Doanh nhân Bạch Thái Bưởi và bài học phát huy nội lực

(HMNO)- Cách đây 100 năm (1909), có một người Việt Nam thuê lại ba chiếc tàu của một hãng tàu Pháp để mở hai tuyến đường sông Nam Định - Hà Nội và Nam Định - Vinh.

Nhờ giương cao ngọn cờ tinh thần dân tộc và giữ được uy tín chất lượng dịch vụ, người ấy đã đánh bại các nhà tư sản người Hoa, người Pháp... để được xưng tụng là “Chúa sông Bắc Kỳ”, “Vua mỏ”... Người ấy chính là Bạch Thái Bưởi – nhà tư sản dân tộc lẫy lừng của Việt Nam. Chuyện của 100 năm trước… Bạch Thái Bưởi sinh năm 1874 trong một gia đình nông dân nghèo ở làng Yên Phúc, nay là Phường Phúc La, quận Hà Đông, Hà Nội. Gia đình ông vốn họ Đỗ nhưng vì cha mất sớm, nhờ một người nhà giàu họ Bạch nhận ông làm con nuôi và cho ông đi học, ông mới đổi từ họ Đỗ sang họ Bạch và lấy tên là Bạch Thái Bưởi. Một thời gian sau, khi đã có được một ít chữ nghĩa, ông thôi học và đi làm thư ký cho công sứ Bonnet - người Pháp ở phố Tràng Tiền, Hà Nội. Lúc đấy ông lấy tên là Ký Năm. Làm việc khoảng một năm, Bonnet cho Ký Năm về Pháp tham dự cuộc triển lãm Bordeaux. Đến Pháp, trước nền văn minh phương Tây hào nhoáng, Bạch Thái Bưởi ngạc nhiên nhưng không choáng ngợp, trái lại càng ra sức tìm tòi, học hỏi cách làm việc của người Pháp. Về nước, Bạch Thái Bưởi xin nghỉ việc làm thư ký, quyết tâm đi vào con đường doanh nghiệp. Lúc ấy, Pháp đang xúc tiến công trình đường xe lửa nối liền Hà Nội – Sài Gòn. Cầu Long Biên - Hà Nội đang khởi công, công ty Hỏa Xa đang cần gỗ. Bạch Thái Bưởi hợp tác với một nhà thầu người Pháp cung cấp gỗ làm tà-vẹt. Trong ba năm liền, ông lặn lội khắp miền Bắc, miền Trung tìm kiếm các loại gỗ cho công trình. Qua cuộc thầu này, ông học được nhiều kinh nghiệm làm ăn, đồng thời cũng tích lũy được một số vốn để mở tiệm cầm đồ. Cầm đồ chủ yếu là cầm nữ trang, vàng, bạc, kim cương, phải có chuyên môn, biết thử vàng, biết xem hạt xoàn. Ngoài ra còn phải biết xem sổ sách, kế toán theo luật định. Đây cũng là giai đoạn ông có dịp thi thố tài năng trong kinh doanh. Các đối thủ người Hoa lúc đầu khinh thường, chỉ chờ ngày ông sập tiệm, nhưng tiệm cầm đồ của Bạch Thái Bưởi chẳng những đứng vững, mà còn phát triển mạnh. Sự thành công của ông, một mặt nhờ làm ăn tín nhiệm, mặt khác nhờ đồng bào vì tinh thần dân tộc sẵn sàng ủng hộ nhà kinh doanh Việt trong buổi sơ khai của nền kinh tế, dám đương đầu với người nước ngoài. Năm 1909 đánh dấu một bước tiến trong cuộc đời doanh nghiệp của Bạch Thái Bưởi, đó là ông bước vào lĩnh vực kinh doanh mới: ngành vận tải đường sông. Xin nhớ, vào đầu thế kỷ 19, hai hãng của Pháp Messagerie Maritime và Chargeurs Reunis độc quyền ngành vận tải đường biển ở Việt Nam. Về vận tải đường sông ở Nam Kỳ, có ông Nguyễn Văn Kiệu tranh thương với Hoa Kiều, có tàu chạy đường Sài Gòn – Lục tỉnh. ở Bắc Kỳ có hai hãng của Pháp: Hãng Marty tại Hà Nội có 3 chiếc tàu và một xưởng sửa chữa, hãng Deschwanden ở Hải Phòng có 6 chiếc tàu và một số hãng của người Hoa có khoảng 20 chiếc tàu. Năm đó, hãng tàu Marty mãn hạn hợp đồng chạy thử và chuyên chở khách hàng. Ông Bưởi mướn 3 chiếc tàu của hãng Marty. Lúc này, ông gặp phải các đối thủ đáng gờm là các chủ người Pháp và người Hoa. Họ quyết đánh bại ông bằng trăm phương nghìn kế. Người Hoa áp dụng chiến thuật “cá lớn nuốt cá bé”, hạ giá vé chuyến từ Hà Nội đi Nam định từ 4 hào xuống còn 3 hào để