ở khía cạnh nêu trên bởi vì họ phải tuân thủ theo các quy định của công ty mẹ.

Bà Nguyễn Thị Kiều Viễn, Giám đốc Tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT) - cơ quan đầu mối quốc gia của Tổ chức Minh Bạch (TI) tại Việt Nam, cho rằng DN vừa là nạn nhân và cũng là tác nhân gây ra tham nhũng. Kỳ vọng của các bên liên quan (Chính phủ, người dân và chính từ những DN thực hành kinh doanh liêm chính) về vai trò nói chung của các DN trong việc chung tay đẩy lùi tham nhũng cũng ngày càng gia tăng.

Đánh giá cao báo cáo, chuyên gia kinh tế cao cấp Lê Đăng Doanh nhấn mạnh, chỉ có minh bạch mới là biện pháp hữu hiệu để giảm tham nhũng.

Công khai thông tin tài chính cơ bản "dậm chân tại chỗ"

Báo cáo TRAC 2018 cho rằng DN cần phải cải thiện nhiều hơn trong việc công khai thông tin tài chính cơ bản theo cơ chế báo cáo quốc gia. Trên thực tế, kết quả đánh giá TRAC 2018 về phương diện này hầu như không có chuyển biến tích cực so với TRAC 2017. Đây là điểm đáng lo ngại bởi vì cơ chế báo cáo theo quốc gia là công cụ để các cơ quan nhà nước, báo chí và công chúng giám sát việc thực hiện minh bạch tài chính của DN và xử lý các vấn đề liên quan, ví dụ như trốn thuế.

"Việc không công khai thông tin sẽ khiến các bên liên quan hoài nghi về cam kết của DN trong cuộc đấu tranh PCTN. Vì vậy, trong thời gian tới, nhà nước cần ban hành các quy định nhằm khuyến khích DN thực hiện công khai thông tin liên quan đến PCTN"- bà Viễn nhấn mạnh.

Tin-ảnh: Dương Ngọc

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/kinh-te/chi-5-doanh-nghiep-nha-nuoc-cong-khai-thong-tin-ve-chuong-trinh-chong-tham-nhung-20180821123428739.htm