Doanh nhân ngoại quốc kinh hoàng trước ác mộng nhà tù Nhật Bản

Vụ bắt giữ CEO Nissan Carlos Ghosn khiến quốc tế chú ý tới hệ thống tư pháp 'con tin' của Nhật Bản, nơi doanh nhân nước ngoài được cho là bị đối xử tồi tệ khi bị giam giữ.

Khi máy bay phản lực riêng của Carlos Ghosn đáp xuống Tokyo vào ngày 19/11/2018, giám đốc điều hành 64 tuổi của Nissan Motor chờ đợi một ngày làm việc bận rộn trước mắt. Thay vào đó, ông Ghosn rơi vào tay các công tố viên của Tokyo, những người thông báo rằng ông bị bắt vì nghi ngờ phạm tội tài chính, theo CNN.

Trong chớp mắt, thế giới xa hoa của Carlos Ghosn sụp đổ. Hai tháng sau, ông vẫn ngồi tù. Thời điểm này hàng năm, ông đang chuẩn bị tham dự cuộc họp mặt thường niên của giới thượng lưu toàn cầu tại khu nghỉ dưỡng trên núi ở Davos, Thụy Sĩ.

Ông Ghosn bị truy tố về một số tội danh và không được chấp thuận yêu cầu tại ngoại. Con trai ông cho biết ông đã sút mất 9 kg.

Người đi bộ đi qua một màn hình lớn hiển thị hình ảnh của ông Carlos Ghosn trong chương trình tin tức ngày 8/1 ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Getty.

Người đi bộ đi qua một màn hình lớn hiển thị hình ảnh của ông Carlos Ghosn trong chương trình tin tức ngày 8/1 ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Getty.

Nhà lãnh đạo doanh nghiệp nổi tiếng, người từng điều hành ba nhà sản xuất ôtô lớn nhất thế giới, đã trải qua nhiều tuần thẩm vấn kéo dài mà không có mặt luật sư, đồng thời bị cắt đứt liên hệ với gia đình.

Sau thời gian dài im lặng, ông Ghosn đã lên tiếng tuyên bố ông vô tội. Các chuyên gia cho biết việc giữ im lặng khá phổ biến đối với các nghi phạm ở Nhật Bản. Họ cũng thường gặp trở ngại khi giao tiếp với thế giới bên ngoài.

Vụ việc ông Ghosn khiến quốc tế chú ý tới cách Nhật Bản đối xử với tội phạm. "Tôi nghĩ rằng hệ thống tư pháp 'con tin' đó không chịu sự giám sát", Jeff Kingston, giám đốc nghiên cứu châu Á tại Đại học Temple, Nhật Bản, nói với CNN.

Ác mộng nhà tù Nhật Bản

Mark Karpeles, doanh nhân người Pháp ở Nhật Bản, hiểu rõ những gì ông Ghosn có thể trải qua. Anh từng kiếm bộn tiền ở Nhật Bản nhưng sau đó bị bắt giữ vì cáo buộc vi phạm về tài chính.

Karpele nói với CNN rằng điều kiện giam giữ mà anh từng trải qua tại Nhật rất khủng khiếp. "Tôi không bao giờ muốn điều đó xảy ra với bất cứ ai, ngay cả kẻ thù lớn nhất của tôi, ngay cả với kẻ thù tồi tệ nhất của loài người", anh nói.

Mark Karpeles từng bị giam giữ 11 tháng rưỡi tại Nhật Bản. Ảnh: CNN.

Karpeles là chủ sở hữu và CEO cũ của Mt. Gox, sàn giao dịch bitcoin lớn nhất thế giới một thời. Tất cả đột ngột kết thúc vào đầu năm 2014, khi gần 500 triệu USD biến mất. Mt. Gox rơi vào tình trạng phá sản, bỏ lại 30.000 nhà đầu tư giận dữ.

Karpeles, 33 tuổi, nói rằng các tin tặc đã rút cạn kho tiền ảo của công ty nhưng cảnh sát Nhật Bản lại tập trung điều tra anh. Anh bị bắt vào năm 2015, sau đó bị buộc tội biển thủ khoảng 3 triệu USD và thất tín.

Doanh nhân này đã ghi chép chi tiết về 11 tháng rưỡi bị giam giữ tại Nhật Bản mà anh mô tả là "cơn ác mộng". Anh cho biết cảnh sát đã thẩm vấn anh trong 50 ngày liên tục mà không có một ngày nghỉ. Ý định nhận tội cho qua chuyện thường xuyên lởn vởn trong đầu anh.

"Rất khó cưỡng lại khi bạn đang mất tự do và phải đối mặt với một hệ thống mà mỗi sáng người ta luôn bảo rằng bạn chỉ cần hợp tác và mọi chuyện sẽ đơn giản. Chỉ cần buông xuôi và nói: được rồi, được rồi", anh nói.

Karpeles nói rằng anh bị sút gần 35 kg khi bị giam giữ. Sau thời gian thẩm vấn, anh bị biệt giam 7 tháng tại một trung tâm giam giữ trước khi xét xử ở Tokyo.

Anh nhớ từng chi tiết của phòng giam không có cửa sổ rộng 6 mét vuông, nơi sàn nhà được trải nệm cói, có bồn rửa, nhà vệ sinh và một chiếc bàn nhỏ để anh cất nhật ký.

