Doanh nhân Ngô Thùy Ngọc Tú, Chủ tịch HĐQT YOLA: 'Chúng tôi nhận làm người truyền cảm hứng'

Ngô Thùy Ngọc Tú, Chủ tịch YOLA, từng được Tạp chí Forbes Việt Nam vinh danh trong Top 30 under 30 năm 2015, từng là người dẫn dắt buổi nói chuyện giữa cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và thanh niên Việt Nam vào năm 2016..., nhưng giờ chỉ muốn nói về giáo dục khai phóng, về cơ hội được học của mọi người.

YOLA

YOLA của các du học sinh Mỹ, gồm Ngô Thùy Ngọc Tú, Phạm Anh Khoa và Phan Duy vừa đánh dấu chặng đường 10 năm phát triển bằng việc nhận khoản đầu tư của nhà đầu tư mới Kaizen Private Equity (Kaizen PE), đơn vị chuyên đầu tư vào giáo dục tại các thị trường Đông Nam Á và Ấn Độ.

Cùng với 4,9 triệu USD từ Mekong Capital hồi năm 2016, tổng số vốn đã huy động được của YOLA là 14,9 triệu USD.

“YOLA là công ty giáo dục đầu tiên ở Việt Nam nhận đầu tư từ Kaizen PE”, Ngọc Tú bắt đầu câu chuyện về niềm đam mê của mình.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tầng lớp trung lưu (nhóm người có mức sống trên 15 USD/ngày) ở Việt Nam đang phát triển rất nhanh, bình quân mỗi năm có khoảng 1,5 triệu người gia nhập nhóm này trong giai đoạn 2010-2018. Việc đầu tư vào tiếng Anh, ngôn ngữ phổ biến thứ hai ở Việt Nam cũng được hưởng lợi từ sự gia tăng của tầng lớp trung lưu.

Các quỹ đầu tư đã phân loại nhu cầu học tiếng Anh ở Việt Nam một cách rạch ròi. Đầu tiên là nhu cầu luyện thi các chứng chỉ TOEIC, IELTS…, nơi học viên chỉ có nhu cầu luyện thi là chính.

Kế tiếp là nhóm học tiếng Anh giao tiếp với người bản xứ và là cuộc chiến của các chuỗi lớn như hội Việt Mỹ, ILA...

Tầng thứ ba, nơi YOLA đang khai thác là tiếng Anh phục vụ nhu cầu du học. Cuối cùng, cũng là đỉnh tam giác, là tầng phục vụ nhóm khách hàng học tiếng Anh để đậu vào hệ thống trường đại học danh giá trên thế giới.

Các ước tính sơ bộ cho thấy, tổng quy mô ngành dạy tiếng Anh ở Việt Nam khoảng 400 triệu USD, tốc độ tăng trưởng khoảng 10%. Tầng thứ hai là nơi thu hút 60% doanh thu của toàn thị trường hàng năm.

Trong bức tranh trên, Kaizen PE chọn đầu tư vào YOLA vì tốc độ tăng trưởng tốt trong thời gian qua.

“Có mặt ở YOLA, bên cạnh hỗ trợ tài chính, Kaizen PE sẽ chia sẻ kinh nghiệm vận hành chuỗi trung tâm giáo dục (không phải đến từ nhượng quyền) cũng như đầu tư công nghệ để phục vụ mục tiêu giáo dục với YOLA”, Ngọc Tú chia sẻ.

Mục tiêu của YOLA đến năm 2025 là phục vụ 500.000 lượt học viên, tiếp cận 2 triệu học sinh trên toàn quốc. Ngọc Tú cho biết, YOLA sẽ mở rộng trong thời gian tới, nhưng cô không chia sẻ số lượng chi nhánh cụ thể, ngoài thông tin rằng các tỉnh miền Nam sẽ là đích đến trong thời gian tới, sau Hà Nội và TP.HCM.

Nhìn về tương lai

Tiếp xúc với Ngô Thùy Ngọc Tú, sẽ cảm thấy nhiều tính cách tương phản thú vị của nữ doanh nhân này. Cô giống một nhà hoạch định chính sách hơn là một doanh nhân kinh doanh giáo dục. Có lẽ chính vì thế mà Tú cân bằng được yếu tố kinh doanh và hiệu quả giáo dục trong sự nghiệp cô đã chọn.

Ngô Thùy Ngọc Tú sinh năm 1987, tốt nghiệp Đại học Stanford (Mỹ), ngành chính sách công. So với 10 năm trước, khi mới bắt đầu YOLA vào năm 2009, sự trẻ trung và sắc sảo của Tú gần như không thay đổi, nhưng YOLA của cô thì rất khác. Công ty đang đứng trước những thay đổi lớn trong quá trình mở rộng cả về số lượng chi nhánh và đối tượng người học.

Năm 2018, YOLA bắt đầu phát triển nhánh YOLA Kids, tập trung cho nhóm trẻ từ 3 đến 10 tuổi. Việc mở rộng của YOLA có thể đoán được vì Công ty cần tăng ảnh hưởng của mình ở phân khúc sôi động nhất thị trường hiện nay, đó là dạy và học tiếng Anh cho trẻ em. Cùng với nhu cầu chuẩn bị du học cho con ngay từ nhỏ của các ông bố, bà mẹ, YOLA giúp trẻ em Việt Nam học tiếng Anh và tiếp cận các kỹ năng tư duy phản biện từ nhỏ.

Bên cạnh đó, việc mở rộng cũng nhằm nhấn mạnh cho chuỗi giá trị mà YOLA tạo ra trong 10 năm qua.

