Doanh nhân Nguyễn Trung Bảo: Làm gì cũng là đóng góp cho xã hội, miễn là làm tử tế

Nói đến những người trẻ đang mang lại nguồn sinh lực mới cho Hội An, có thể kể đến Nguyễn Trung Bảo với Xứ Đàng Trong, người đã tạo dựng được một điểm đến hội tụ được nhiều tinh hoa của các vùng đất.

Ông Nguyễn Trung Bảo, Chủ nhân Trung tâm nghệ thuật Xứ Đàng Trong, Phó giám đốc công ty Danatol

Hội An mang trong mình sự quyến rũ thầm lặng, bền bỉ, kéo dài suốt cả chiều dài lịch sử, và luôn được làm mới bởi sự tiếp nối của nhiều thế hệ.

Nói đến những người trẻ đang mang lại nguồn sinh lực mới cho Hội An, có thể kể đến Nguyễn Trung Bảo với Xứ Đàng Trong, người đã tạo dựng được một điểm đến hội tụ được nhiều tinh hoa của các vùng đất, gợi nhớ về một cảng thị sầm uất, sự giao hòa Đông - Tây, và những hoạt động nghệ thuật đương đại đầy sức trẻ…

Gặp Bảo vào một buổi chiều dịu mát, giữa căn nhà cổ thênh thang số 9 đường Nguyễn Thái Học, nơi đang trưng bày 24 tác phẩm điêu khắc gỗ với hoa lan đầy ngẫu hứng của cặp nghệ sĩ song sinh Lê Ngọc Thanh và Lê Đức Hải mang tên Lan - Lan, mới hiểu tình yêu anh dành cho phố cổ, và những nỗ lực không ngừng nghỉ để vực dậy các làng nghề…

Vì sao anh chọn Lê Ngọc Thanh và Lê Đức Hải với triển lãm Lan - Lan rất đương đại để trưng bày trong một ngôi nhà cổ?

Tôi thích họ ở các tiếp cận độc đáo về lịch sử, bản sắc và cách diễn giải của quá khứ trong hiện tại.

Đó cũng là tinh thần mới của Xứ Đàng Trong, phù hợp với tinh thần của Hội An, luôn đón nhận cái mới.

Tôi muốn biến nơi đây thành điểm giao lưu văn hóa, trung tâm nghệ thuật đương đại, với những loại hình nghệ thuật từ cỏ điển truyền thống đến sự giao hòa Đông - Tây.

Con người luôn song hành với tự nhiên, đặc biệt là thiên nhiên, chúng ta chỉ có thể tương tác và hòa nhập với thiên nhiên chứ không thể ép buộc và cưỡng chế thiên nhiên. Thân phận con người cũng giống như một nhành lan, ở đó chúng ta phải nỗ lực để sống, để tồn tại, nếu chúng ta chống lại thiên nhiên, đi ngược với thiên nhiên, tức là tự hủy diệt mình.

Ba năm qua rời bỏ Sài Gòn về với Hội An, tạo dựng sức sống cho Xứ Đàng Trong với anh hẳn cũng là quãng thời gian nỗ lực hết mình để sống, để tồn tại?

Ngôi nhà cổ này gần 1.000m2 đẹp nhất nhì Hội An này trước kia thuộc công ty cổ phần Hội An, mô hình kết hợp giữa TP Hội An và các làng nghề như dệt chiếu, làm gốm, lồng đèn, vẽ tranh, điêu khắc gỗ… tạo thành Xưởng thủ công mỹ nghệ Hội An. Xưởng hoạt động được khoảng 10 năm, nhưng gặp nhiều trục trặc do thiếu hụt kinh phí.

Nhận lại công ty, tôi nghĩ nếu để xưởng sản xuất giống hợp tác xã quá, phải định hướng khác đi mới phát triển được. Du khách đến Hội An, mỗi làng nghề đã làm được chuyện thu hút du lịch rồi, hơn nữa đây không phải là đất làm thủ công mỹ nghệ, mà là xứ buôn bán, thương mại.

Ngôi nhà cổ này trước đây là tiệm buôn Phi Ánh rất giàu có, nhưng chủ nhân đã bỏ ra đi.

