Doanh nghiệp xoay xở giữa lúc thiếu đơn hàng xuất khẩu

Đơn hàng nhập khẩu từ thị trường châu Âu đang sụt giảm do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu nhưng kỳ vọng sẽ hồi phục trở lại trong thời gian tới.

Nhiều doanh nghiệp (DN) tại TP.HCM phản ánh, việc xuất khẩu gỗ, dệt may, da giày, điện tử… có dấu hiệu sụt giảm, lượng hàng tồn kho cao do người dân các nước giảm chi tiêu vì lạm phát. Điều này dẫn đến công nhân rơi vào tình cảnh thiếu việc làm và thu nhập giảm sút.

Chật vật vì thiếu đơn hàng

Anh Nguyễn Văn Định, công nhân một công ty da giày tại Khu chế xuất Linh Trung I (TP Thủ Đức, TP.HCM), cho hay công việc của anh là làm khuôn đế giày. Tuy nhiên, gần đây đơn hàng đi châu Âu giảm sâu nên công việc của anh chỉ lai rai, thay vì bận rộn tăng ca như trước khi đơn hàng dồn dập. Riêng bộ phận ép đế giày vẫn còn việc làm do đơn hàng từ các tháng trước.

Nhiều nhà máy sắp xếp lại ca kíp để duy trì việc làm cho công nhân trong bối cảnh đơn hàng sụt giảm. Ảnh: P.ĐIỀN

Anh Định nhẩm tính không tăng ca nên thu nhập của anh giảm còn khoảng 6,5 triệu đồng/tháng thay vì đạt hơn 8 triệu đồng như trước đây. Trong khi đó, vợ anh làm ở một công ty dệt may cũng vừa thất nghiệp do công ty dời nhà máy đến tỉnh khác sản xuất. Vì vậy, gánh nặng chi tiêu của bốn thành viên trong gia đình dồn vào nguồn thu nhập hạn hẹp của anh.

“Gia đình tôi đang thực sự chật vật với khoản thu nhập hạn hẹp nhưng nhà máy cũng có cái khó của họ khi nguồn hàng bị giảm chưa từng có” - anh Định chia sẻ.

Nhiều công nhân ngành gỗ cũng bị ảnh hưởng nặng do nhà máy hụt đơn hàng xuất khẩu. Anh Hồ Bằng, công nhân một công ty xuất khẩu đồ gỗ ở quận Gò Vấp, kể hơn một tháng nay nhà máy hết đơn hàng nên hàng trăm công nhân làm cùng anh đành ngồi ở nhà chờ nhà máy gọi vào làm với mức lương cơ bản khoảng 5 triệu đồng/tháng.

Hy vọng sớm có đơn hàng

Xung đột Nga - Ukraine, lạm phát ở nhiều nước… khiến người dân châu Âu thắt chặt chi tiêu. Đây là yếu tố tác động lớn đến các ngành gỗ, da giày, dệt may, điện tử… vốn là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường lớn.

Tuy nhiên, tôi vẫn lạc quan các nhà máy Việt Nam sẽ sớm có đơn hàng vì nước ta vẫn là điểm sáng an toàn và là trung tâm sản xuất hàng hóa lớn trên thế giới.

Ông NGUYỄN VĂN BÉ,Chủ tịch Hiệp hội Các DN khu công nghiệp TP.HCM

“Đơn hàng giảm, một số công ty đã cho công nhân nghỉ phép năm luân phiên, nghỉ việc không lương hoặc nhận 70% lương cơ bản để chờ đơn hàng mới, tuy nhiên chưa thể biết mốc thời gian nào sẽ có đơn hàng trở lại. Một số công ty thì thực hiện chế độ làm bốn ngày, nghỉ hai ngày để giữ chân người lao động” - anh Bằng cho hay.

Nhiều công nhân ngành khác cũng phản ánh do đơn hàng giảm sút, không còn thời gian tăng ca nên thu nhập bình quân chỉ khoảng 6 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, chi phí sinh hoạt lại tăng cao khiến các gia đình có con vào năm học mới gia tăng thêm gánh nặng chi phí.

Tìm nhiều cách giữ chân công nhân

Giám đốc điều hành một công ty dệt may tại TP.HCM giải thích đơn hàng giảm một phần do thị trường châu Âu, Mỹ thắt chặt chi tiêu, thay vì mua sắm hào phóng như trước đây. Bên cạnh đó, do chi phí nguyên liệu, logistics tăng cao khiến các nhà máy chỉ còn hoạt động khoảng 40% công suất. Trong bối cảnh trên, công ty đang xoay xở để giảm chi phí, tìm kiếm thị trường mới, sắp xếp bố trí lại lực lượng lao động.