Karpeles giữ ghi chú chi tiết về thời gian bị giam giữ. Ảnh: CNN.

Karpeles cho biết anh bị buộc phải ngồi thẳng trong góc trong khoảng 10 tiếng mỗi ngày. Nếu lính canh bắt được anh đang ngủ hoặc chợp mắt, họ sẽ hét lên qua cửa. Một lần, khi vi phạm quy định, anh bị đưa đến "phòng trừng phạt", bị trói hai tay sau lưng và bị giữ trên sàn trong vài giờ.

Việc tranh tụng trong phiên xét xử của Karpeles kết thúc vào tháng trước. Phán quyết dự kiến được công bố vào tháng 3, gần bốn năm sau khi anh bị bắt. Anh tiếp tục khẳng định mình vô tội.

Cuộc đấu trí trong tù

Ông Ghosn cũng nhiều lần tuyên bố mình vô tội. Nissan và Mitsubishi Motors đã sa thải ông, vị trí lãnh đạo của ông tại Renault có thể cũng sắp chấm dứt.

Hai tháng sau khi bất ngờ bị bắt giữ, ông Ghosn vẫn bị tạm giam. Ông phải trải qua 8 giờ thẩm vấn mỗi ngày mà không có mặt luật sư. Yêu cầu bảo lãnh của ông nhiều lần bị từ chối.

Trong khi đó, bản cáo trạng ngày càng dài thêm, bao gồm cáo buộc khai gian khoản thu nhập 80 triệu USD và thiếu trách nhiệm nghiêm trọng khi chuyển khoản đầu tư thua lỗ của mình sang Nissan vào năm 2008 ở đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Trong phiên tòa tháng 1, ông Ghosn nói các cáo buộc là vô căn cứ và nói rằng ông bị buộc tội oan.

Luật sư riêng của ông cho biết thân chủ của mình có thể bị giam giữ trong một năm để chờ xét xử. Hiện tại, quyết tâm kháng cự của ông Ghosn vẫn còn mạnh mẽ nhưng không ai đảm bảo được điều gì trong cuộc chơi đầy rủi ro với các công tố viên Tokyo.

Các nhà phê bình cho biết mục tiêu của các công tố viên có thể là làm cho ông Ghosn suy sụp đến mức ký vào giấy nhận tội. Carole, vợ của Ghosn, đã viết một bức thư dài 9 trang cho Tổ chức Nhân quyền ở Tokyo, tố cáo hệ thống tư pháp Nhật Bản "hà khắc".

"Trong nhiều giờ mỗi ngày, các công tố viên thẩm vấn, đánh đập ông ấy, lên lớp và chửi mắng ông ấy khi không có sự hiện diện của luật sư nhằm buộc ông ấy nhận tội", bà viết.

Carlos Ghosn đã bị Nissan và Mitsubishi Motors loại bỏ khỏi vị trí chủ tịch. Ảnh: AFP/Getty.

Khi chờ xét xử, ông Ghosn có thể phải đối mặt với các điều kiện tương tự Karpeles với nhiều tháng bị giam cầm cùng khả năng tiếp cận rất hạn chế với những người khác. Hơn nữa, hy vọng của ông rất mong manh. Các chuyên gia pháp lý cho biết hơn 99% những người bị buộc tội ở Nhật Bản cuối cùng bị kết tội.

Ông Ghosn có thể phải đối mặt với mức án 15 năm tù nếu bị kết tội với tất cả tội danh.

Lời chỉ trích "bất công"

Những người hoạt động trong hệ thống pháp luật Nhật Bản khẳng định ông Ghosn được đối xử như bất kỳ nghi phạm nào khác.

"Tôi nghĩ rằng tất cả chỉ trích đều do hiểu lầm. Hệ thống của chúng tôi khá hiện đại dù một số người không nhận thấy như vậy.

Hệ thống của chúng tôi được hầu hết người dân Nhật Bản ủng hộ. Tỷ lệ tội phạm đang giảm xuống hàng năm. Vì vậy, tôi nghĩ rằng hệ thống của chúng tôi hoạt động rất tốt", Shuji Yamaguchi, luật sư thuộc công ty luật Okabe & Yamaguchi có trụ sở tại Tokyo, nhận xét.

Tại cuộc họp báo tuần trước, phó tổng công tố Shin Kukimoto của Văn phòng Công tố Tokyo khẳng định "việc điều tra và thẩm vấn được tiến hành phù hợp theo quy định của pháp luật".

Các công tố viên "không bao giờ tiến hành điều tra với một số mục tiêu nhất định", ông Kukimoto nói. Ông khẳng định họ sẽ không trì hoãn tiến trình pháp lý để "kéo dài thời gian giam giữ nhằm quấy rối các nghi phạm".

"Mỗi quốc gia có nền tảng, lịch sử và văn hóa riêng. Tôi tự hỏi liệu có công bằng không khi chỉ trích hệ thống tư pháp của Nhật Bản bởi vì nó khác với các quốc gia khác", ông Kukimoto cho biết.

Tuyết Mai

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/doanh-nhan-ngoai-quoc-kinh-hoang-truoc-ac-mong-nha-tu-nhat-ban-post910466.html