giành khách. Ông Bưởi đành phải hạ giá xuống còn có 3 xu để cạnh tranh. Hoàn cảnh của ông lúc đó như đứng bên bờ vực thẳm phá sản. Mướn 3 chiếc tàu 2 nghìn đồng mỗi tháng, một chuyến tàu chỉ thu được hai mươi đồng. Trong thế “trứng chọi đá” đó, Bạch Thái Bưởi nghĩ đến thứ vũ khí mà cả hai đối thủ trên đều không có, đó là tinh thần dân tộc của người Việt. Bạch Thái Bưởi tin rằng, sự nghiệp kinh doanh của mình diễn ra trên đất nước mình, phục vụ cho đồng bào mình, chắc chắn sẽ được sự ủng hộ của người Việt Nam vốn không ưa gì sự áp chế của ngoại bang. Từ niềm tin đó, ông tìm ra những giải pháp hợp lý, như: đặt tên các anh hùng dân tộc cho các đội tàu của mình, tạo dựng các bến đỗ thuận tiện và giá vé hợp lý, cổ động đồng bào sử dụng phương tiện của ông để đi lại, giao thương trên các miền sông nước. Từ thứ vũ khí đó, ông dần dần mạnh lên và phát triển, thâu tóm được các Công ty vận tải của người Pháp và người Hoa. Năm 1915, ông mua luôn 3 chiếc tàu, cả xưởng sửa chữa và đóng tàu củ A.R. Marty tại Cửa Cấm (Hải Phòng). Năm 1917, hãng Deschwanden phá sản, ông mua hết cả đội tàu 6 chiếc và nhận Deschwanden về làm công. Từ đó, nhiều đội tàu của ông giao thương trên khắp miền sông nước và được giới doanh nghiệp đương thời tặng ông biệt hiệu “chúa sông Bắc kỳ”. Trong vòng 10 năm (1909 -1919), Công ty Bạch Thái Bưởi đã có tới 30 chiếc tàu lớn nhỏ cùng nhiều xà lan với những đội tàu mang tên Phi Long, Phi Hổ, Hồng Bàng, Lạc Long, Trưng Nhị, Đinh Tiên Hoàng, Lê Lợi… chạy hầu hết các tuyến sông miền Bắc, rồi vươn ra các vùng lãnh thổ và các nước xung quanh như Hồng Kông, Nhật Bản, Philippin, Singapore, Trung Quốc. Kinh doanh vận tải đường sông và tiếp đến là kinh doanh hàng hải là lĩnh vực thành đạt nhất trong sự nghiệp của ông. Năm 1928, dự đoán trong tương lai ngành than đá sẽ phát triển mạnh, ông chuyển nhượng lại toàn bộ Công ty tàu thủy cho hãng Sauvage để lấy vốn đầu tư khai thác than đá, mua lại hai hầm mỏ của người Pháp ở Bí Chợ và Cẩm Thực (tỉnh Quảng Yên) và một lần nữa ông đã thành công. Than của ông được thị trường nội địa tiêu thụ và xuất khẩu ra nhiều nước mà khách hàng chính lại là Pháp và Nhật. Ông còn cử đại diện Pháp thương lượng với Trường Đại học Hầm mỏ tuyển dụng trước kỹ sư giỏi, thậm chí đỗ thủ khoa người Pháp, khi tốt nghiệp sẽ sang Việt Nam làm việc cho mình. Xuất thân từ người lao động làm thuê nên ông rất quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của 2.500 công nhân làm việc trong công ty của mình. Qua những tài liệu lịch sử, còn thấy doanh nhân Bạch Thái Bưởi là một người yêu nước với câu nói bình dị mà hàm chứa lòng tự hào dân tộc: “Người Việt Nam, đi tàu Việt Nam”. Phải chăng đây là tiền ý của câu nói sau này chúng ta thường dùng: “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”. Chí khí quật cường của nhà doanh nghiệp Việt Nam trong cạnh tranh với tư sản mại bản được thể hiện rõ tại Hội nghị Kinh tế Tài chính Bắc Trung Nam, Bạch Thái Bưởi đã đứng lên bênh vực các nhà tư sản dân tộc, công kích chính sách thuế của nhà nước bảo hộ Pháp. Đến mức viên toàn quyền Robin nổi nóng giữa hội nghị và dọa Bạch Thái Bưởi: “Chỗ nào có Robin thì không có Bạch Thái Bưởi”. Bạch Thái Bưởi liền trả đũa: “Nước này còn Bạch Thái Bưởi thì không còn Robin”. Câu nói này có thể xếp cùng dòng tư duy với câu nói nổi tiếng trong lịch sử đời Trần của