Doanh nghiệp xuất khẩu 'thoi thóp' khi giá điều liên tục giảm

Giá điều nhân liên tục giảm trong thời gian qua khiến nhiều doanh nghiệp chế biến điều của Việt Nam lỗ nặng, buộc phải sản xuất cầm chừng, thậm chí tạm ngừng hoạt động.

Do khó khăn, xuất khẩu hạt điều cả năm đã phải hạ mục tiêu từ 4 tỷ USD xuống còn 3,2 tỷ USD. Ảnh: ST

8 tháng năm 2020, theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), xuất khẩu điều nhân đạt 312 nghìn tấn và 1,99 tỷ USD, tăng 9% về khối lượng nhưng giảm 5,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.

Hoa Kỳ, Hà Lan và Trung Quốc vẫn duy trì là 3 thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm, chiếm thị phần lần lượt là 35,2%, 13% và 10,6% tổng trị giá xuất khẩu hạt điều.

Giá hạt điều xuất khẩu bình quân 7 tháng năm 2020 đạt 6.614 USD/tấn, giảm 13,1% so với cùng kỳ năm 2019.

Đáng chú ý, dịch Covid-19 đã tác động rất lớn đến ngành điều Việt Nam trong thời gian vừa qua. Giá điều nhân liên tục giảm khiến nhiều doanh nghiệp chế biến điều của Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề khi đã dự trữ nguyên liệu với giá cao nhưng phải xuất khẩu đi với giá thấp.

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nêu rõ, các doanh nghiệp thường dự trữ điều thô từ cuối năm trước để chế biến xuất khẩu cho năm sau. Vào thời điểm cuối năm 2019 giá điều thô khá cao, từ 1.200-1.500 USD/tấn.

Đến đầu năm 2020, giá điều thô giảm xuống còn 1.000 USD/tấn, kéo giá điều nhân giảm theo khiến cho doanh nghiệp lỗ nặng, buộc phải sản xuất cầm chừng, thậm chí tạm ngừng hoạt động.

Ngoài ra, việc giá điều giảm khiến khách hàng chú ý nhiều hơn đến chất lượng, nên nhiều vụ tranh chấp thương mại đã xảy ra, nhiều lô hàng xuất khẩu bị trả về.

Dự báo, xuất khẩu điều nhân của Việt Nam trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng vì vào những tháng cuối năm các nước nhập khẩu lớn như Mỹ, Ấn Độ, EU và Trung Quốc sẽ tăng nhập khẩu phục vụ nhu cầu các dịp lễ tết cuối năm.

Giá điều nhân dự báo cũng sẽ tăng nhẹ trong thời gian tới theo luật cung cầu trên thị trường. Đó là bởi, trong thời gian qua nhiều cơ sở chế biến điều quy mô nhỏ và vừa ở cả Việt Nam và Ấn Độ giảm công suất, tác động đến lượng hàng cung ứng ra thị trường giảm.

Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) đưa ra dự báo 2 "kịch bản" có thể xảy ra trong nửa cuối năm theo chiều hướng trái ngược.

"Kịch bản" tốt là đại dịch Covid-19 bị ngăn chặn, thế giới phát minh ra vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị bệnh. Chuỗi cung ứng toàn cầu bình thường trở lại. Nhu cầu thị trường Trung Quốc bình thường trở lại.

Xu hướng tiêu dùng sản phẩm có nguồn gốc thực vật tiếp tục gia tăng trong và sau mùa dịch tại thị trường Mỹ và châu Âu. Bên cạnh đó, 3 mùa vụ lớn trên thế giới đã kết thúc, lượng hàng dự trữ được điều tiết và bán ra thị trường ở mức ổn định và giá cả hợp lý, giao dịch ổn định, mặt bằng giá nguyên liệu mới được thiết lập…

Đánh giá "kịch bản" này rất khó có thể xảy ra, Vinacas thiên về "kịch bản" thứ hai là không tốt. Cụ thể, làn sóng Covid-19 lần thứ hai có thể xảy ra dẫn tới những tác động tiêu cực, “bất khả kháng” không thể lường trước được.

Nhu cầu tiêu dùng của thị trường Trung Quốc tiếp tục ảm đạm, đặc biệt ở giai đoạn cao điểm cuối năm. Nhu cầu tiêu dùng thị trường nội địa Ấn Độ tiếp tục bị ảnh hưởng, đặc biệt trong giai đoạn diễn ra những lễ hội quan trọng, mùa cưới, mùa đông,...

Đến thời điểm hiện tại, Vinacas đặt mục tiêu xuất khẩu cả năm là 450 nghìn tấn nhân điều các loại với trị giá xuất khẩu 3,2 tỷ USD (6 tháng đầu năm đã đạt 51,65% kế hoạch đề ra). Trong khi đó, cuối năm 2019 khi đề ra mục tiêu xuất khẩu năm 2020, con số được ngành điều “nhắm” tới là 4 tỷ USD.

Khối lượng điều thô nhập khẩu trong tháng 8/2020 ước đạt 141 nghìn tấn với trị giá đạt 148 triệu USD, đưa tổng khối lượng và trị giá nhập khẩu hạt điều 8 tháng đầu năm 2020 đạt 924 nghìn tấn và 1,14 tỷ USD, giảm 18,4% về khối lượng và giảm 23,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Thị trường nhập khẩu hạt điều chính trong tháng 7 năm 2020 là Campuchia, Tanzania, Bờ Biển Ngà.

Thanh Nguyễn

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/doanh-nghiep-xuat-khau-thoi-thop-khi-gia-dieu-lien-tuc-giam-133041.html