Doanh nghiệp xi măng nỗ lực phục hồi sản xuất, kinh doanh

Mặc dù gặp nhiều thách thức trước những biến động của thị trường như áp lực tăng chi phí đầu vào do giá nguyên liệu sản xuất tăng nhưng trong 6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp sản xuất xi măng trên địa bàn tỉnh đã luôn chủ động thực hiện các biện pháp đảm bảo ổn định sản xuất kinh doanh, đóng góp chung cho sự phát triển kinh tế của tỉnh.

Hoạt động điều hành sản xuất xi măng tại Trung tâm điều khiển Công ty Xi măng Vicem Hạ Long.

Công ty Cổ phần Xi măng Cẩm Phả, là một trong những đơn vị sản xuất xi măng lớn trên địa bàn tỉnh. Trong năm 2022, Công ty đặt mục tiêu sản xuất hơn 2,1 triệu tấn xi măng. Để khắc phục những khó khăn về nguyên liệu, vật tư, Công ty đã chủ động nhiều biện pháp hiệu quả để ổn định sản xuất, đảm bảo thu nhập cho người lao động và nộp ngân sách nhà nước.

Thượng tá Trần Quang Hưng, Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xi măng Cẩm Phả, cho biết: Giá nguyên liệu đầu vào đang có sự tăng cao, đặc biệt là nguyên liệu than, dầu. Chính vì vậy, ngay từ đầu năm, Công ty đã phát động các phong trào thi đua lao động sản xuất, đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp kỹ thuật để ổn định hoạt động. Song song với đó, Công ty cũng luôn đẩy mạnh việc chăm sóc khách hàng, tìm các nguồn có nhu cầu lớn để tiếp tục cung cấp, tăng cường nguyên liệu, vật liệu thay thế trong hoạt động sản xuất... Chúng tôi hy vọng, những tháng cuối năm giá cả vật liệu đầu vào sẽ trở về ổn định để giúp các doanh nghiệp xi măng ổn định được sản xuất, đảm bảo nguồn cung cho thị trường.

Nhờ việc áp dụng hiệu quả các biện pháp khắc phục khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, nên trong 6 tháng đầu năm 2022, Công ty Cổ phần Xi măng Cẩm Phả vẫn đảm bảo các mục tiêu đề ra, doanh thu đạt 1.300 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước gần 50 tỷ đồng. Công ty luôn đảm bảo việc làm cho trên 650 lao động với thu nhập bình quân trên 16 triệu đồng/người/ tháng. Trong 6 tháng cuối năm 2022, Công ty sẽ thực hiện tối ưu chi phí, tăng cường các biện pháp kỹ thuật nhằm tăng hiệu quả kinh doanh, ổn định sản xuất.

Còn tại Công ty Xi măng Vicem Hạ Long, để khắc phục những khó khăn chung về chi phí sản xuất tăng cao, Công ty đã chủ động xây dựng và đưa ra nhiều giải pháp nhằm cắt giảm tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu đầu vào, gia tăng hiệu quả sản xuất, ổn định kinh doanh. Điển hình là tăng cường sử dụng nguyên nhiên liệu thay thế, như dùng rác thải công nghiệp để đốt thay cho than, sử dụng bùn thải, tro bay, tro xỉ nhiệt điện, tro xỉ thép, thạch cao... làm phụ gia sản xuất xi măng. Qua đó, đã giúp tiết kiệm được rất nhiều chi phí sản xuất trong 6 tháng đầu năm 2022. Đơn vị đã sản xuất và tiêu thụ được 1,2 triệu tấn xi măng, đạt trên 45% kế hoạch năm, doanh thu đạt trên 1.200 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước trên 60 tỷ đồng.

Bốc xếp xi măng đi tiêu thụ tại Công ty Cổ phần Xi măng Cẩm Phả.

Ông Vũ Văn Tăng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Xi măng Vicem Hạ Long, cho biết: Hiện nay, nguồn than để cung cấp cho việc đốt nhiên liệu không còn được dồi dào như trước, giá than lại có sự tăng cao. Không chỉ vậy, sự thâm nhập của các loại xi măng giá rẻ trong thị trường khiến cho việc sản xuất kinh doanh luôn gặp những khó khăn. Thời gian tới, để việc sản xuất được ổn định, chúng tôi cũng đề nghị TKV có sự quan tâm hơn nữa tới ngành sản xuất xi măng, cung cấp than ổn định cho các doanh nghiệp xi măng trên địa bàn tỉnh nói chung và xi măng Vicem Hạ Long nói riêng. Qua đó, giúp cho các đơn vị đảm bảo được khối lượng sản xuất trong 6 tháng cuối năm.

Với nhiều giải pháp khắc phục khó khăn, trong 6 tháng đầu năm 2022, các doanh nghiệp xi măng trên toàn địa bàn tỉnh đã sản xuất được gần 4,5 triệu tấn xi măng và Clinker, qua đó tiếp tục có những đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng.

Minh Đức

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/doanh-nghiep-xi-mang-no-luc-phuc-hoi-san-xuat-kinh-doanh-3195810.html