Tìm hiểu kỹ về lịch sử Hội An, nơi chia đôi thời Trịnh Nguyễn, trở thành thương cảng cực kỳ quan trọng của Xứ Đàng Trong, tôi bật ra ý tưởng chọn cái tên cho nơi này là Đàng Trong, cha tôi ngồi cạnh thêm chữ “Xứ”, cũng chính là để nhắc lại câu chuyện lịch sử từ bảng hiệu, qua đó câu chuyện về lịch sử Việt Nam, lịch sử Hội An.

Đó là cuộc Nam tiến của người bỏ cái cũ đi tìm cái mới để làm, để sống, để tìm tự do…

Tôi cũng trong giai đoạn tìm kiếm một tự do mới. Đồng thời, nhìn dưới góc độ buôn bán, Hội An cũng là nơi thế giới phẳng đầu tiên, ở đó có tất cả thương nhân thế giới sống vẫn hiền hòa với nhau cho tới bây giờ, không cảm giác có cái vênh nào cả về văn hóa và lối sống. Dung hòa giữa cái mới và cái bản địa rất lớn, vừa rất bảo thủ, vừa tiến về vùng đất mới, vừa dung hòa cái mới.

Tinh thần buôn bán cũng vậy. Đây phải là hiệu buôn tinh thần giao thoa Hội An. Hội An giờ không chỉ là những sản phẩm cụ thể nữa, mà bản thân Hội An cũng đang là một sản phẩm. Phải bán cái không khí Hội An, tinh thần cởi mở, kết nối với thế giới. Và phải dựng lại được điều đó bằng cách tập trung được tinh hoa của nhiều vùng đất khác…

Chính vì vậy, hàng hóa ở đây luôn thay đổi, không sử dụng quá địa phương, mà hòa nhập thế giới. Lựa chọn sản phẩm có tính nghệ thuật, tính mới, câu chuyện phi vật thể phải hòa quyện với vật thể, với những sản phẩm thủ công mỹ nghệ tốt và đẹp nhất Việt Nam như trúc chỉ ở Huế, đồ gốm thiết kế của nghệ nhân nước ngoài ở Bát Tràng,... nhưng có những thứ vẫn “rặt” Hội An như mặt nạ tuồng, lồng đèn,...

Người ta có thể đến mua, học cách làm lồng đèn, nghe câu chuyện mặt nạ tuồng. Ở đây còn có sản phẩm khăn lụa của dân tộc thiểu số dệt bằng tay, được thiết kế lại cho phù hợp tinh thần hiện đại.

Không phải cái gì cũ cũng hay, phải thiết kế để phù hợp tinh thần hiện đại, điều đó những người thiết kế nước ngoài sống ở Việt Nam và Hội An làm rất tốt, vừa mang màu sắc cũng của phương Tây, mà vẫn giữ lại tinh túy của nghệ thuật truyền thống.

Ở đây cũng giữ lại những nghệ nhân làm nón, làm quạt, làm sáo trúc. Một cô gái chuyên múa điệu múa người Chăm… gợi nhớ tổ tiên xưa kia của vùng đất này.

Tìm kiếm không ngừng nghỉ những cái mới của thủ công mỹ nghệ Việt Nam để mang về đây, sau ba năm, nói thật cũng mệt, tỉ mỉ từng chút.

Cũng vui vì với công việc này, tôi có được tự do nho nhỏ là lèo lái mọi chuyện theo ý mình, không suy nghĩ nặng nề. Ví dụ như lúc này đây, ngồi trò chuyện với chị trong ngôi nhà cổ Hội An giữa buổi chiều hè, nhẹ nhàng, im lặng, cũng thú vị lắm.

Trong làn sóng di cư, những người chủ mới của Hội An và khách du lịch đủ mọi thành phần đang trở thành gánh nặng cho đô thị cổ này, anh có lo ngại hồn cốt của Hội An sẽ phai nhạt?

Rất tiếc Hội An đang phát triển thành chợ buôn bán chứ không phải như một Hội An đã từng. Dĩ nhiên phải là đô thị sống chứ không phải là bảo tàng chết, nhưng không thể là một đại siêu thị đồ lưu niệm chất lượng thấp, đa số là hàng Trung Quốc như bây giờ.