“Chúng tôi luôn tự hỏi vì sao khách hàng phải chọn YOLA? Phụ huynh và học sinh có thể được thu hút bởi con đường chuẩn bị du học và tiếng Anh bài bản. Nhưng, chúng tôi muốn khi đến với YOLA, tiềm năng của người học được khai phóng thông qua các phương pháp truyền cảm hứng, các trải nghiệm giúp học sinh xây dựng các tố chất cá nhân”, Tú nói.

Và để thực hiện được điều đó, YOLA phải trải qua nhiều thử thách. Việc vận hành mô hình giáo dục ở Việt Nam hiện vẫn phụ thuộc vào con người (đội ngũ giáo viên) và mặt bằng kinh doanh. Cả hai đang chiếm tỷ trọng khá lớn trong cơ cấu chi phí của các đơn vị kinh doanh giáo dục ở Việt Nam.

Dấu ấn rõ nét nhất của công nghệ trong lĩnh vực này trên thế giới là mô hình học trực tuyến, tiếp cận đám đông, tiết giảm chi phí, nhưng không phù hợp với các thị trường mà tính tự giác của người học chưa cao, Việt Nam nằm trong số đó. Bản thân đội ngũ sáng lập YOLA đã từng nếm trái đắng của mô hình này vào những ngày đầu khởi nghiệp.

Các công nghệ khác, cho đến nay, vẫn chưa thể hiện được dấu ấn trong kinh doanh giáo dục. Bản thân Tú hiện cũng là đồng sáng lập ứng dụng học tiếng Anh ELSA, ứng dụng vừa gọi được 7 triệu USD từ các nhà đầu tư, một trong số đó là quỹ chuyên đầu tư vào trí tuệ nhân tạo của Google, Gradient Ventures.

Tuy nhiên, ELSA được ứng dụng trong YOLA để tăng cường khả năng phát âm của nhân viên là chính, chứ chưa có hợp tác mang tính chiến lược của hai bên trong tương lai gần.

“Nhưng chúng tôi có lợi thế là giá trị những ngày đầu thành lập công ty của nhóm sáng lập đã được lan tỏa và kế thừa rất tốt từ đội ngũ quản lý cấp cao. Đây là động lực để chúng tôi vượt qua các thử thách trong quá khứ và cả trong tương lai”, Tú cười và nói.

Cô thừa nhận, công nghệ chưa thể tạo được đột phá trong mô hình kinh doanh giáo dục ở Việt Nam, nhưng đóng góp của nó trong việc tạo ra hệ thống làm việc xuyên suốt là khá hiệu quả ở YOLA.

Có hai mảng chính được đầu tư công nghệ ở YOLA là mảng phục vụ việc dạy học và quản lý vận hành. Theo đó, công nghệ giúp giáo viên, phụ huynh theo dõi học sinh; học sinh có thể học trực tuyến tại nhà với những học phần theo đúng trình độ để đạt kết quả tốt nhất.

Đối với việc vận hành, công nghệ giúp tạo ra nền tảng đánh giá giáo viên, làm cơ sở cho việc khen thưởng công bằng, một yếu tố quan trọng để giữ chân nhân lực trong các ngành cạnh tranh. Ngoài ra, dữ liệu người học có được cũng giúp YOLA hình dung nhu cầu học đến từ đâu để hỗ trợ cho quá trình mở rộng chi nhánh mới.

Hiện khóa học của YOLA đã bao gồm các bài giảng trực tuyến và sinh hoạt tại trung tâm. Tú cho biết, thời gian tới, Công ty sẽ tách phần học trực tuyến và kinh doanh riêng để giúp nhiều người học có thể tiếp cận YOLA hơn. Tuy nhiên, cô cũng khẳng định, trọng tâm tăng trưởng chính vẫn nằm ở việc mở rộng các trung tâm YOLA.

Và để chuẩn bị cho đội ngũ nhân lực trong thời gian tới, Công ty sẽ tiếp tục đưa ra mức lương cạnh tranh so với thị trường, song song đó là đẩy mạnh việc xây dựng cộng đồng giáo viên bằng chính sách đào tạo đầu vào, đào tạo định kỳ, vinh danh các giáo viên triển vọng.

Tú từng kể, sau khi tốt nghiệp Đại học Stanford (Mỹ), cô đứng trước rất nhiều lựa chọn, nhưng đã chọn giáo dục vì đây là ngành có ảnh hưởng lớn đến xã hội. Một thập kỷ phát triển YOLA vừa qua, Tú cho biết, cô rất vui khi tìm ra những người đồng sáng lập cùng chí hướng và có thể lan tỏa tinh thần khai phóng trong giáo dục đến đội ngũ YOLA.

“Nếu được chọn lại, tôi vẫn sẽ chọn giáo dục”, Tú nói.

Mọi việc đang đi theo tinh thần này, nhưng cô vẫn trăn trở vì chưa tìm được việc thu hẹp phần nào khoảng cách giữa chi phí giáo dục và thu nhập của người học.

Đây cũng là bài toán mà nhiều nước trên thế giới gặp phải. Tú kỳ vọng, các mô hình giảng dạy đào tạo kỹ năng trực tuyến sẽ giúp cô đạt được nguyện vọng. Hiện giờ, Tú nói vẫn đang hợp tác với các bên để tìm ra hướng đi phù hợp.

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/doanh-nhan-ngo-thuy-ngoc-tu-chu-tich-hdqt-yola-chung-toi-nhan-lam-nguoi-truyen-cam-hung-d115039.html