Trần Bình Trọng: “Ta thà làm ma nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc”, hoặc câu nói của Trương Công Định: “Bao giờ hết cỏ nước Nam thì nước Nam mới hết người đánh Tây”. Tính độc lập tự chủ trong kinh doanh của ông phải chăng đã được khởi nguồn từ tính độc lập dân tộc trong dòng máu của mỗi người Việt Nam yêu nước… Và chuyện hôm nay Một trăm năm sau, lớp hậu sinh của cụ Bạch giờ đã được “vũ trang” đầy mình với đủ loại kiến thức, phương tiện kinh doanh... Nhưng có quá ít người trong số họ có đủ năng lực để làm chủ thị trường trong nước trước hàng hóa đến từ nước ngoài. Từ hàng tiêu dùng, hàng điện tử... thị trường bán lẻ của ta không chỉ tràn ngập hàng Trung Quốc các loại, mà sản xuất của ta cũng đang phụ thuộc không ít vào hàng nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc. Hàng hóa từ Trung Quốc vào Việt Nam thông qua cả hai con đường nhập chính thức, nhập lậu. Từ năm 1999 đến nay, hàng Trung Quốc xâm nhập thành công và thực tế đang trong giai đoạn “khai thác” thị trường nước ta, thay vì phải cạnh tranh với hàng nội. Nếu kim ngạch nhập khẩu hàng Trung Quốc của ta năm 1999 mới là 673 triệu USD, thì năm 2008, con số ấy đã tăng lên thành 15.652 triệu USD. Có nghĩa, “tăng trưởng” nhập khẩu hàng hóa xuất xứ từ Trung Quốc của ta có mức tăng bình quân mỗi năm gấp hơn hai lần so với kim ngạch năm 1999, và đã kéo dài trong gần 10 năm. Ở chiều ngược lại, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Trung Quốc chỉ tăng được hơn 6 lần, từ 746 triệu USD (1999) lên 4.536 triệu USD (2008). Cho đến năm ngoái, nước ta đã nhập siêu từ Trung Quốc tới trên 11 tỷ USD. Mặt khác, tốc độ nhập khẩu hàng Trung Quốc ngày càng tăng, tới năm 2008 đã lên tới mức kỷ lục: gần 38,5 %. Đó là chưa kể hàng nhập lậu cũng từ quốc gia này vào nước ta chưa có thống kê chính xác, nhưng chắc chắn phải ở mức rất lớn. Cần nhắc lại, người tiêu dùng Việt Nam chưa bao giờ hết khao khát với hàng hóa Trung Quốc, bất kể trong giai đoạn lịch sử nào. Những năm bao cấp, xe đạp Phượng Hoàng, phích nước, đèn pin, chăn bông, quần áo, đài điện tử... từ Trung Quốc là “chuẩn mực” hàng tiêu dùng của Việt Nam. Tới thời đổi mới, phôi thép, phân bón, máy tính, máy móc, quần áo, thậm chí cả phim ảnh... của Trung Quốc vẫn đang là mặt hàng bán chạy tại thị trường nước ta. Còn nữa, thực tế là hàng buôn lậu từ Thái Lan, các nước ASEAN, cũng như từ Trung Quốc, có giá rẻ hơn hàng sản xuất trong nước. Lý do vì các sản phẩm ấy trốn được thuế nhập khẩu; nhưng cũng có lý do là bản thân giá thành sản xuất sản phẩm trong nước cao hơn giá sản phẩm nhập ngoại. Cần phải đặt câu hỏi, vì sao một đất nước giàu tài nguyên khoáng sản như Việt Nam, thị trường hàng hóa rộng lớn và nền kinh tế đã phát triển theo định hướng thị trường hướng mạnh vào xuất khẩu từ hàng chục năm trước đó mà doanh nghiệp Việt lại dễ dàng thua trên sân nhà như vậy? Tại sao nhà tư sản dân tộc Bạch Thái Bưởi đã cạnh tranh và chiến thắng các đối thủ người Hoa, người Pháp trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhưng hậu sinh của cụ lại quá vất vả chỉ để “chống cự” với hàng hóa nước ngoài? Phải chăng, chỉ vì lớp hậu sinh ấy thiếu tầm nhìn, thiếu chiến lược phát triển lâu dài đúng đắn, và cũng thiếu luôn cả những biện pháp tự vệ mang tính thời điểm? Đ.H

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/vn/42/219035/