Người Hội An gốc đã bỏ đi hết rồi, ngay cả tôi cũng là người mới. Khi bước vào ngôi nhà này, mình cũng không biết thờ ai? Cuối cùng tôi chọn thờ hình ông Nguyễn Hoàng, người mở cõi Xứ Đàng Trong cho người Việt sau này.

Để tạo dấu ấn cho Xứ Đàng Trong, tôi phải làm ngược lại kiểu buôn bán đại trà ở đây. Hàng thủ công là độc bản, được kiểm soát chất lượng sản phẩm từ nguồn. Đây cũng là lý do vì sao tôi tổ chức các tuần lễ nghề thủ công hay triển lãm. “Tuần lễ thổ cẩm” là một ví dụ.

Chúng tôi kết hợp với các tổ chức phát triển bền vững của Liên minh châu Âu (EU) mời các nghệ nhân dân tộc thiểu số ở vùng núi phía Bắc đến đây, họ đem theo khung, sợi vải, và dệt tại chỗ cho du khách cùng tham gia. Họ cũng nhuộm màu tại chỗ để bán. Đó là cách bán trải nghiệm văn hóa mà người nước ngoài rất thích. Chất lượng cũng sẽ khiến cho du khách quay trở lại.

Bài toán về kinh doanh có là một áp lực nặng nề với riêng anh?

Quá lớn, nhất là khi Hội An đang chạy theo sự tăng giá một cách phi lý về bất động sản. Một căn nhà đang sửa bán 24 tỷ, bằng căn biệt thự ở biển, làm cho giá thuê nhà tăng, các hoạt động khác cũng tăng theo, gây áp lực người kinh doanh.

Áp lực lớn nữa là cơ cấu khách hàng. Khách đến đây rất đông, nhưng khách đủ sức thẩm thấu vật phẩm với số tiền lớn ngày càng ít đi, vì lượng khách ở các resort phía Cửa Đại bị sạt lở, kéo ra Đà Nẵng hết, chỉ còn khách ba lô. Khách Trung Quốc, Hàn Quốc hầu như không mua bán gì cả, đi một vòng chụp hình rồi về. Không như ngày xưa khách mấy resort xung quanh đến ở rất nhiều… chính họ mới tạo nguồn thu đáng kể cho Hội An.

Việc kinh doanh ở đây theo mùa, chỉ bảo đảm doanh thu vào những tháng cao điểm, còn những tháng thấp điểm như bây giờ cả Hội An không có khách. Đường phố vắng hoe, cộng thêm thời tiết nắng nóng họ ở trong khách sạn hết…

Chính vì vậy, phải kiên định với thế mạnh của mình là hội tụ những sản phẩm và con người có cùng suy nghĩ về thủ công mỹ nghệ, những món đồ chế tác trên chất liệu dân gian, từ đó nghĩ ra những việc mới để làm.

Những sản phẩm độc đáo của Xứ Đàng Trong

Vậy thách thức lớn nhất với anh bây giờ là gì?

Cố gắng duy trì tinh thần mới, tìm những hàng hóa mới mà giá cả phải phù hợp. Những người làm ăn thực sự ở Hội An đang rút dần đi, mình phải nỗ lực duy trì những sự kiện nghệ thuật, nếu không sẽ mất đi tinh thần ban đầu mình có.

Trước Lan - Lan có triển lãm ảnh Voọc Sơn Chà của Na Sơn, Lê Phước Chín, Nguyễn Đăng Đệ. Trước nữa có triển lãm Trúc chỉ, dệt của người dân tộc phía Bắc, Thái, Mường, giới thiệu múa Chăm Pa, lễ hội làng nghề, những nghệ nhân làm gốm, xếp là dừa, làm con thú,…

Tạo ra nguồn hàng thủ công mỹ nghệ khác biệt, đó là khó khăn rất lớn.

