Doanh nhân mong muốn không còn hiện tượng 'vòi vĩnh'

Yếu tố tác động lớn nhất đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) đó chính là môi trường kinh doanh. Phần lớn doanh nhân cho rằng, họ không cần nhà nước cho tiền, mà cần một môi trường kinh doanh minh bạch và thông thoáng.

Đánh giá về việc cải thiện môi trường kinh doanh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam ông Tô Hoài Nam nêu quan điểm: Trong thời gian qua, nhóm bộ ngành Trung ương có chuyển biến tích cực hơn các địa phương. Trong đó, đáng chú ý đó sự vào cuộc quyết liệt, nói đi đôi với làm của các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Khoa học và Công nghệ. Các bộ, ngành khác có chuyển biến nhưng chưa thấy tích cực trong lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính cho DN.

Doanh nghiệp mong muốn minh bạch trong các thủ tục hành chính. Ảnh minh họa

Đáng chú ý, Bộ Tài chính làm rất tốt việc cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt trong ngành thuế, hải quan... Kết quả này là do bộ đã đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin vào công việc, giúp giảm thời gian, chi phí cho DN.

Trong khi phía Chính phủ và các bộ ngành đã vào cuộc tích cực thì vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, khi tại các địa phương, việc cải cách thủ tục hành chính nhiều nơi chưa đồng bộ, không tích cực chuyển biến mạnh mẽ.

Thực tế là càng xa Trung ương thì chuyển biến càng chậm. Trong khi đó, địa phương lại là nơi quan trọng với các DN.

Theo ông Tô Hoài Nam, nhiều địa phương cho rằng họ chưa có văn bản hướng dẫn từ Trung ương nên chưa thực hiện được. Tuy nhiên, đó chỉ là "một cách nói".

Nhân ngày 13/10, đại điện cộng đồng DN vừa và nhỏ Việt Nam, ông Tô Hoài Nam chia sẻ những tâm tư, kỳ vọng của giới doanh nhân và DN Việt. Theo ông, đầu tiên là cần có sự chuyển biến trong cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt ở cơ sở, địa phương nơi các DN hoạt động trực tiếp.Cần đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin vào cải cách thủ tục hành chính, đồng bộ với Chính phủ điện tử. Những thủ tục nào có thể áp dụng công nghệ thông tin thì phải áp dụng ngay.

Cạnh đó, cộng đồng DN mong muốn đội ngũ cán bộ công chức có văn hóa ứng xử khi tiếp xúc với DN tới làm thủ tục, chống hiện tượng “vòi vĩnh". Tăng tính minh bạch trong các loại thủ tục hành chính.

Thứ ba là có chính sách về quyền sở hữu. DN đổi mới sáng tạo cần bảo vệ giá trị sản phẩm của họ.

Thứ tư là DN muốn tăng vốn tín chấp, được vay vốn trung và dài hạn để có kế hoạch sản xuất lâu dài. Ngoài ra, DN sản xuất cũng mong muốn được hỗ trợ mặt bằng sản xuất để “an cư lạc nghiệp”.

Không đánh đồng tất cả các địa phương, ông Tô Hoài Nam cho hay, có địa phương tích cực, có địa phương chưa tích cực.

Việc tác động lớn nhất đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN đó chính là môi trường kinh doanh. Muốn tạo chuyển biến thì lãnh đạo từ Trung ương tới địa phương phải đồng bộ, nhất quán và xuyên suốt. Theo đó, cần dồng bộ về chính sách, nhất quán trong việc thực hiện và xuyên suốt trên hành lang pháp lý, chỉ đạo, điều hành. “Sở dĩ ngành Hải quan được cải thiện trong thời gian vừa qua đó là do họ có hệ thống ngành dọc đồng bộ, nhất quán và xuyên suốt. Nhưng ở ngành xây dựng thì lại không được như vậy”, ông Tô Hoài Nam nói.

Cách mạng công nghiệp 4.0 vừa là cơ hội vừa là thách thức với doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh minh họa

Sự xuất hiện và phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và công nghệ thông tin trên toàn thế giới đang đặt ra rất nhiều thách thức đối với cộng đồng DN. Điều này đặt ra cho bản thân các doanh nhân, những người chèo lái “con tàu” DN phải thay đổi sao cho phù hợp với đòi hỏi, sự biến động trên thị trường theo hướng ngày càng gay gắt hơn. Và trên chuyến tàu này, cộng đồng doanh nhân, DN mong muốn có sự đồng hành, hỗ trợ từ phía cơ quan chức năng.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, cả nước có 96,611 nghìn DN đăng ký thành lập mới trong 9 tháng đầu năm 2018, với tổng vốn đăng ký là 963,4 nghìn tỷ đồng, tăng 2,8% về số DN và tăng 6,7% về số vốn so với cùng kỳ năm 2017; vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới đạt 10 tỷ đồng, tăng 3,8%. Bên cạnh đó, còn có 22.897 DN quay trở lại hoạt động, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số DN đăng ký thành lập mới 9 tháng năm 2018 là 2.845,3 nghìn tỷ đồng.

Kết quả điều tra, Kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III/2018 cho thấy: Có 43,1% số DN đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý III năm nay tốt hơn quý trước; 17,8% số DN đánh giá gặp khó khăn và 39,1% số DN cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định. Dự kiến quý IV so với quý III năm nay, có 52,5% số DN đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 11,7% số DN dự báo khó khăn hơn và 35,8% số DN cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.

LÊ HẬU

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/doanh-nhan-mong-muon-khong-con-hien-tuong-voi-vinh-14972.html