Doanh nghiệp xây dựng kêu cứu

'Nếu nợ đọng không được giải quyết thì 5 - 7 năm tới, doanh nghiệp xây dựng, nhất là quy mô nhỏ và vừa sẽ biến mất', Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) Nguyễn Quốc Hiệp chia sẻ tại hội thảo 'Nợ đọng xây dựng - kiến nghị giải pháp' sáng 18.8.

Gần 10 năm chưa được quyết toán

Hội trường hơn 200 chỗ ngồi hầu như không còn chỗ trống cho thấy nợ đọng là vấn đề nhức nhối của các doanh nghiệp xây dựng hiện nay.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Đan Thanh

Đại diện Tập đoàn Cienco4 cho biết, tổng số nợ đọng hiện hơn 180 tỷ đồng, trong đó điển hình là cầu Đông Trù (Hà Nội) bị nợ 22,5 tỷ đồng sau gần 10 năm hoàn thành và đưa vào khai thác. Bên cạnh đó, các công trình nợ đọng 4 - 5 năm “rất nhiều”. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến dòng tiền, lợi ích của doanh nghiệp cũng như việc đóng bảo hiểm cho người lao động, nộp thuế cho Nhà nước.

Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn có số nợ đọng lớn gấp gần 10 lần Cienco4. Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc, Tổng Giám đốc cho biết: trong số gần 1.600 tỷ đồng nợ đọng, số nợ 3 - 5 năm là chủ yếu, với 539 tỷ đồng, tiếp đến là nợ 1 - 3 năm, với 506 tỷ đồng, nợ trên 5 năm là 149 tỷ đồng…

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ đọng xây dựng, trong đó chủ yếu là về thủ tục hành chính. Đại diện Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) cho biết, từ lúc thi công xong đến lúc tiền về là 53 ngày. Đặc biệt, công tác thanh toán khối lượng phát sinh thường phức tạp và kéo dài.

Minh họa thêm, đại diện Tổng Công ty Cơ khí xây dựng cho hay, hợp đồng thi công là chế tạo 500 tấn của một hạng mục thiết bị cơ khí, thực tế làm xong lên tới 530 tấn, song nhà thầu chỉ được thanh toán 500 tấn, còn 30 tấn phải chờ ký được phụ lục bổ sung hoặc khi quyết toán mới được thanh toán. Việc thực thi hợp đồng hiện cũng bất cập. Đối với hợp đồng trọn gói, khối lượng vượt không được thanh toán nhưng khi khối lượng thi công thấp hơn thì lại lấy theo thực tế, điều này gây thiệt thòi cho nhà thầu.

Đặc biệt, quy định về phê duyệt quyết toán gây nhiều phiền phức cho nhà thầu, trong khi lại không áp dụng với nhà thầu nước ngoài. Theo đó, nhà thầu thi công, có sự giám sát của nhiều bên, có khối lượng thực hiện và xác định được giá trị thanh toán, hợp đồng thỏa thuận giữ lại tỷ lệ % để bảo hành và chờ phê duyệt quyết toán, nhưng nhiều khi hết hạn bảo hành 5 - 10 năm vẫn chưa phê duyệt xong. Trong bối cảnh đơn giá cạnh tranh khốc liệt hiện nay, lãi chỉ có 3 - 5%, thậm chí hòa hoặc lỗ nhưng phê duyệt quyết toán chậm thì coi như lỗ.

Ngoài ra, có tình trạng chủ đầu tư cố tình chây ỳ không chịu quyết toán cho nhà thầu. Nhiều “bẫy” được chủ đầu tư giăng ra, như thường xuyên thay đổi ban quản lý dự án, tư vấn để trì hoãn việc quyết toán cho nhà thầu…

Tăng cường vai trò nhà thầu

Chủ tịch VACC Nguyễn Quốc Hiệp cảnh báo, “nếu nợ đọng không được giải quyết thì 5 - 7 năm tới, doanh nghiệp xây dựng, nhất là quy mô nhỏ và vừa sẽ biến mất ở nước ta”.

Để giải quyết vấn đề này, các doanh nghiệp xây dựng kiến nghị, cần sửa đổi quy định hiện hành của Luật Xây dựng theo hướng chủ đầu tư phải có bảo lãnh thanh toán, nhất là 30% cuối cùng của dự án; chỉ khi chủ đầu tư thanh toán hết tiền cho nhà thầu mới được đưa công trình vào sử dụng. Cần có cơ chế linh hoạt trong việc cho phép quyết toán và bố trí vốn cho riêng từng gói thầu, không để tình trạng các gói thầu trong cùng một dự án phải chờ đợi nhau, phải hoàn thành toàn bộ quyết toán các gói thầu thì mới có cơ sở quyết toán dự án và bố trí vốn.

Bên cạnh đó, phải luật hóa hoặc có quy định cụ thể một số khái niệm làm cơ sở cho việc thanh quyết toán và giải quyết tranh chấp hợp đồng thi công. Hợp đồng đơn giá cố định thì giá trị thanh toán cần dựa trên cơ sở khối lượng thực hiện, nếu vượt thì đương nhiên nhà thầu phải được thanh toán ngay mà không cần thủ tục phiền nhiễu. Đối với hợp đồng trọn gói, nếu vượt khối lượng thì nhà thầu phải chịu và hụt khối lượng thì nhà thầu phải được hưởng.

Theo Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn, việc tăng quyền của nhà thầu trong nghiệm thu xây dựng là rất cần thiết; đồng thời, cần thống kê các chủ đầu tư chây ỳ. VACC có thể tổ chức dạng ngân hàng thông tin về chủ đầu tư để cung cấp cho doanh nghiệp có tính phí; hình thành trung tâm tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp; tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn cho doanh nghiệp để phòng ngừa tranh chấp hợp đồng. Đặc biệt, Hiệp hội nên xem xét ban hành hợp đồng mẫu để khuyến nghị doanh nghiệp.

Cho rằng nợ đọng là “đặc sản” của ngành xây dựng, TS. Lê Văn Cư, Viện trưởng Viện Kinh tế xây dựng, Bộ Xây dựng lưu ý, Luật Đầu tư công cần phải sửa quy định “chỉ bố trí vốn kế hoạch đầu tư công để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản phát sinh trước ngày 1.1.2015”. Nếu không, tình trạng nợ đọng sẽ không thể giải quyết được.

Cũng theo ông Cư, Luật Đầu tư công dù xác định dự án mới phải bố trí đủ vốn mới triển khai, song “thế nào là đủ vốn”? Hiện, kế hoạch vốn trung hạn và hàng năm đều quá chặt chẽ, đã chốt rồi sẽ khó điều chỉnh. Trong khi đó, ở nhiều nước cho phép sai số kế hoạch này tới 25%. Do vậy, khi lập kế hoạch vốn đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như các địa phương cần xem xét đừng quá chặt chẽ; phải thống nhất vấn đề này thì mới tháo gỡ được.

Thực tế cho thấy, nợ trong vướng mắc hợp đồng có nhiều nguyên nhân, trong đó có lỗi của nhà thầu: với tâm thế “miễn sao có hợp đồng” nên đã chọn hình thức hợp đồng không phù hợp. “Nếu 20 tỷ đồng trở xuống mà làm hợp đồng trọn gói là thất bại. Do đó, VACC cần khuyến cáo các doanh nghiệp thành viên để lựa chọn cẩn thận hình thức hợp đồng”, Viện trưởng Viện Kinh tế xây dựng đề xuất.

Đan Thanh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/doanh-nghiep-xay-dung-keu-cuu-i298238/