Doanh nghiệp xuất, nhập khẩu vượt khó

Thông thường, thời điểm cuối năm, các doanh nghiệp sẽ tất bật với đơn hàng cho dịp lễ, Tết. Tuy nhiên, hiện nay không ít doanh nghiệp phải giảm sản xuất, không có đơn hàng vì đối tác gặp khó từ khi tỷ giá tăng cao.

Công ty cổ phần Thực phẩm Agrex Sài Gòn giảm công suất hoạt động do gặp khó về đơn hàng từ khi tỷ giá đô-la Mỹ (USD) tăng.

Công ty cổ phần Thực phẩm Agrex Sài Gòn giảm công suất hoạt động do gặp khó về đơn hàng từ khi tỷ giá đô-la Mỹ (USD) tăng.

Là doanh nghiệp có uy tín trong lĩnh vực xuất khẩu thực phẩm đông lạnh như há cảo, hoành thánh, chả giò... sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu, nhưng Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Agrex Sài Gòn Phạm Hải Long cho biết: Suốt 10 năm qua, chưa bao giờ thời điểm cuối năm công ty phải giảm công suất như lúc này. Hiện công ty chỉ hoạt động khoảng 60-65%. Theo ông Long, mặc dù công ty chỉ nhập khẩu bột mì trong quá trình sản xuất, còn lại đa số đều sử dụng nguyên liệu nội địa để làm món ăn. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn chật vật khi tỷ giá bất ngờ tăng cao. Ông giải thích, giá bột mì nhập khẩu trước đây chỉ từ 500-600 USD/tấn nhưng giờ đã lên mức 1.000 USD/tấn (tăng thêm 40-50%). Do đó, doanh nghiệp phải chi gấp đôi số tiền để nhập nguyên liệu. "Khó chồng khó khi tất cả chi phí đầu vào đều tăng nhưng đơn hàng xuất khẩu lại giảm do người tiêu dùng tại các nước đang thắt chặt chi tiêu. Theo kế hoạch, các đơn hàng đã ký sẽ xuất khẩu vào tháng 10 này nhưng đều nhận được yêu cầu dời sang tháng 12 hoặc năm sau", ông Long chia sẻ.

Ðang trên đà lấy được lòng tin người tiêu dùng trong nước với sản phẩm trà gừng đỏ nhập khẩu chính ngạch từ Indonesia, Công ty An Vi F&B bỗng chới với từ khi tỷ giá đồng đô-la Mỹ (USD) biến động. Giám đốc Công ty An Vi F&B Vi Thiên Trung cho hay: Công ty ký hợp đồng thanh toán với đối tác bằng USD. Nay tỷ giá tăng cho nên chi phí nhập khẩu hàng hóa tăng theo; thế nhưng, công ty không thể tăng giá bán ra vì đây là sản phẩm mới. "Công ty đang phải gánh chịu tình trạng lợi nhuận lao dốc. Chúng tôi chỉ còn cách đàm phán với đối tác đề nghị giảm giá hàng hóa hoặc tăng chiết khấu cho các đơn hàng mới nhằm bù vào một phần do giá USD tăng cao...", ông Trung trần tình.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Chánh Phương, về lý thuyết, khi đồng USD tăng giá, doanh nghiệp ngành gỗ sẽ được hưởng lợi vì bán được hàng giá cao hơn. Song hiện tại, doanh nghiệp trong ngành lại rất khó khăn vì phải nhập khẩu nguyên liệu từ thị trường nước ngoài. "Hiện các doanh nghiệp ngành gỗ không dám nhập khẩu quá nhiều vì gặp tác động mạnh của giá đầu vào. Nếu đồng USD tăng giá cao, lãi suất ngân hàng cũng sẽ có xu hướng tăng, kéo theo các doanh nghiệp vốn đã khó tiếp cận nguồn tín dụng nay lại càng thêm khó khăn. Trong khi đó, giá bán không thể tăng do đã ký hợp đồng trước đó", ông Phương nhìn nhận.

