Doanh nghiệp xây dựng: Kinh doanh khởi sắc nhưng còn đó nỗi lo 'nợ đọng'

Thị trường bất động sản gặp khó khăn, các doanh nghiệp xây dựng cũng phải vật lộn để duy trì hoạt động. May mắn, tín hiệu khởi sắc đã hé lộ trong quý 4 vừa qua.

Doanh nghiệp xây dựng đã bớt khó khăn hơn. Ảnh: HBC

Trước thực trạng các dự án bất động sản bị đình trệ, môi trường cạnh tranh gay gắt, các doanh nghiệp xây dựng đã phải “hi sinh” lợi nhuận để duy trì việc làm cho người lao động. Điều đó dẫn tới biên lợi nhuận thấp, thậm chí kinh doanh dưới giá vốn. Cộng thêm là tình trạng bị nợ đọng, phải trích lập dự phòng nợ xấu lớn.

Bức tranh ngành xây dựng như trên được thấy rõ qua kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp xây dựng lớn trong nửa cuối năm 2022, đầu năm 2023. Tuy nhiên sang quý 4 vừa qua, tình hình đã khởi sắc thấy rõ. Điển hình là tại hai nhà thầu lớn - CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã HBC) và CTCP Xây dựng Coteccons (mã CTD), đều có sự cải thiện về biên lợi nhuận và chi phí quản lý.

Trong quý 4/2023, Xây dựng Hòa Bình đạt doanh thu 2.191 tỷ đồng, giảm 32% so với quý 4/2022. Tuy nhiên giá vốn giảm mạnh giúp lãi gộp đạt 53 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 426 tỷ đồng.

Đáng chú ý, HBC được hoàn nhập 223 tỷ đồng phí quản lý doanh nghiệp, so với cùng kỳ khoản này lên tới 496 tỷ đồng. Theo thuyết minh, đây là khoản hoàn nhập trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi ở mức 310 tỷ đồng. Kết quả, công ty báo lãi sau thuế 101 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 1.200 tỷ đồng.

Lũy kế năm 2023, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu 7.546 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với năm 2022. Công ty lỗ sau thuế 777 tỷ đồng, so với năm 2022 lỗ gần 2.600 tỷ đồng; nâng lỗ lũy kế lên gần 2.900 tỷ đồng.

Đối với Coteccons, trong quý 2 của năm tài chính 2024 (từ ngày 01/07/2023 đến 30/06/2024), công ty đạt doanh thu 5.660 tỷ đồng, sụt giảm hơn 9% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế lại tăng gấp 3,6 lần, đạt 69 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận cao nhất của công ty kể từ quý 1/2021.

Biên lợi nhuận của CTD tăng từ mức 2,7% của cùng kỳ lên 3%. Chi phí quản lý doanh nghiệp trong kỳ giảm mạnh 33% xuống mức 122 tỷ đồng. Mức giảm này phần lớn đến từ khoản dự phòng nợ phải thu khó đòi giảm 46% so với cùng kỳ năm trước, về còn 48 tỷ đồng. Chi phí tài chính cũng được tiết giảm 49% xuống còn hơn 30 tỷ đồng.

Lũy kế cho kỳ kế toán 6 tháng kết thúc vào ngày 31/12/2023, CTD ghi nhận doanh thu 9.783 tỷ đồng, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 136 tỷ đồng, tăng gấp 9 lần. Trong năm tài chính 2024, CTD đặt mục tiêu doanh thu đạt 17.793 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 274 tỷ đồng. Như vậy sau 2 quý đầu, công ty đã hoàn thành 55% chỉ tiêu doanh thu và 50% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế.

Vẫn còn đó nỗi lo “nợ đọng”

Mặc dù tình hình kinh doanh đã khởi sắc hơn nhưng khoản phải thu, trích lập dự phòng lớn vẫn là thách thức với hai doanh nghiệp. Tại thời điểm cuối năm 2023, Coteccons có hơn 11.800 tỷ đồng phải thu ngắn hạn, trong đó phải trích lập dự phòng gần 1.300 tỷ đồng.

Khoản trích lập dự phòng trên của CTD đến từ 1.700 tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, 3 khoản phải trích lập 100% là từ Công ty Ngôi Sao Việt - thuộc Tân Hoàng Minh (hơn 483 tỷ đồng), Công ty Saigon Glory - chủ đầu tư dự án The Spirit of Saigon (gần 143 tỷ đồng) và Công ty Đầu tư Minh Việt - chủ đầu tư dự án Tricon Towers (122 tỷ đồng).

Khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản của Xây dựng Hòa Bình cũng là khoản phải thu ngắn hạn với 8.492 tỷ đồng, trong đó có 4.980 tỷ phải thu của khách hàng và 3.083 tỷ phải thu theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng.

Tại thời điểm cuối năm 2023, HBC phải trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi 2.127 tỷ đồng, giảm 378 tỷ đồng sau một quý.

Phạm Ngọc

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/doanh-nghiep-xay-dung-kinh-doanh-khoi-sac-nhung-con-do-noi-lo-no-dong-post31557.html