'Doanh nhân như chiến sĩ thì báo chí như hậu cần'

Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Chủ tịch Hội Trọng tài thương mại TPHCM, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Thương mại Luật gia Việt Nam - đã nhận xét như trên khi đề cập về mối quan hệ giữa báo chí, thông tin trên báo chí, mạng xã hội với doanh nhân, doanh nghiệp trong cuộc trao đổi với Phóng viên Báo Lao Động nhân Ngày truyền thống Doanh nhân Việt Nam, 13.10.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Hội Trọng tài thương mại TPHCM, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Thương mại Luật gia Việt Nam.

Là một người gắn bó rất nhiều với truyền thông và báo chí, và cũng là một trưởng văn phòng luật sư, tức là trong chừng mực nào đó cũng phải lo tới việc kinh doanh, ông có nhận xét gì về vai trò của báo chí và mạng xã hội hiện nay đối với doanh nghiệp?

- Có thể nói ngay rằng, báo chí và mạng xã hội có một vai trò rất quan trọng trong tác động đến đời sống xã hội và doanh nghiệp.

Ngày nay, với Internet và mạng xã hội, sức mạnh của thông tin ngày càng mạnh mẽ hơn và vai trò của truyền thông ngày càng quan trọng hơn, vì nó tác động sâu rộng hơn vào đời sống xã hội, và đặc biệt là đối với doanh nghiệp. Tôi cho rằng hiện đã hình thành “thế giới phẳng” về thông tin giữa các khu vực, vùng miền của một đất nước hay giữa người dân ở các quốc gia khác nhau. Do đó, có nhận xét cho rằng, thời đại ngày nay, đất đai hay tiền bạc chỉ là những nguồn lực quan trọng để phát triển, còn người làm chủ thông tin sẽ giữ vai trò thống lĩnh. Doanh nghiệp ngày nay có thể nhanh chóng rơi vào khủng hoảng, ranh giới giữa “sống” và “chết” cũng rất mong manh nếu bị lan truyền những thông tin xấu trên mạng xã hội hay bị phản ánh trên báo chí.

Chúng ta hay ví von thương trường như chiến trường và doanh nhân là những chiến sĩ trên chiến trường đó. Theo tôi, nếu thương nhân như chiến sĩ thì báo chí như bộ phận hậu cần. Có hậu cần tốt, ủng hộ, tiếp sức chu đáo, chiến sĩ yên tâm chiến đấu nơi tiền tuyến. Còn nếu hậu cần không vững chắc thì chiến sĩ không thể tập trung hết sức mình cho chiến trận.

Ông vừa nhắc đến ranh giới mong manh giữa “sống” và “chết” của doanh nghiệp khi bị thông tin xấu trên báo chí và mạng xã hội. Ông có nhận xét gì về tình trạng này, thậm chí có dư luận cho rằng, doanh nhiệp muốn “chơi” đối thủ thì có thể sử dụng báo chí hay mạng xã hội để triệt tiêu nhau?

- Theo tôi biết thì chưa có một kết luận chính thức nào của các cơ quan chức năng về việc doanh nghiệp dùng các lợi ích vật chất để tác động đến báo chí hay người dùng trang mạng xã hội để bêu xấu hoặc nhằm triệt hạ đối thủ cạnh tranh với mình, tuy nhiên, dư luận thì có nhắc đến. Thậm chí, có thông tin cho rằng, có những facebooker nổi tiếng có thể viết bài đăng trên Facebook của mình để kiếm tiền không nhỏ thông qua PR cho một doanh nghiệp, sản phẩm nào hoặc “đánh” doanh nghiệp, sản phẩm khác hoặc xử lý khủng hoảng truyền thông cho doanh nghiệp. Và thời gian gần đây, chúng ta thấy các cơ quan chức năng thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông đã tăng cường xử phạt các báo chí thông tin sai sự thật trên báo chí và cả trên mạng xã hội.

Đối với các doanh nghiệp thì rất khó để không xảy ra khủng hoảng truyền thông, mà khủng hoảng truyền thông chỉ có thể xảy ra sớm hay muộn và nếu xả ra dù trên báo chí hay mạng xã hội đều gây ra thiệt hại không nhỏ cho doanh nghiệp, cả về vật chất lẫn tinh thần.