Bà Trần Thị Hồng Vân, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nissei Electric Việt Nam, thông tin đơn hàng giảm buộc công ty phải xoay xở nhiều cách để duy trì việc làm cho người lao động. Ví dụ công ty đôn tiến độ sản xuất các đơn hàng lên nhanh hơn để người lao động có việc làm, thay vì 1-2 tháng tới mới giao. Đồng thời, công ty bố trí làm việc theo hai ca thay vì ba ca như trước đây.

Theo vị chủ tịch công đoàn, tiền tăng ca thường chiếm hơn 50% thu nhập của công nhân, song trong bối cảnh thiếu đơn hàng như hiện nay nên thời gian tăng ca không còn nhiều như trước. “Trong bối cảnh việc làm ít, thu nhập giảm, trong khi chi chí sinh hoạt lại tăng do vật giá leo thang nên công ty buộc phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất để không ai bị bỏ lại phía sau” - bà Vân nói.

Đại diện các công ty đều cho biết trong bối cảnh thiếu hụt đơn hàng như hiện nay, họ tìm cách đa dạng hóa thị trường, đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới công nghệ… Đồng thời họ kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành hỗ trợ thông qua việc giảm thuế, phí xăng dầu; nghiên cứu phát triển vùng nguyên liệu thay thế nguyên liệu nhập khẩu. Đẩy mạnh kết nối cung cầu lao động, đào tạo, đào tạo lại cho người lao động nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường. Ngoài ra, DN cũng kiến nghị Chính phủ sớm triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31/2022.

Ông Trần Việt Hà, Phó Trưởng quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp TP.HCM, cho biết qua ghi nhận từ các DN ngành gỗ, dệt may, bao bì… cho thấy các nhà máy giảm công suất hoạt động khá sâu. Thậm chí có đơn vị hoạt động cầm chừng với 30%-40% công suất.

“Chúng tôi đang nắm tình hình sản xuất và đời sống công nhân lao động để có phương án đồng hành, chia sẻ với DN và người lao động” - ông Hà nói.

Chăm lo chỗ ăn ở cho người lao động

Hiệp hội DN TP.HCM (HUBA) vừa công bố kết quả khảo sát cho thấy hoạt động kinh doanh của DN dần ổn định, bắt đầu tăng trưởng trở lại. Đáng chú ý, có hơn 20% DN cho biết lợi nhuận tăng, 44% DN cơ bản tạm ổn và 34% DN giảm lợi nhuận. Con số trên là tín hiệu lạc quan, thể hiện tinh thần vượt khó để phục hồi mạnh mẽ của cộng đồng DN.

Bên cạnh những tín hiệu tích cực trong kinh doanh, DN vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Trước hết là dịch bệnh COVID-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng, các thị trường truyền thống bị thu hẹp đáng kể. Hệ thống logistics bị ảnh hưởng nặng nề nay lại thêm nguy cơ tắc nghẽn do xung đột Nga - Ukraine làm cho các luồng vận chuyển nguyên vật liệu, hàng hóa thêm khó khăn. Từ đó, các hợp đồng đã ký kết không thể thực hiện do không có hàng bán, giá cước vận tải tăng và giao hàng chậm trễ.

Trong bối cảnh trên, đại diện HUBA cho biết cộng đồng DN mong muốn các ngân hàng thương mại thực hiện đồng bộ các chính sách khoanh nợ, gia hạn thời hạn trả nợ, cơ cấu nợ bao gồm cả nợ gốc và lãi tới hạn.

HUBA cũng kiến nghị sửa đổi, ban hành các chính sách với lợi ích cụ thể, hữu hiệu cho DN. Đơn cử như tiền lương, phụ cấp, bảo hiểm xã hội, công đoàn… hay việc cho vay mua nhà ở áp dụng cho công nhân; quan tâm kịp thời xét duyệt các đề án xây dựng nhà ở xã hội, khu nhà ở công nhân để người lao động không lo chỗ ăn nghỉ.

PHONG ĐIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/doanh-nghiep-xoay-xo-giua-luc-thieu-don-hang-xuat-khau-post696963.html