Doanh nhân rải tiền từ khinh khí cầu xuống đất: 'Đánh' vào lòng tự trọng của người khác?

Mới đây, tại sân vận động Tự Do (TP Huế), ông Phạm Tuấn Sơn - tác giả một cuốn sách về làm giàu - gây xôn xao dư luận với màn đứng trong khinh khí cầu, bay lên cao, sau đó rải những phong bao lì xì tiền xuống đất.

Lẽ ra, là tác giả của một cuốn sách mang tên "Dám làm giàu" thì chính ông Phạm Tuấn Sơn phải hiểu rằng những người làm giàu chân chính không bao giờ có hành động như thế. Người có ước muốn làm giàu, điều trước tiên là yêu lao động, biết tự lực vươn lên chứ không bao giờ cúi mình nhặt tiền bố thí từ kẻ khác" - đó là một trong rất nhiều bình luận chỉ trích ý tưởng "mưa tài lộc" mà ông Sơn thực hiện trong ngày ra mắt sách của mình.

Nhìn cảnh hơn 100 "diễn viên quần chúng" cúi nhặt những đồng phong bao đựng tiền bay tứ tung, đa phần những người trực tiếp hay gián tiếp chứng kiến đều phải lắc đầu ngán ngẩm.

chuyên gia truyền thông mạng xã hội Nguyễn Ngọc Long chia sẻ: "Cá nhân tôi thấy đây là một cách làm cực kỳ phản cảm vì cứ nghe đến chuyện rải tiền kiểu đó, trong đầu tôi chỉ liên tưởng đến hai hình ảnh: Một là các trọc phú xứ người, hai là rải tiền âm phủ trong các đám ma... Dù với hình ảnh nào đi nữa, tôi cũng thấy đó là cách làm "đánh" vào lòng tự trọng của người thấp kém, người nghèo".

"Ai mà không biết sống thì phải cần tiền. Có thể tưởng tượng được ngay sẽ có những người nghèo khổ phải vất vả mưu sinh, thấy tiền từ trên trời rớt xuống thì họ lượm. Nhưng "của cho" không bằng "cách cho", vung tiền để tạo ra một đám đông nhốn nháo, chạy qua chạy lại để hứng tiền như vậy thực sự như chà đạp lên lòng tự trọng của con người. Tôi thấy rất đau lòng và phản cảm.

Đặc biệt lại dùng nó để quảng bá cho một cuốn sách, tức là biểu tượng về văn hóa. Xét trên khía cạnh truyền thông, coi như tác giả này và nhà sách đã thành công. Có thể số tiền họ thu về từ bán sách còn nhiều hơn thế vạn lần. Nhưng cuộc sống mà đặt đồng tiền lên tất cả, bất chấp văn hóa và đạo lý như vậy thì không phải cách mà anh lựa chọn", anh Long nói.

So với nhiều tác giả khác, tác giả cuốn sách "Dám làm giàu" khá "chịu chơi" khi thuê hẳn một khinh khí cầu từ Thái Lan về, thuê những người nhặt tiền và coi đó như một "tiết mục" diễn lại ý tưởng của mình.

Đương nhiên, xét ở góc độ công việc, không thể trách những người nhặt tiền cho ông Sơn; xét ở góc độ truyền thông, ý tưởng ấy là "độc", "lạ", từ trước đến nay chưa một ai dùng để PR giới thiệu sách. Tuy nhiên, đúng như phần lớn nhận định, đó là hình ảnh không đẹp.

Về mặt văn hóa, người Việt nói chung và người Huế nói riêng vốn rất coi trọng cách ứng xử với đồng tiền. Xưa nay, hình ban phát tiền thường chỉ diễn ra ở một số thực hành tín ngưỡng như hầu đồng, hiểu nôm na là cách thế lực siêu nhiên phát "lộc" cho người phàm trần.

Còn ở đây, dẫu ông Phạm Tuấn Sơn dẫu có đưa ra lời phân trần về ý tưởng ban đầu, phát sinh khi thực hiện cũng như lời xin lỗi đi chăng nữa thì rõ ràng sự thật không thay đổi là hình ảnh khinh khí cầu rải tiền đã đánh vào lòng tự trọng của rất nhiều người.

Chưa kể, mảnh đất Huế vốn là vùng miền nơi coi trọng lễ nghi, nhiều thành quách cổ xưa còn được lưu giữ, đời sống người dân nhiều nơi còn nghèo thì một hình ảnh xa hoa, có phần "ngông ngạo" hoàn toàn không phù hợp.

Nếu bản thân ông Phạm Tuấn Sơn và ê-kíp truyền thông định PR sự kiện ra mắt bằng sự khác biệt, xưa nay chưa ai "dám" làm thì có lẽ sự tính toán này chưa được cân nhắc kĩ bắt đầu từ địa điểm, sau đó là cách thức thực hiện và đương nhiên, khi mọi chuyện đã bung bét không phải cứ phân bua hay nói một lời xin lỗi là xong.

TheoT.Nam/ Giađình.net

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/doi-song/doanh-nhan-rai-tien-tu-khinh-khi-cau-xuong-dat-danh-vao-long-tu-trong-cua-nguoi-khac-190717/