Sắp tới tôi chuẩn bị làm Trung tâm trà Tâm Châu, Trung tâm trà Việt. Họ có trang trại, nhà máy sản xuất… mình sẽ dựng lại ở đây một câu chuyện từ cây trà. Đối với người Việt trồng cây trà thế nào, làm chế biến ra sao, đảm bảo từ đầu nguồn không qua trung gian nào cả.

Xuất thân từ người làm báo, chuyển sang kinh doanh, anh có gặp khó khăn nhiều không?

Tư duy của tôi gần với khoa học hơn nghệ thuật, nên ngay từ đầu hình dung mọi thứ rõ ràng, không mơ màng như mấy ông nghệ sĩ, làm ra cái đẹp phải nghĩ làm sao bán ra tiền, còn đẹp không, sống sao nổi.

Tuy nhiên trong người, máu làm báo vẫn lớn hơn máu kinh doanh. Thấy nghề báo khó làm thì rút ra làm nghề khác, chứ không nghĩ mình giỏi kinh doanh đâu, cũng may có chút hỗ trợ từ mọi người, rồi may mắn nhất thời gian làm báo cho mình mối quan hệ bạn bè, từ đó bước sang kinh doanh thuận lợi hơn thôi.

Còn việc kinh doanh khu du lịch Suối Lương thì sao?

Nằm dưới chân đèo Hải Vân, khu du lịch Suối Lương là tâm huyết của cả gia đình, không phải kinh doanh để thu tiền. Cũng có đối tác nước ngoài sẵn sàng trả giá cao nhưng không bán. Ba tôi coi đó như đứa con tinh thần, con suối, thiên nhiên đẹp quá.

Ở Đà Nẵng cũng cần có chỗ bình thường cho người dân nghèo đến chơi. Có khu vực cắm trại, có khu vui chơi, trang trại nuôi các loại thú, hươu sao, cừu, dê, trồng rau cho mấy em nhỏ mẫu giáo… Cố gắng giữ thiên nhiên ban sơ nhất, nương theo cây rừng để làm thôi.

Danatol còn là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội cho công nhân rộng 15,6 hecta?

Dự án nằm ở khu kinh tế mở Chu Lai, có cả trường học, chợ búa, công viên… với hai loại diện tích 45m2 và 60m2, thiết kế ngay khu vực bên sông rất đẹp. Dự án đang triển khai giai đoạn một, xây 4.000 căn hộ.

Chúng tôi muốn làm một khu sinh sống đàng hoàng cho công nhân, được quy hoạch tử tế, hy vọng từ đó sản sinh ra văn hóa cộng đồng.

Theo kêu gọi của tỉnh Quảng Nam, Danatol cũng muốn làm dự án vì cộng đồng tạo ra một không gian sống tử tế để người dân có thể sống, làm việc được, tạo thói quen đô thị cho những người hôm trước còn là nông dân sống trong làng. Chính lối sống đô thị sẽ giúp họ tạo ra tinh thần công nghiệp hơn.

Về với Hội An, cái được lớn nhất với anh là gì?

Giây phút hạnh phúc nhất với tôi bây giờ là chơi với hai đứa con. Về đây, tôi có thời gian nhiều hơn dành cho con. Ngày ngày vẫn đưa đón con đi học, thời gian ngồi trên xe là thời gian dành cho con nhiều nhất. Hai đứa con ngồi bên cạnh, đứa 6 tuổi, đứa 5 tuổi, có những câu hỏi ngộ nghĩnh lắm. Cháu đầu thì lo cho con voọc không có gì ăn, cháu thứ hai thì suốt ngày lo bảo vệ môi trường, hỏi những câu chưa ai trả lời được như “ Con người từ đâu tới?”, “Con người chết sẽ đi về đâu?”,...

Về đây, tôi có được cái nhìn khác về cuộc sống, được làm những việc bình thường, có nhiều mối quan hệ mới, được sống trong hai môi trường khác nhau cũng là điều lý thú… Làm gì cũng là đóng góp cho xã hội, miễn là làm tử tế.

KIM YẾN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/nhan-vat/bizstory-doanh-nhan-nguyen-trung-bao-lam-gi-cung-la-dong-gop-cho-xa-hoi-mien-la-lam-tu-te-3472722.html