Chúng ta nhắc lại vụ việc thông tin nước mắm truyền thống bị nhiễm asen (thạch tín) quá ngưỡng cho phép khiến không ít doanh nghiệp sản xuất nước mắm lao đao, dù sau đó khi các cơ quan chức năng vào cuộc xác minh lại thì không phải như thế. Trong vụ này có đến 50 cơ quan báo chí bị xử phạt và có những báo phải “xử lý” cả nhân sự cấp cao trong tòa soạn. Hay như một công ty xây dựng cũng bị “bay hơi” 1.500 tỉ đồng vốn hóa trên sàn chứng khoán do các tin đồn thất thiệt về hoạt động kinh doanh. Do đó, doanh nghiệp cần quan tâm tới việc phòng ngừa các sự cố khủng hoảng truyền thông.

Ông có lời khuyên gì đối với doanh nghiệp khi bị thông tin xấu, không đúng sự thật trên báo chí và mạng xã hội?

- Tháng 11.2017, Trung tâm Trọng tài Thương mại Luật gia Việt Nam (VLCAC) cũng đã phối hợp với Trung tâm Cảnh báo rủi ro & An ninh Thông tin ATHENA đã tổ chức Hội thảo 'Khủng hoảng truyền thông trên mạng xã hội gây thiệt hại cho cá nhân và tổ chức - Thực trạng, phòng ngừa và đề xuất' tại TPHCM. Tại hội thảo này, các chuyên gia đã đưa ra hai giải pháp cơ bản để đối phó với những thông tin xấu, độc trên mạng xã hội. Các chuyên gia đã đề ra các giải pháp chính để xử lý khủng hoảng truyền thông khi doanh nghiệp, cá nhân bị đưa những thông tin không đúng sự thật lên mạng xã hội và cả báo chí. Đó là giải pháp về kỹ thuật và giải pháp về pháp lý. Về giải pháp kỹ thuật, doanh nghiệp không nên chờ tới khi xảy ra khủng hoảng truyền thông mới tính đến biện pháp ngăn ngừa mà cần sử dụng các công cụ lắng nghe trên mạng xã hội, cảnh báo rủi ro… Thông qua hoạt động cảnh báo rủi ro có thể phát hiện sự cố sớm hơn, giúp giảm thiểu thiệt hại cho doanh nghiệp. Còn khi đã bị thông tin xấu trên mạng xã hội, thì có thể nhờ đến chuyên gia, các công ty chuyên về công nghệ thông tin để tìm chính xác người, nơi tạo ra khủng hoảng đó và dùng các giải pháp kỹ thuật để hạn chế tác động lan truyền (dù đã muộn).

Giải pháp thứ hai là giải pháp pháp lý. Doanh nghiệp, người dân cần xác định thiệt hại đã xảy ra để có thể tiến hành khởi kiện dân sự; yêu cầu bồi thường đối với chủ sở hữu trang mạng và người trực tiếp đăng tải thông tin đó; đồng thời, tố cáo hành vi vi phạm của chủ sở hữu trang mạng và người trực tiếp đăng tải thông tin tới cơ quan có thẩm quyền để có biện pháp xử lý và yêu cầu người, cơ quan đăng tin sai đính chính, xin lỗi công khai hay bồi thường thiệt hại. Với báo chí thì có thể bị khiếu nại, yêu cầu đính chính, bồi thường thiệt hại nếu đăng tin sai theo Luật Báo chí và quy định của pháp luật dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Đối với người dùng mạng xã hội, cần nhận thức khi đăng những thông tin mang tính xúc phạm người khác không phải là nói chơi, mà là hành vi vi phạm pháp luật, tùy theo mức độ mà có thể bị xử phạt hành chính; bị bồi thường thiệt hại do xâm phạm đến uy tín, danh dự, nhân phẩm thậm chí có thể bị xử lý hình sự với các Tội làm nhục người khác hay Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo Điều 155, 288 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Và kể từ 1.1.2019, Luật An ninh mạng có hiệu lực cũng sẽ điều chỉnh các hành vi trên.

Trong hai giải pháp trên, giải pháp kỹ thuật cũng phải dựa trên các quy định của pháp luật, chẳng hạn việc thu thập thông tin trên mạng như thế nào là hợp pháp để làm căn cứ yêu cầu bồi thường thiệt hại. Do đó, các doanh nghiệp cần chú ý đến các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động của mình và tốt nhất là cần có hỗ trợ từ những tổ chức hành nghề luật sư chuyên nghiệp.

Nam Dương (thực hiện)

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/kinh-te/doanh-nhan-nhu-chien-si-thi-bao-chi-nhu-hau-can-635870.ldo