Trước vô vàn thách thức, không ít các doanh nghiệp tìm phương án chuyển đổi để lách mình qua khe cửa hẹp. Thay vì phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu, Công ty may Minh Quang (quận Tân Bình) đã tìm kiếm nguyên liệu trong nước; đồng thời, tìm kiếm đối tác nội địa hoặc các quốc gia không giao dịch bằng đồng USD để hợp tác. "Chúng tôi một mặt chấp nhận giảm lợi nhuận để giữ mối quan hệ làm ăn lâu dài với khách, mặt khác, tìm nguyên liệu nội địa chất lượng tương tự hàng ngoại để thay thế dần nhập khẩu; tìm kiếm thị trường mới để có đơn hàng, duy trì việc làm cho công nhân. Việc chuyển hướng trong giai đoạn này tuy không dễ dàng nhưng chúng tôi cũng không bị động chờ qua giai đoạn khó khăn", đại diện Công ty Minh Quang chia sẻ.

Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh Lý Kim Chi cho biết: Giá cả đầu vào đồng loạt tăng, đẩy chi phí sản xuất tăng 20-30%. Ðiều này tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong ngành lương thực, thực phẩm và ảnh hưởng đến kế hoạch chuẩn bị hàng Tết. "Hiệp hội đã kiến nghị UBND Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư, kinh doanh và hạ tầng hậu cần, kho vận... nhằm giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí, dễ dàng tiếp cận vốn vay với mức lãi suất phù hợp, giữ vững hoạt động sản xuất trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng cao", bà Chi nói.

Ở góc độ quản trị, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Ðức Lệnh thông tin, trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều chỉnh tăng các mức lãi suất điều hành cũng như điều chỉnh biên độ giao dịch tỷ giá giao ngay từ ±3% lên ±5%. "Việc điều chỉnh lãi suất và biên độ giao dịch tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong bối cảnh hiện nay là phù hợp, hợp lý và linh hoạt", ông Lệnh khẳng định. Việc lãi suất và tỷ giá đồng đô-la tăng sẽ tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đến doanh nghiệp. Song, đây chỉ là những khó khăn ngắn hạn. Việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kìm giữ lạm phát quan trọng là sự lựa chọn ưu tiên. Bởi lẽ, chỉ có ổn định kinh tế vĩ mô, kìm giữ lạm phát mới bảo đảm giá trị của tăng trưởng, giá trị của sản xuất, kinh doanh đem lại. Vì vậy, có thể phải hy sinh, chịu những khó khăn ngắn hạn nhưng để mang lại sự ổn định bền vững có giá trị to lớn hơn rất nhiều. Ðây là sự cần thiết, là nền tảng để phục hồi và tăng trưởng ở mức cao hơn, bền vững hơn. Khó khăn hiện nay chỉ là ngắn hạn, khác với khủng hoảng kinh tế, bởi lẽ những khó khăn này xuất hiện do xung đột địa chính trị, do giá dầu mỏ và nguyên vật liệu tăng cao và sẽ dần được khắc phục khi lạm phát tại các nước và khu vực trên thế giới được cải thiện, kinh tế phục hồi trở lại. Mỗi doanh nghiệp, mỗi hộ kinh doanh cần tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo và linh hoạt trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tận dụng tốt cơ hội và vượt qua thách thức để mang lại hiệu quả cao nhất trong điều kiện hiện nay. "Bài học kinh nghiệm quý báu từ những thời điểm giai đoạn khó khăn nhất như khủng hoảng; đại dịch... các doanh nghiệp đều vượt qua, phục hồi và tăng trưởng. Bài học đó cần tiếp tục được phát huy và chuyển thành động lực để phát triển. Ðộng lực đó, cùng với môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hiện nay, các doanh nghiệp sẽ vượt qua, tăng trưởng và phát triển nhanh hơn, mạnh hơn từ chính nội lực và khát vọng phát triển đất nước", ông Lệnh kỳ vọng ■

Bài và ảnh: PHƯƠNG VY

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/doanh-nghiep-xuat-nhap-khau-vuot-kho-post724268.html